Vì sao người dân châu Á vẫn đeo khẩu trang dù không bị bắt buộc?

03/02/2023 - 08:04

PNO - Hàn Quốc đã bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà, Nhật Bản cũng loại bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trong các hoạt động ngoài trời... nhưng người dân các nước vẫn giữ thói quen đeo chúng.

 

Người dân Đông Á vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang.
Người dân Đông Á vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang

Đeo khẩu trang từng là một quy định phổ biến trong thời kì đại dịch, nhưng đã được dỡ bỏ ở châu Á, nơi các hạn chế về đại dịch đã kéo dài lâu hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhiều công dân vẫn khó có thể sớm ngừng đeo khẩu trang.

Dưới đây là một số lý do.

Thói quen khó thay đổi

Ở châu Á, mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang trong hơn 2 năm qua. Vô tình điều này đã khiến họ coi việc đeo chúng khi đi ra ngoài như một thói quen và rất khó để thay đổi.

Cô Mizuki Nishimura, 24 tuổi, dạy múa ba lê ở Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, cho biết việc đeo khẩu trang đã trở thành một phản xạ đối với học sinh của cô, nên các em vẫn tiếp tục đeo kể cả khi nhà trường không còn khuyến nghị.

Trước khi dịch bùng phát, người dân châu Á cũng chuộng đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi, nắng... Do đó, khi dịch lây lan mạnh, yêu cầu đeo khẩu trang dễ dàng được tiếp nhận nhanh hơn ở khu vực này.
Một số người ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng lợi dụng việc đeo khẩu trang để tránh phải trang điểm. 

Các quan chức y tế vẫn khuyến nghị người dân đeo khẩu trang ở những đông đúc.
Các quan chức y tế vẫn khuyến nghị người dân đeo khẩu trang ở những nơi đông đúc

Tiến sĩ Kim Sangmin, một học giả về nghiên cứu văn hóa tại CATS Lab (trung tâm nghiên cứu ở Seoul), cho biết khẩu trang đã giúp nhiều người Hàn Quốc giảm bớt áp lực xã hội trong việc duy trì làm đẹp cho khuôn mặt. “Mọi người cảm thấy thoải mái khi khuôn mặt của họ được che giấu, và họ cảm thấy hơi khó chịu khi để lộ khuôn mặt mộc của mình".

Các quan chức vẫn khuyến nghị đeo khẩu trang

Mặc dù khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cơ quan y tế của các quốc gia này vẫn tiếp tục kêu gọi mọi người đeo chúng, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động ở không gian trong nhà. Bởi các ca nhiễm bệnh ở cả hai quốc gia đã giảm dần trong tháng qua, nhưng nguy cơ tái nhiễm đang gia tăng và dự báo số ca nhiễm sẽ tăng đột biến trở lại, khi các lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu được nới lỏng.

Ông Kim Seong-ho, một quan chức y tế cấp cao ở Hàn Quốc, cho biết: “Mối nguy của COVID-19 vẫn chưa biến mất".

Ở Hàn Quốc, khẩu trang vẫn được yêu cầu trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Thay vì tháo và đeo khẩu trang, nhiều người không thèm tháo chúng ra, sau khi xuống xe buýt hoặc ra khỏi bệnh viện ở Seoul.

Tương tự, chính quyền Nhật Bản vẫn đang khuyến khích người dân đeo khẩu trang trong nhà. Nhật Bản không bao giờ bắt buộc người dân đeo khẩu trang hoặc áp dụng các hình phạt nếu không đeo chúng.

Hàn Quốc bị bao phủ bởi lớp bụi mịn.
Hàn Quốc bị bao phủ bởi lớp bụi mịn

Đeo khẩu trang thể hiện sự tôn trọng

Đeo khẩu trang cũng được coi là một hành vi tốt trong suy nghĩ của nhiều người ở châu Á. Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là phép lịch sự phổ biến để ngăn người ốm lây bệnh. Và trong không gian đông đúc, những người không đeo khẩu trang đôi khi lại nổi bật, gây chú ý.
Kazunari Onishi, Phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Quốc tế St Luke ở Tokyo, cho biết: “Bạn sẽ bị nhìn chằm chằm nếu không đeo khẩu trang.

Tiến sĩ Kim, học giả nghiên cứu văn hóa, nói rằng cá nhân ông vẫn tiếp tục đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để thể hiện “hình ảnh rằng tôi là một người không gây hại cho người khác. Người Hàn Quốc có thể coi việc không đeo khẩu trang là hành động thiếu tôn trọng. Họ coi trọng việc không gây hại cho những người xung quanh mình".

Khẩu trang bảo vệ mọi người khỏi ô nhiễm không khí

Mức độ bụi mịn ở Đông Á liên tục không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc tế trong những năm qua. Vì vậy, từ lâu mọi người đã quen với việc đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe, trước những tác động của ô nhiễm không khí như ho, hắt hơi và tức ngực.

Nguy cơ ô nhiễm không khí được cảm nhận rõ nét ở Hàn Quốc, nơi khẩu trang được xem là vật dụng phổ biến vào những ngày các hạt bụi mịn bao trùm tạo thành một đám mây xám trên bầu trời.

Minh Hương (theo New York Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI