Vì sao mẹ thương con dâu đến thế!

04/03/2025 - 10:30

PNO - Nghĩ cảnh ngày xưa làm dâu xa cha mẹ khóc hết nước mắt, nên khi có con dâu, cô dành trọn tình thương như một sự đồng cảm.

Cô Út Thắm và chị Phạm Vân trong lễ trao bằng thạc sĩ của chị năm 2022 (ảnh do tác giả cung cấp)
Cô Út Thắm và chị Phạm Vân trong lễ trao bằng thạc sĩ của chị năm 2022 (ảnh do tác giả cung cấp)

Với cô Út Thắm, con dâu không chỉ là người thân, mà còn là người con gái cô hết mực yêu thương. “Ai nói thương con dâu 10 phần, tôi cũng không chịu, vì không con số nào có thể diễn tả được hết chừng ấy tình cảm...”. Đó là lời tâm tình mà cô Út Thắm (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ với tôi khi nhắc đến con dâu - chị Phạm Vân.

Anh Hữu Hồ và chị Phạm Vân (hiện ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) quen nhau từ thời sinh viên, tính đến nay đã tròn 10 năm yêu và cưới. Ngay từ lần đầu chị Vân về ra mắt, cô Út Thắm đã mong mỏi đây sẽ là người con dâu thương quý của mình, bởi cô cảm nhận tuy chị Vân ít nói, không khéo trong cách diễn đạt tình cảm, nhưng rất lễ phép, tôn trọng người lớn.

Trong suốt thai kỳ của chị Vân, cô Út Thắm thường xuyên gọi điện hỏi han, tỉ mỉ chuẩn bị từng món tẩm bổ. Khi chị gần sinh, cô đích thân ngỏ ý với sui gia để được chăm con dâu thời gian ở cữ. Những đêm chị Vân thức trắng chăm con, cô âm thầm thức cùng, phụ chăm sóc cháu.

Nghe người xung quanh nói về chuyện phụ nữ mới làm mẹ dễ trầm cảm, vậy là sau khi chị Vân sinh con 3 tháng, cô Thắm đề xuất giữ cháu để vợ chồng trẻ đi du lịch riêng, cho con dâu thư giãn đầu óc. Cô nghĩ cảnh ngày xưa làm dâu, xa cha xa mẹ mà khóc hết nước mắt, bởi vậy khi có con dâu, cô dành trọn tình thương như một sự đồng cảm.

Hơn 9 tháng cô phụ chị Vân chăm cháu từ lúc mới sinh, bận rộn là vậy, nhưng khi gia đình trẻ quay lại thành phố, ông bà lại thấy trống vắng. Vậy nên cứ lần nào nghe con cháu về, từ sáng sớm ông đã dậy chở bà đi chợ, tìm mua nguyên liệu về nấu các món con dâu thèm ăn.

Cô Út Thắm kể, con dâu nhiều lần tấm tắc khen món bún nước lèo của mẹ chồng là ngon nhất, dù đã thử nhiều quán xá. Hiểu nỗi lòng con, cô luôn ghi nhớ những món ăn yêu thích của chị Vân, từ thịt ram, bì cuốn, bún nước lèo đến bánh xèo miền Tây... để sẵn sàng vào bếp chế biến.

Hàng xóm ai nấy xuýt xoa: “Làm dâu cô Út Thắm sướng không gì bằng!” khi thấy cô tỉ mỉ lựa từng miếng thịt gà, vịt ngon nhất gửi cho con dâu.

Giai đoạn sau dịch COVID-19, thấy con còn nhỏ và hay bệnh, chị Vân quyết định gác lại sự nghiệp để chăm con. Thời gian trống, chị tự tay làm và bán món bánh tráng trộn. Hồi đó, lần nào gọt hành, tỏi chị cũng đều bị phồng rộp tay và cay xè mắt.

Một hôm ba mẹ chồng chị Vân lên thăm, nhìn mẹ chồng cẩn thận ôm chiếc máy cắt hành tặng mình, chị xúc động. Với chị, món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng cả tấm lòng của mẹ chồng.

Bao nhiêu ngày lên thành phố thăm con là bấy nhiêu ngày cô Út Thắm tự tay phi hành, tỏi, phụ chị Vân đóng gói hàng hóa. Chị Vân bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian con chị nhập viện vì viêm phổi. Vừa nghe tin, ba mẹ chồng đã lập tức bắt xe lên TPHCM, rồi mẹ ở lại trực cùng chị. Những ngày trong bệnh viện, chăm cháu bao nhiêu thì mẹ chồng chăm chị bấy nhiêu, cô luôn hối thúc chị tranh thủ nghỉ để không kiệt sức.

Đến tiệc sinh nhật cháu tròn 3 tuổi, từ 4 giờ sáng, cô Út Thắm đã dậy chuẩn bị nồi xúp cua, chảo cơm chiên thập cẩm và gọt sẵn trái cây. Cô bảo mình lớn tuổi rồi, ngủ cũng không được bao nhiêu, con dâu mới cần ngủ để có sức khỏe mà làm việc, chăm sóc gia đình. Lần nào lên thăm con cháu, cô cũng dọn dẹp nhà cửa tươm tất mới yên tâm về, như một sự sẻ chia với chị Vân.

Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi bắt gặp khoảnh khắc cô Út Thắm vuốt mái tóc dài của chị Vân và đặt lên đó cái hôn thật khẽ. Dẫu 5 năm, 10 năm, hay bao nhiêu năm đi nữa, thói quen này như một cách cô thể hiện tình cảm với con dâu. Cô cũng không quên kể tôi nghe về những món quà chị Vân tự tay chuẩn bị, đôi khi chỉ là món quà nhỏ: cái áo, cái đầm hay chiếc bánh kem bất ngờ đặt nhân ngày sinh nhật mẹ chồng, cũng khiến cô hạnh phúc ngập tràn. Chị không nói nhiều, nhưng hành động nào cũng khiến cô trân quý.

Như sực nhớ ra điều gì, cô khoe với tôi tấm hình về chuyến du lịch Đà Lạt của gia đình vào tuần trước. Khi cô đề xuất chuyến đi thì chị Vân tìm hiểu khách sạn, lịch trình di chuyển và đưa ra những địa điểm phù hợp với người lớn tuổi để cả gia đình cùng khám phá. Đi đâu có phong cảnh đẹp, biết cô là người thích lưu lại khoảnh khắc, chị Vân đều hào hứng tạo kiểu và chụp cho mẹ chồng những tấm ảnh kỷ niệm. Tiếp đó, cả gia đình lại bàn với nhau về chuyến đi Đà Nẵng sắp tới.

Gia đình hạnh phúc của cô Út Thắm trong chuyến du lịch Đà Lạt vừa qua (ảnh do tác giả cung cấp)
Gia đình hạnh phúc của cô Út Thắm trong chuyến du lịch Đà Lạt vừa qua (ảnh do tác giả cung cấp)

Câu nói của cô Út Thắm khép lại cuộc trò chuyện như một nốt trầm đọng trong lòng tôi: "Sống hơn nửa đời người, cô chỉ mong đủ sức khỏe để lo toan, vun vén cho gia đình con cái yên ấm. Bởi ai rồi cũng sẽ già, đâu thể nào sống mãi bên con...".

Ngọc Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI