Vì sao ngày nay cha mẹ không nên đánh trẻ như ông bà ngày xưa?

30/12/2021 - 12:26

PNO - Ngày nay, số đông các gia đình không đánh trẻ. Do đó khi bị đánh, trẻ sẽ so sánh, thấy mình bị đối xử khác biệt, thấy ba mẹ không yêu thương mình.

Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (Phân viện tại TPHCM) cho rằng, quan điểm dạy trẻ bằng đòn roi không dễ thay đổi do đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người qua nhiều thế hệ.

Trên thế giới, việc dùng đòn roi với trẻ vẫn còn khá phổ biến. 78% cha mẹ ở Mỹ cho rằng điều này có thể chấp nhận được. 83% cha mẹ ở Philippines năm ngoái từng đánh con. Ngay cả ở những nền văn hóa khá cấp tiến như Bắc Âu, 17% cha mẹ Phần Lan ủng hộ việc đánh con và 24% cha mẹ Thụy Điển từng một lần xuống tay dạy con bằng bạo lực.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

 Tuy nhiên theo bà Phạm Thị Thúy, việc sử dụng đòn roi dạy con không còn phù hợp với xã hội hiện nay vì nhu cầu cảm xúc của trẻ thời hiện đại càng nhạy cảm hơn. Tại sao ngày xưa chúng ta cũng từng bị cha mẹ dùng đòn roi nhưng tổn thương rất nhẹ? Bởi vì ngày xưa gia đình nào cũng dùng đòn roi dạy trẻ, là chuyện thường xuyên liên tục nên trẻ đã quen, không cảm thấy bị xúc phạm khi bị đánh. Ngày nay, số đông các gia đình không đánh trẻ. Do đó khi bị đánh, trẻ sẽ so sánh, thấy mình bị đối xử khác biệt, thấy ba mẹ không yêu thương mình.

Ngày xưa trẻ không được dạy về quyền trẻ em, không được dạy về môn giáo dục công dân, dạy đạo đức, dạy tôn trọng thân thể. Trong khi đó hiện nay trẻ đều được học, được dạy các vấn đề này từ rất sớm. Đồng thời trẻ em hiện nay lớn lên trên màn hình máy tính, chúng nhận thức rất rõ thế nào là quyền tự do, thế nào là được tôn trọng và yêu thương. Chúng nhìn những hình ảnh này đã quen nên khi bị đối xử ngược lại sẽ bị tổn thương, đồng thời tỏ thái độ không phục, thậm chí coi thường cha mẹ theo kiểu “nói mà không làm”.

Ngày nay cha mẹ rất ít dành thời gian cho con, sự bộc lộ yêu thương cũng ít hơn, trẻ mắc lỗi liền bị la mắng (dù không đánh) nên trẻ không cảm nhận được tình cảm cha mẹ dành cho mình. Trong khi đó ngày xưa mặc dù đông con nhưng cha mẹ vẫn làm việc ở nhà là chính, trẻ được nấu cơm, ăn cơm, vui vẻ cùng cha mẹ, thỉnh thoảng bị đánh nhưng trẻ vẫn cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ và trẻ ít nhạy cảm hơn.

Bối cảnh xã hội hiện nay đã rất khác, cha mẹ đừng lôi chuyện ngày xưa mình bị đánh để làm phương pháp dạy trẻ hiện nay. Bạn không sao thì không có nghĩa là con bạn sẽ ổn vì mỗi đứa trẻ sẽ nhạy cảm khác nhau, sức chịu đựng khác nhau. Hai đứa trẻ cùng một mẹ, bị đánh như nhau, một đứa bình thường nhưng đứa còn lại cảm thấy nhục nhã, đau đớn. Dạy trẻ nên theo đặc tính, nhu cầu tâm lý từng đứa. 

Tuyệt đối không dạy trẻ trong lúc nóng giận, vì cho dù không sử dụng đòn roi thì cha mẹ vẫn làm trẻ tổn thương bởi các hình thức bạo lực khác như lời nói, ánh mắt. Nếu đang nóng giận thì nên trì hoãn việc xử lý hành vi sai của trẻ lại để lấy lại bình tĩnh, có thể dùng cách hít thở thật sâu, bỏ đi đâu một lúc, ra ngoài ngắm cây hoặc tưới cây, nhạc nghe, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, để cho chồng (nếu người mẹ đang mất bình tĩnh) dạy con.

Một nghiên cứu cho thấy, trẻ con càng bị đánh mắng thì khả năng nhận thức càng bị ảnh hưởng - Ảnh minh họa
Một nghiên cứu cho thấy, trẻ con càng bị đánh mắng thì khả năng nhận thức càng bị ảnh hưởng - Ảnh minh họa

Dạy trẻ là phải giúp chúng sửa lỗi, nhận ra đâu là hành vi đúng, sai để lần sau không mắc lỗi chứ không phải dạy trẻ là trừng phạt lỗi chúng đang mắc. Những người cho rằng phải dùng đòn roi thì trẻ mới nên người là đang bảo thủ và nguỵ biện, họ đều biết đánh con là sai nhưng họ đang bất lực trong cách dạy con, không tìm biện pháp mới để dạy, không tìm hình thức kỷ luật tích cực hơn để dạy. 

“Một nghiên cứu cho thấy, trẻ con càng bị đánh mắng thì khả năng nhận thức càng bị ảnh hưởng. Trẻ bị đánh 12 lần mỗi năm có thể bị teo não trầm trọng. Những hậu quả tâm lý và sức khỏe khác thì nhiều vô kể. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là việc trẻ lớn lên, coi bạo lực là một phần tất yếu của cuộc sống. Trẻ có thể trở thành nạn nhân của bạo lực mà vẫn tưởng đó là tình yêu, hy sinh và nhẫn nhục sống cùng kẻ đầy đọa mình. Trẻ cũng có thể trở thành thủ phạm, dùng bạo lực để để giao tiếp với cuộc đời, thậm chí với cả những người thân mà vẫn cho rằng đó là một cách để yêu thương” - tiến sĩ, thạc sĩ Phạm Thị Thuý khẳng định.

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI