Vì sao người bị lừa chuyển tiền khó lấy lại?

19/09/2023 - 16:53

PNO - Chia sẻ tại hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19/9, nhiều chuyên gia cho biết phương pháp ngăn ngừa tốt nhất là nâng cao nhận thức người dùng trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Đoàn luật sư TPHCM - cho biết, mới đây 1 người quen của bà đã bị dẫn dụ làm công việc tương tác các video trên Facebook, được hứa hẹn có thu nhập tốt. Ban đầu, người này chỉ cần nhấn like các video sẽ nhận được 10.000 đồng tiền hoa hồng cho mỗi video. Sau đó, người này bị dẫn dụ đưa vào 1 nhóm khác, tự bỏ tiền túi để làm nhiệm vụ mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, được nhận hoa hồng từ 30-40%. Chỉ sau thời gian ngắn, người này bị mất tổng cộng hơn 25 tỉ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức người dùng.
Trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của bọn tội phạm, các chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức người dùng

Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) - thông tin, tần suất và quy mô tội phạm mạng liên tục tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tạp. Ở Mỹ, mỗi năm tổn thất hàng chục tỉ USD do lừa đảo trực tuyến, còn ở Singapore, từ đầu năm 2023 đến nay mất khoảng 70 triệu SGD. Theo thông tin mà ACB thu thập, trong quý 1/2023, tại Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trường hợp bị lừa, 23% trong đó liên quan đến tài khoản ngân hàng và thẻ ngân hàng.

Ông Từ Tiến Phát thừa nhận rằng, tiền bị lừa đảo thường khó thu hồi ngay cả khi bắt được đối tượng, vì tiền được chuyển đi ngay qua nhiều tài khoản hoặc được “rửa” qua 1 hệ thống phức tạp bằng cách chuyển đổi thẻ cào, tiền kỹ thuật số, hoặc nạp vào các tài khoản cá độ, chơi game bất hợp pháp. Khách hàng rất khó yêu cầu ngân hàng đền bù thiệt hại vì nạn nhân mất tiền là do lừa đảo, không phải do xâm nhập hệ thống ngân hàng, các giao dịch chuyển tiền là các giao dịch hợp lệ vì do chủ tài khoản tự thực hiện. Ngân hàng chỉ có thể phối hợp với cơ quan công an hỗ trợ điều tra.

Theo ông Đoàn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) - lý do tiền bị lừa đảo thường khó thu hồi là các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản “rác”.  

Ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, để hạn chế lừa đảo thì cần sự nỗ lực hành động, phối hợp giữa các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng. Theo thống kê, có 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Ông Lê Anh Dũng thông tin, tới đây, chuyển tiền liên ngân hàng từ 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt). Vừa để hạn chế lừa đảo, vô hiệu hóa nạn mua bán cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.

Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Hãng Kaspersky tại Việt Nam - đa phần người dùng đều sử dụng phương thức thanh toán online nhưng rất ít người dùng cài đặt ứng dụng bảo vệ điện thoại, ứng dụng chống gian lận thanh toán. Do đó, thay vì “phòng thủ ở nhà” thì ngân hàng nên tập trung biện pháp cho chính khách hàng của mình bằng 1 phần mềm hoặc công cụ trên chính thiết bị của người dùng cuối.  

Các chuyên gia cùng chung nhận định, song song với các biện pháp khác thì truyền thông nâng cao nhận thức của người dùng cuối vẫn là quan trọng nhất. Khách hàng phải thường xuyên ghi nhớ chữ “lạ” để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, như không giao dịch trên thiết bị lạ, yêu cầu của người lạ, đường link lạ…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI