Dường như ít ai để ý đến chuyện mình có thể bị mù mắt khi đi nâng mũi hoặc có thể tử vong khi đi xăm môi, cắt mắt… Nhưng thực tế, chuyện không ngờ lại vẫn diễn ra một cách bất ngờ.
Tiêm chất làm đầy (filler) theo định nghĩa của giới y khoa là tiêm một dung dịch vào dưới da để tạo khối mô dày dưới nếp nhăn, từ đó làm phẳng da hay tăng thể tích một bộ phận cơ thể mà không cần đến phẫu thuật.
Ở trên mặt, chất làm đầy có thể được dùng để tiêm vào các vị trí như thái dương, gò má, hõm mắt, mũi, cằm, khóe miệng, quai hàm… Kỹ thuật này thay thế cho việc bơm silicon lỏng đã bị cấm dùng.
|
Chị D. nâng mũi bằng filler nhưng khiến mắt bị suy giảm thị lực đến mức chỉ còn nhìn lờ mờ |
Các bác sĩ khẳng định không phải bất cứ phụ nữ nào được tiêm filler vào cũng bị biến chứng có thể mù mắt. Vấn đề là ai đủ kỹ thuật để tiêm filler và filler đó chất lượng ra sao, có phải làm giả từ silicon lỏng hay không.
Nâng mũi lại hại mắt mù lòa
N.T.L. (23 tuổi, quận, TP.HCM) là trường hợp nổi tiếng nhất về hậu quả khủng khiếp do biến chứng khi tiêm filler vào mũi vào năm 2016. Người tiêm cho L. không ai khác chính là người dạy kỹ thuật tiêm filler cho L. khi cô theo học nghề tại một cơ sở thẩm mỹ ở quận 6, TP.HCM.
L. vẫn còn nhớ lại cảm giác đau đớn khi mũi kim cứ đưa sâu vào sống mũi, đến khi chịu không nổi phải la lớn thì hậu quả đã không thể thay đổi: “Sau khi rút kim ra, theo phản xạ tự nhiên, em bị co mắt trái lại rồi sau đó là không còn nhìn thấy được nữa”.
Sau khi cố gắng chạy chữa khắp các bệnh viện nổi tiếng trong cả nước, L. đành chấp nhận sự thật là thị lực mắt trái không thể hồi phục, buộc phải chấp nhận tiêm silicon vào để chống teo nhãn cầu, nếu không phải múc bỏ con mắt.
|
N.T.L. (23 tuổi, quận 7,TP.HCM) bị hư hoàn toàn mắt trái sau khi tiêm filler vào mũi |
Tình trạng thị lực của L. khi đó được các bệnh viện lớn ở TP.HCM chẩn đoán giống nhau. Các bác sĩ Bệnh viện nhân dân 115 chẩn đoán trong quá trình tiêm filler, mũi kim đâm trúng động mạch làm thuyên tắc mạch dẫn đến xuất huyết não, mất thị lực mắt trái. Bệnh viện Chợ Rẫy xác định: “Mắt hoàn toàn không thể hồi phục được vì toàn bộ dây thần kinh hốc mắt đã bị phá huỷ kèm theo viêm màng bồ đào, viêm mống thể mi và bong giác mạc”.
Khủng khiếp nhất là khi L. nghe chính bác sĩ ở Bệnh viện Mắt TP.HCM thảng thốt: “Trời ơi, bác sĩ không có nói mắt con mổ được vì mắt con hư hết rồi. Filler đầy trong mắt, dây thần kinh hốc mắt đứt hết rồi, làm sao mổ được. Giác mạc bong rồi. Thôi bị vậy là lỡ rồi, chấp nhận thôi”.
|
Cảnh tiêm filler tại một cơ sở spa ở TP.HCM |
Câu chuyện như của L. một lần nữa xảy đến với người phụ nữ khác chỉ vài ngày trước: chị N.T.C.D. (30 tuổi, quận 2, TP.HCM). Cũng là tiêm filler vào mũi, cũng mất thị lực và cả một quãng thời gian dài nạn nhân đối mặt với tình trạng hoại tử vùng mặt do filler gây ra.
Khó có có thể giải cứu cho đôi mắt
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đơn vị Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện nhân dân 115 (TP.HCM) phân tích: “Các trường hợp biến chứng hoại tử mắt khi tiêm filler mà chúng tôi tiếp nhận, người tiêm đã làm sai kỹ thuật do không hiểu gì về y khoa, không biết về cấu trúc giải phẫu. Sát cạnh bên của mũi là nhánh của động mạch mặt. Động mạch mặt chia thành nhiều nhánh: qua mũi, vòng quanh ổ mắt. Filler khi tiêm thẳng vào động mạch mặt làm xuất huyện cục máu đông (thuyên tắc). Dưới áp lực tiêm, cục máu đông bị đẩy vào và làm tắc các nhánh động mạch của mắt. Khi mạch máu bị tắc, các cơ vùng mắt sẽ bị hoại tử”.
|
|
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh khẳng định nếu đã bị biến chứng ở mắt do tiêm filler, hầu như không thể giữ lại thị lực cho mắt: “Có phương án tiêm thuốc giải để hòa tan chất làm đầy loại hyaluronic acid nhưng vẫn còn đang tranh cãi. Vì nếu tiêm thêm thuốc giải nghĩa là đưa thêm một hóa chất nữa vào, liệu có gây tắc mạch thêm không? Thứ hai, cục máu đông không ở yên một chỗ mà di động nên sẽ không biết chính xác vị trí để tiêm chất hòa tan… Trên thực tế, hầu như không thể cứu được thị lực cho mắt khi bị chất làm đầy làm tắc mạch”.
Phụ nữ chỉ đơn giản muốn làm đẹp một chút trên cơ thể của mình. Ít ai nghĩ rằng tai họa lại có thể vận vào người mình. Như trường hợp của cô gái 23 tuổi, đến chính người dạy tiêm filler lại gây họa thì cũng khó có thể tưởng tượng nổi.
Ngoài kỹ thuật sai khi tiêm chất làm đầy vào mạch máu, vào dây thần kinh; những tai biến do filler còn ở chỗ tiêm quá liều, dùng phải filler dỏm từ silicon lỏng…
|
Tai biến ở ngực sau khi tiêm filler |
Theo ước lượng của Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quang Hùng, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình một năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 100 trăm ca tai biến do tiêm filler, nhẹ nhất là hoại tử, nặng là tử vong. Trong đó có hàng chục ca tiêm filler vào mũi gây hoại tử mũi, mắt.
Phó giáo sư Đỗ Quang Hùng khẳng định: “Tiêm filler đúng cách thì ít gặp biến chứng. Các nước phát triển tiêm rất nhiều. Đó là do họ có học tốt – thực hành tốt. Nhưng từ làm được cho đến làm tốt là một đoạn đường dài. Từ làm tốt cho đến làm không xảy ra biến chứng còn một đoạn đường dài. Đó là đoạn đường của kinh nghiệm”.
|
Tai biến ở môi khi tiêm filler |
Theo các bác sĩ thẩm mỹ, trước khi làm đẹp bằng cách tiêm filler, phải xác định người thực hiện đã có chứng chỉ hành nghề hay chưa. Nhẹ dạ trong trường hợp này là tự sát. Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bệnh viện 115 hướng dẫn: “Phụ nữ khi quyết định làm đẹp bằng phương pháp tiêm filler, phải kiểm tra người thực hiện có là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hay không vì đây là quy định bắt buộc của pháp luật; cơ sở làm đẹp có được cho phép thực hiện kỹ thuật tiêm filler hay không. Có thể kiểm tra giấy phép hoạt động trên bảng hiệu hoặc dán trên tường ở cơ sở làm đẹp”.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 185 cơ sở khám chữa bệnh có phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: 7 bệnh viện công lập có khoa/đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 13 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 9 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 bệnh viện chuyên khoa tư nhân có đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 4 phòng khám đa khoa tư nhân có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và 150 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo quy định, bác sĩ làm việc ở những cơ sở này phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ và chỉ được thực hiện những kỹ thuật tạo hình, thẩm mỹ theo phạm vi chuyên môn cho phép. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đăng ký hành nghề cho tất cả bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có tham gia khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật tại cơ sở.
|
Hiếu Nguyễn