Vì sao ngày càng nhiều người trẻ ở Hàn Quốc tự tìm đến cái chết?

07/11/2021 - 07:37

PNO - Theo các chuyên gia, áp lực về tài chính, khoảng cách giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp kéo dài dẫn đến tuyệt vọng, cạnh tranh trong giáo dục, ảnh hưởng tiêu cực từ những người nổi tiếng cùng với sự xuất hiện của COVID-19 là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người trẻ ở Hàn Quốc tự kết thúc cuộc sống của mình.

Hàn Quốc đang chứng kiến số người trẻ tuổi tự kết thúc cuộc sống của mình tăng nhanh trong những năm gần đây.

 

Người thân khóc trong tang lễ Jonghyun, giọng ca chính của SHINee, tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc
Người thân khóc trong tang lễ Jonghyun, giọng ca chính của SHINee

Trong 2 thập niên qua, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Năm 2019, nước này có gần 25 vụ tự tử trên mỗi 100.000 người dân (tỷ lệ này ở Mỹ năm 2017 là 14,5). Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Hàn Quốc, từ năm 2018 đến năm 2019, số người Hàn Quốc dưới 40 tuổi tự kết liễu cuộc sống của mình tăng 10%.

Theo chuyên gia phát triển con người Katrin Park, sự tuyệt vọng là một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ Hàn Quốc không muốn tiếp tục cuộc sống, và tâm lý ấy lại càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Từ lâu, người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 đã cảm thấy cuộc sống của mình luôn bị bế tắc do khoảng cách giữa những người “có” và “không có”. Năm 2015, từ “Hell Joseon” (Địa ngục Hàn) trở thành một khái niệm phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc, do họ luôn cảm thấy lo lắng và bất mãn về tình trạng thất nghiệp, khi một tấm bằng đại học không còn đảm bảo cho họ một cơ hội việc làm như trước nữa.

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc đã cao gần gấp 3 lần mức trung bình của cả nước. Vào tháng 11/2020, gần 40% sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã từ bỏ việc tìm kiếm một công việc mới.

Ông Park cho rằng, một cuộc khủng hoảng về nhà ở tại thủ đô, nơi gần một nửa dân số Hàn Quốc sinh sống, đã khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Bốn năm trước, để mua được một căn hộ ở Seoul, phải mất 11 năm thu nhập trung bình hàng năm của một gia đình ở Hàn Quốc. Nhưng nay con số này tăng lên 18 năm. Giá thuê nhà cũng tăng vọt khiến những người trẻ tuổi, với số tiền tiết kiệm hạn hẹp, rất khó tìm được một chỗ ở tại thủ đô.

Tại Hàn Quốc, số người ở độ tuổi 20 bị trầm cảm cũng đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, họ có xu hướng không muốn tìm đến các liệu pháp điều trị, vì theo văn hóa xứ Hàn, đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Trên thực tế, mặc dù gần 30% người Hàn Quốc mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm và lạm dụng rượu vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng chỉ có hơn 15% tìm cách điều trị.

Một nguyên nhân khác, theo ông Park, đã tạo thêm áp lực cho giới trẻ Hàn Quốc là sự cạnh tranh không ngừng trong giáo dục, ngay cả ở trường mẫu giáo. Khảo sát cho thấy, 1/3 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Seoul đã nghĩ đến việc tự tử vì gánh nặng học tập, và lo lắng về tương lai và sự nghiệp, theo Viện Chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc.

“Tự tử đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những khó khăn tài chính như nợ nần, thất nghiệp và giảm thu nhập có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tự tử. Đại dịch lại kéo theo những khó khăn tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần. Cần nhận thức rõ sự liên hệ này để có thể thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn tình trạng tự tử”, Eric Elbogen - giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Duke - nhận định.

Cùng quan điểm đó, ông Park cũng cho rằng Hàn Quốc cần cải thiện an sinh xã hội và tạo việc làm ổn định cho những người trẻ tuổi, bởi điều này sẽ đem lại cho họ sự tự tin để thực hiện các kế hoạch tương lai.

Ngoài ra, ông Park cũng cho rằng, Hàn Quốc nên đầu tư vào việc cải thiện sức khỏe tâm thần của thanh niên. Sự kỳ thị về bệnh tâm thần cần được xóa bỏ. Nên sử dụng phim ảnh và âm nhạc, vốn là 2 kênh có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Hàn Quốc, để giúp họ nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và khuyến khích họ sẵn sàng điều trị khi cần.

Tiếp đến, ông cho rằng, những người nổi tiếng ở Hàn Quốc (được giới trẻ yêu mến và ngưỡng mộ) cũng nên có những hành động, lối sống “dẫn dắt” tinh thần mạnh mẽ cho nhóm người hâm mộ này.

Nhưng trên thực tế, điều đáng tiếc là những người nổi tiếng trẻ tuổi ở Hàn Quốc lại là đối tượng dễ tìm đến cái chết. Cuối năm 2019, Sulli - thần tượng nhạc trẻ K-pop ở Hàn Quốc - đã tự sát, ca sĩ Goo Hara và nam diễn viên Cha In-ha cũng tự tìm đến cái chết. Năm 2020, nữ diễn viên kiêm người mẫu Oh In-hye đã tự kết liễu đời mình. Đầu năm nay, nữ diễn viên Song Yoo-jung cũng làm điều tương tự.

Nhất Nguyên (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI