Vì sao “Ngôi trường xác sống” gây sốt toàn cầu?

08/02/2022 - 12:58

PNO - Nối bước "Squid Game", "Ngôi trường xác sống" tiếp tục giúp ngành phim ảnh Hàn Quốc khẳng định vị thế, đứng đầu danh sách phim được yêu thích nhất ở 59 quốc gia.

Theo Flix Patrol - trang web xếp hạng nội dung dịch vụ video trực tuyến toàn cầu (OTT), All of us are dead (tựa Việt: Ngôi trường xác sống) đã có màn ra mắt thành công, khi được khán giả và giới chuyên môn ca ngợi là bom tấn Squid Game mới.

Bộ phim đã xuất sắc đứng đầu top 10 chương trình truyền hình được yêu thích nhất trên Netflix ở 59 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Đức, Ý… Tại Việt Nam, bộ phim khai thác đề tài thây ma kịch tính và lồng ghép tệ nạn bạo lực học đường nổi cộm bấy lâu nay ở xứ kim chi cũng trở thành cơn sốt.

Nhóm học sinh cố gắng sống sót, chiến đầu chống lại các thây ma.
Nhóm học sinh cố gắng sống sót, chiến đấu chống lại thây ma

Đề tài zombie gây cấn

Dựa trên truyện tranh trực tuyến nổi tiếng cùng tên, Ngôi trường xác sống gồm 12 tập xoay quanh trường trung học phổ thông bất ngờ trở thành điểm khởi đầu cho đợt bùng phát virus zombie (xác sống).

Bộ phim kể về một nhóm học sinh - do Park Ji Hoo, Yoon Chan Young, Cho Yi Hyun và Park Solomon thủ vai - cố gắng tìm cách sống sót ra khỏi trường, chiến đấu chống lại những thây ma từng là bạn cùng trường của họ.

Không giống như những bộ phim về zombie trước đó tập trung vào cách người lớn xử lý những tình huống khẩn cấp, Ngôi trường xác sống đã miêu tả chân thật câu chuyện những học sinh ứng biến với cuộc chiến sinh tồn. Điểm mới thú vị này vừa mang đến làn gió mới mẻ cho thể loại vừa dễ dàng lồng ghép nhiều vấn đề xã hội thực tại.

Vẫn mang đầy đủ đặc trưng của một tác phẩm zombie với những trận chiến sinh tử giữa con người và những thây ma hung hãn, sự hy sinh cá nhân để bảo vệ những người mình yêu thương lẫn sự ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân của một số người giúp tác phẩm cuốn hút khán giả ngay từ những tập đầu tiên.

Những trận chiến sinh tồn gây cấn trong Ngôi trường xác sống.
Những trận chiến sinh tồn gây cấn trong Ngôi trường xác sống

Câu chuyện càng trở nên gây cấn hơn khi khả năng tiến hóa của virus khiến một số người nhiễm bệnh trở nên bất tử hay còn gọi là bán ma (ý chỉ nửa người nửa thây ma). Điển hình như nhân vật phản diện Gwi-nam, biến thành thây ma nhưng vẫn giữ được ý thức con người và lớp trưởng Nam-ra, vẫn là con người nhưng có sức mạnh của thây ma.

"Với COVID-19, cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch cũng có sự khác nhau: mặc dù mọi người cùng dùng bữa trong không gian kín, một số người có thể bị nhiễm bệnh trong khi những người khác cho kết quả âm tính. Tôi nghĩ rằng virus zombie cũng có thể có những biến thể như vậy. Có những dạng thây ma truyền thống nhưng tôi cảm thấy cũng có khả năng có những biến thể khác" - đạo diễn Lee Jae Gyu nói.

Trailer: Ngôi trường xác sống

 

Khắc họa chân thực xã hội Hàn Quốc

Tương tự như các tác phẩm gây tiếng vang trước đó như Squid Game Bản án từ địa ngục, Ngôi trường xác sống đã đi sâu vào vấn đề xã hội chính là nạn bắt nạt học đường, đồng thời đề cập đến các vấn nạn khác như phân cấp giai cấp xã hội, mang thai ở tuổi vị thành niên...

"Nhìn bề ngoài, câu chuyện nói về bắt nạt học đường nhưng tôi nghĩ rằng thực tế xã hội nói chung cũng không khác nhiều (so với học đường). Ban đầu, bạn có thể nghĩ những đứa trẻ đó thật tàn nhẫn nhưng khi xem qua nhiều tập, bạn sẽ thấy rằng một số yếu tố của chính xã hội là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ việc đáng tiếc”, đạo diễn Lee Jae Gyu chia sẻ.

Bắt nạt học đường đã trở thành một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong vài năm qua tại xứ kim chi. Sau khi bị phanh phui những sai phạm trong quá khứ, không ít vận động viên bị mất vị trí tham gia Olympic, loạt nghệ sĩ trẻ buộc phải giải nghệ…

Ngôi trường xác sống bóc trần nhiều mặt tối của xã hội Hàn Quốc.
Ngôi trường xác sống bóc trần nhiều mặt tối của xã hội Hàn Quốc

Theo dõi tác phẩm, khán giả có thể thấy được rất nhiều sự kiện thực tế được lồng ghép vào trong phim từ trường hợp thầy hiệu trưởng bỏ qua sự an toàn của bọn trẻ chỉ lo nghĩ cho danh tiếng của mình, hay nữ sinh Hee-soo bí mật sinh con trong phòng tắm cho đến những vụ việc bắt nạt được dàn xếp êm đẹp nhờ quyền thế của phụ huynh...

Tất nhiên, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng không phải lúc nào nó cũng có những biểu hiện giống nhau mà còn tùy thuộc vào văn hóa từng khu vực. Và trong tác phẩm, những kẻ bắt nạt thậm chí còn đáng sợ hơn cả thây ma. Nếu như các thây ma làm hại con người đều là do bản năng và cơn thịnh nộ của virus xác sống thì những kẻ bắt nạt đã có sẵn ác tâm với các nạn nhân cụ thể.

Sức hút từ dàn diễn viên trẻ

Không hề sở hữu bất kỳ ngôi sao hạng A, thậm chí còn đặt niềm tin ở hàng loạt gương mặt diễn viên trẻ nhưng Ngôi trường xác sống vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt diễn xuất.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế trong những phân đoạn dằn xé nội tâm đòi hỏi có kinh nghiệm lẫn trải nghiệm nhưng nhìn chung dàn diễn viên trẻ đã khắc họa khá tròn vai nhân vật, biết cách cùng nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nhiều trường đoạn.

Dàn diễn viên trẻ trong phim.
Dàn diễn viên trẻ trong phim

Chia sẻ về lý do chọn những gương mặt mới, đạo diễn Lee Jae Gyu nói: "Tôi nghĩ rằng việc mang đến những diễn viên có khả năng diễn xuất tuyệt vời nhưng vẫn chưa được công chúng biết đến sẽ làm tăng thêm sự đắm chìm cho người xem vào bộ phim. Nếu bạn xem phim, tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy yêu cả nhân vật lẫn diễn viên thể hiện vai diễn đó".

Nước đi mạo hiểm này của nhà sản xuất đã nhận được kết quả tích cực, nguồn năng lượng tươi trẻ mà các gương mặt mới mang lại cộng thêm đường dây kịch bản nghiên cứu kỹ lưỡng, lồng ghép các chi tiết hiện đại từ máy bay không người lái được sử dụng để gửi tin nhắn, nhóm học sinh cố gắng mở khóa điện thoại bằng Face ID (hệ thống nhận diện khuôn mặt) khi chủ nhân đã biến thành thây ma và dùng các nền tảng mạng xã hội để tra cứu tin tức, đã chinh phục được các thế hệ gen Z và nhiều đối tượng khán giả.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI