Vì sao người tiêu dùng quay lưng với chợ truyền thống?

05/11/2024 - 06:52

PNO - Nếu chịu khó theo dõi các chương trình khuyến mãi của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn 10-40% so với mua ở các chợ.

Giá thực phẩm ở chợ đắt hơn siêu thị

Chị Ngọc Nga (quận 5, TPHCM) kể, cùng là gạo ST25, các sạp, cửa hàng bán dạng xá (hàng rời, mua bao nhiêu cân bấy nhiêu, gạo có thể bị pha trộn) với giá từ 28.000-32.000 đồng/kg, còn gạo ST25 loại đóng bịch 10kg thì giá 32.000-38.000 đồng/kg tùy sạp, cửa hàng. Mấy tháng qua, gạo ở các sạp chợ, cửa hàng tăng giá nhanh nhưng ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị gần như không biến động, thậm chí có hệ thống còn khuyến mãi, bán loại đóng bịch với giá chỉ 28.000 đồng/kg.

Khi chúng tôi hỏi giá nấm, một tiểu thương chợ Nhật Tảo (quận 10, TPHCM) cho biết, ngày thường, nấm rơm có giá 100.000 đồng/kg nhưng hễ đến ngày rằm hoặc có biến động thời tiết, giá lên 130.000-140.000 đồng/kg. Hồi tháng 5/2024, do tiết trời nắng nóng, giá nhiều loại rau ở chợ tăng 30 - 100%; đến tháng Chín, mưa bão kéo dài, giá rau cũng tăng 50%. Theo các tiểu thương, giá rau củ quả ở chợ vừa phụ thuộc sức mua, vừa phụ thuộc giá từ các chợ đầu mối.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống khuyến mãi trong siêu thị Aeon Mall Bình Tân - ẢNH: THANH HOA
Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống khuyến mãi trong siêu thị Aeon Mall Bình Tân - Ảnh: Thanh Hoa

Trong khi đó, ở các siêu thị, từ đầu năm 2024 đến nay, giá hàng hóa luôn ổn định ở mức bằng hoặc thấp hơn ở chợ, chỉ một số rau hữu cơ hoặc rau VietGAP từ Đà Lạt mới có giá cao hơn. Vào cuối ngày, thường sau 16g, một số hệ thống còn giảm giá thực phẩm tươi sống 20 - 45% nên giá nhiều loại chỉ bằng 1/3 giá ở chợ. Ở hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, sau 19g, giá mồng tơi, rau muống, cà rốt, cà chua chỉ còn 5.000 đồng/kg, giá thịt heo các loại giảm từ 50 - 70%. Trong siêu thị Aeon Mall Bình Tân, từ 20-22g, các loại đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm tươi sống giảm giá từ 20 - 50%. Lotte Mart cũng có quầy chuyên bán rau giảm giá 50% vào cuối ngày.

Để chợ không bị khách quay lưng

Ông Lâm Quốc Thanh - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên (SATRA) - cho biết, hoạt động bán lẻ nói chung ở TPHCM vẫn đang khó khăn. Sức mua ở hệ thống siêu thị Satra trong 9 tháng đầu năm giảm khoảng 15%. Người tiêu dùng chỉ tập trung mua sắm hàng thiết yếu, cân nhắc giá rất kỹ trước khi mua, chỉ mua nhiều khi mặt hàng đó được khuyến mãi hoặc tặng kèm quà có giá trị. Do đó, Satra phải luôn tìm cách để khuyến mãi, giảm giá sâu nhất có thể nhằm kích thích người tiêu dùng mua sắm.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết, từ đầu năm tới nay, nhiều nhà cung cấp đề nghị tăng giá nhưng Saigon Co.op không đồng ý mà luôn xem xét kỹ lưỡng các yếu tố, thảo luận để giữ giá ổn định. “Chúng tôi đặt hàng từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Thậm chí, chúng tôi còn làm trung gian kết nối doanh nghiệp sản xuất với ngân hàng để đảm bảo đầu ra cho hàng hóa của doanh nghiệp” - ông nói.

Theo đại diện siêu thị Emart, chợ chủ yếu bán cho khách quen hoặc cư dân gần chợ và hiếm có người bán nào tìm cách giảm giá. Các siêu thị thường nhập hàng với số lượng lớn nên có giá rẻ, hơn nữa phải cạnh tranh về giá khá gay gắt nên phải đua nhau khuyến mãi. Giữa các nhà cung cấp hàng hóa cho siêu thị cũng phải cạnh tranh với nhau.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết lâu nay, giá thịt ở các trại sản xuất, chăn nuôi không cao nhưng khi tới tay người tiêu dùng thì rất cao; giá bán ở các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ không nhất quán, tăng nhanh hơn so với các siêu thị. Đó là do các khâu trung gian hưởng lợi quá nhiều, làm đội giá. Do có sự liên kết trực tiếp với các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp giết mổ, giảm được các khâu trung gian nên các hệ thống siêu thị có giá rẻ, ổn định hơn.

Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, đối với các chợ, cơ quan quản lý nhà nước cần phải kiểm soát chặt hoạt động giết mổ lậu, sản xuất thực phẩm không rõ nguồn gốc; hình thành những chợ đầu mối ở các địa phương để ổn định giá cả. Một số nước trên thế giới đã thành lập các chuỗi chăn nuôi, mỗi chuỗi có nhiều hợp tác xã nhưng mỗi hợp tác xã chỉ tham gia một khâu - chẳng hạn chuyên về thức ăn, giống hoặc giết mổ - nên giá đến tay người tiêu dùng không cao. Ở Thái Lan, nông dân hưởng 70% lợi nhuận, 30% cho các khâu khác. Trong khi đó, ở Việt Nam, các khâu khác lại “ăn” hết lợi nhuận của nông dân. Do đó, về lâu dài, cần luật hóa về lợi nhuận trong chuỗi cung ứng. Có như vậy, giá cả mới rẻ và ổn định, người tiêu dùng mới không quay lưng với chợ truyền thống.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI