Vì sao người Mỹ sợ phá sản hơn là sợ chết?

27/04/2025 - 14:31

PNO - Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng gần 2/3 người Mỹ (64%) sợ hết tiền hơn là sợ chết.

Nghiên cứu cho thấy người Mỹ sợ phá sản hơn là sợ chết Ảnh minh họa của Newsweek/Getty
Nghiên cứu cho thấy người Mỹ sợ phá sản hơn là sợ chết - Ảnh minh họa của Newsweek/Getty

Một nghiên cứu về việc nghỉ hưu và hưởng lương hưu hàng năm của Allianz khảo sát từ hàng ngàn công nhân Mỹ từ 25 tuổi trở lên, phát hiện ra rằng phần lớn thế hệ từ 40 tuổi trở lên lo sợ về việc tiền tiết kiệm sẽ cạn kiệt hơn là chết, nhất là khi họ ngừng làm việc.

Thế hệ X (những người sinh từ năm 1960 đến cuối những năm 1970) là những người lo lắng nhất, với 70% cho biết họ sợ bất ổn tài chính sau này hơn là cái chết. Trong số những người thuộc thế hệ sinh từ 1980 thì 66% cho biết họ sợ hết tiền hơn.

Riêng những người sinh trước 1960 là những người thường được cho là có sự an toàn về tài chính hơn nhờ các chế độ phúc lợi hưu trí và tích lũy tài sản, vẫn có 61% cho biết họ sợ phá sản hơn là sợ đến cuối đời.

Mark Turner, một chuyên gia tài chính đã nghỉ hưu và là người sáng lập GoldIRAGuide.com, chia sẻ trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của mình, ông đã tận mắt chứng kiến ​​nỗi sợ hãi của những người lao động khi chuẩn bị tài chính cho cuộc sống sau này.

"Tôi không hề ngạc nhiên. Đã có những người gọi đến văn phòng của chúng tôi trong nước mắt và nói rằng họ không quan tâm nếu chết vào ngày mai, họ chỉ không muốn chết trong cảnh túng thiếu".

Nghiên cứu đã xác định những lý do hàng đầu khiến mọi người lo lắng về tương lai tài chính của họ. Dẫn đầu danh sách là lạm phát cao, được 54% số người được hỏi nêu ra.

Đứng thứ hai với 43% là thuế cao và nghi ngờ rằng An sinh xã hội sẽ không cung cấp hỗ trợ đầy đủ khi nghỉ hưu.

Thế hệ X là những người có khả năng sợ hết tiền nhất vì sợ chết. Tom Buckingham, giám đốc tăng trưởng tại Nassau Financial Group và là nhà lập kế hoạch nghỉ hưu, nói rằng điều này là do một số lý do.

"Thế hệ X sẽ không thể phụ thuộc vào thu nhập được đảm bảo suốt đời giống như hầu hết cha mẹ của họ do lo ngại về An sinh xã hội và sự chuyển dịch đáng kể từ kế hoạch phúc lợi xác định (lương hưu). Điều này đặt gánh nặng lên vai mỗi cá nhân để tự lập kế hoạch chi tiêu. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt hiện nay cao hơn trước trong khi giá tiêu dùng và thu nhập hộ gia đình nhìn chung đều tăng theo thời gian" - ông cho biết.

Ông Buckingham nói thêm rằng, các gia đình hiện nay chi tiêu nhiều hơn so với nhiều thập kỷ trước và điều đó có thể trở nên khó khăn khi có ít nguồn thu nhập ổn định hơn khi nghỉ hưu. "Thế hệ này đang bị nằm kẹp giữa 2 vấn đề là vừa tiết kiệm, mua nhà lại bị kẹp giữa học phí đại học cho con cái và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ. Họ đã tiến gần đến tuổi nghỉ hưu mà không có gì bảo đảm khiến họ cảm thấy áp lực" - Turner chỉ ra nguyên nhân Thế hệ X đang phải chịu nhiều áp lực tài chính nhất.

Thảo Nguyễn (theo Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI