Vì sao Mỹ không thể trực tiếp tuyên chiến với Iran?

18/09/2019 - 10:00

PNO - Các chuyên gia nhận định rằng Mỹ rất khó thực hiện một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ vào Iran sẽ tương xứng với các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ ở Ả rập Saudi. Dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng Mỹ rất khó thực hiện một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Iran.

Mỹ đe dọa đáp trả các vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu của Ả rập Saudi

Chiều 16/9, Tổng thống Trump khẳng định ông có cùng quan điểm với Ngoại trưởng Mike Pompeo: “Chúng tôi chỉ muốn tìm ra những con số cuối cùng và xem ai là người đứng sau vụ việc”.

Vi sao My khong the  truc tiep tuyen chien voi Iran?
Tổng thống Donald Trump bắt tay với Thái tử Salman bin Hamad Al Khalifa của Bahrain trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 16/9/2019, tại Washington - Ảnh: AP

Trước đó vào buổi chiều, ông Trump có cuộc gặp với thái tử Bahrain, Salman bin Hamad bin Isa Al Khalifa, và nói rằng dù Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, ông không muốn chiến tranh với Iran. 

Theo dự kiến, Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức Mỹ khác sẽ tới Ả rập Saudi để thảo luận về đối sách trước tình hình căng thẳng trong khu vực và giá dầu mỏ leo thang. Dường như bước đi thận trọng trong thời điểm này có sự ảnh hưởng từ lịch sử, khi việc Mỹ ủng hộ Iraq trong cuộc chiến với Iran những năm 1980 đã dẫn đến nhiều hậu quả khó giải quyết hơn xung đột ban đầu, góp phần gia tăng sự chia rẽ giữa các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Cuộc tấn công nhắm đến các cơ sở dầu mỏ của Ả rập Saudi hôm 14/9 làm gián đoạn nguồn cung 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột mở rộng tại khu vực và khiến giá dầu tăng khoảng 15% trong phiên giao dịch ngày đầu tuần. 

Một phát ngôn viên của quân đội Saudi tiết lộ cuộc điều tra ban đầu cho thấy, vũ khí sử dụng trong vụ tấn công có nguồn gốc từ phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Pompeo đổ lỗi cho Iran, bác bỏ khả năng vụ tấn công đến từ Yemen, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Đáp lại, Iran gọi những lời buộc tội đó là “sự dối trá”.

Chiến tranh không phải là lựa chọn khôn ngoan

Ngày 17/6, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ đưa thêm 1.000 binh sĩ Mỹ đến Trung Đông sau khi hai tàu chở dầu bị Iran tấn công tại vịnh Ô-man sáng 13/6. Mỹ cũng gửi máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, nhóm tấn công tàu sân bay USS Abraham Lincoln và các khí tài quân sự khác tới khu vực này như một sự phô trương vũ lực đối với Iran.

Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại tổ chức phi chính phủ Crisis Group, dự báo kịch bản từ Mỹ bao gồm “một cuộc tấn công vào một hoặc một số cơ sở của Lực lượng Vệ binh cách mạng, thậm chí là cơ sở hạt nhân của Iran”; dù vậy, trường hợp sau khó xảy ra khi các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc thường xuyên hiện diện tại các cơ sở hạt nhân của Iran. Thay vào đó, Mỹ có thể ra lệnh “không chiến” chống lại các hệ thống phòng không và cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Nhưng không có lựa chọn nào trong số này thực sự lý tưởng vì theo ông Vaez, “cách tốt nhất để hành động là không rơi vào một cuộc xung đột”. Ở phía còn lại, phản ứng đáp trả của Iran gần như chắc chắn bao gồm việc sử dụng phiến quân Houthi ở Yemen, Hezbollah ở miền nam Lebanon và các nhóm dân quân ở Syria và Iraq để tấn công lực lượng hoặc đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Ngoài hiệu ứng trả đũa cuộc tấn công của Mỹ nếu có, Iran sẵn sàng chịu đựng những tổn thất đáng kể trong cuộc xung đột. Tiến sĩ Caitlin Talmadge từ Trường Dịch vụ đối ngoại Walsh thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết: “Lịch sử quân sự của Iran thể hiện rằng họ có mức chịu đựng tổn thất cao bất thường, liên quan đến các hoạt động quân sự”. Để minh họa điều này, trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq vào những năm 1980, Iran mất từ ​​300.000 đến 1 triệu người trước khi đồng ý lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc đứng ra làm cầu nối. 

Tấn Vĩ (theo VOA, Business Insider, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI