Vì sao người giàu vẫn có thể chen chân vào mua nhà ở xã hội?

04/07/2023 - 13:12

PNO - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản góp ý một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại góp ý dự thảo, HoREA đưa ra các nguyên nhân liên quan đến việc “Vì sao lại có tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội" hoặc có “người giàu là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội?".

Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tưởng chừng “rất chặt chẽ”, nhưng thực ra là “chưa chặt chẽ” và chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể “lách”.

Cụ thể, tiêu chí “điều kiện về nhà ở” của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, tại điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc. Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.

Một dự án nhà ở xã hội ở quận 7, TPHCM.
Một dự án nhà ở xã hội ở quận 7, TPHCM.

Hay quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội là phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu. Điều này cũng dễ “lách luật”, đơn cử người đó để cho người thân đứng tên giùm sở hữu nhà. Như vậy, người đó vẫn chứng minh được mình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có sở hữu nhà ở nhưng ở chật.

Còn tiêu chí “điều kiện về thu nhập” của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, điểm b khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. 

Quy định này có các “lỗ hổng” và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu ở lẫn trong các chung cư nhà ở xã hội vừa qua. 

Trong thực tế, nhiều người làm thêm “nghề tay trái”, mà “nghề tay trái” này lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của “nghề tay phải” thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức, nên người này vẫn hội đủ tiêu chí “điều kiện về thu nhập” (không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân) để được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi lẽ, Luật Nhà ở chỉ quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, mà không tính các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Ngoài “điều kiện về thu nhập” được quy định tại điểm b Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Hiệp hội đã đề xuất đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế, thì cần bổ sung “điều kiện về thu nhập” còn bao gồm “các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương". 

Do vậy Hiệp hội nhận thấy, rất cần thiết sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI