Vì sao mạng xã hội Việt khó thành công?

26/07/2019 - 06:51

PNO - Sao chép hình thức, cách triển khai của các mạng xã hội nổi tiếng, nhiều startup mạng xã hội Việt Nam dường như đang bế tắc và đi vào vết xe đổ của nhau.

Mạng xã hội thế giới phát triển thế nào? 

Miếng bánh mạng xã hội hết sức màu mỡ, không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn cần thiết đối với hệ thống quản trị quốc gia. Những thông tin về con người được truyền tải và lưu giữ ở đó vô cùng quan trọng, dù trên bề mặt hay dữ liệu nền. Thời buổi trí tuệ nhân tạo (AI) thống trị, ai tổng hợp, phân tích và xử lý được nguồn dữ liệu lớn, khả năng thành công của người đó sẽ rất cao.

Nếu ngoài đời thật, nhiều người sẵn sàng “dĩ hòa vi quý” thì trên mạng xã hội, họ lại có những biểu hiện ăn thua tới cùng, thậm chí như thể đã biến thành người khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, nắm được mạng xã hội thì sẽ thấu hiểu được cuộc sống, tâm tư, tình cảm và cả hành vi thực sự của con người mà những giá trị văn minh hoặc giá trị cộng đồng đã giới hạn bản năng của họ trong đời thực.

Các giới hạn này được bộc lộ trên mạng xã hội bằng nhiều cách: ẩn danh, tìm đến cộng đồng cùng quan điểm, đả kích những người khác mình… Viết ra luôn dễ hơn là đối mặt. Có một nơi để nói ra điều mình muốn, dù có làm người khác nóng giận hay tổn thương, vẫn an toàn hơn là phải đối mặt trực tiếp. Nhiều người không hấp dẫn người khác bằng vẻ bề ngoài trong đời thực, nhưng trên mạng xã hội, họ lại nổi bật hơn. 

Vi sao mang xa hoi Viet kho thanh cong?
Gapo và Facebook

Tất cả cho thấy, mạng xã hội, với các thuật toán, đã khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong từng cá nhân một cách hiệu quả. Có những người trước kia nhút nhát, nhưng khi trải nghiệm mạng xã hội một thời gian, ra đời thực, họ nói năng bạo dạn, tự tin hơn và đặc biệt là nhìn nhận nhiều vấn đề chính xác và khách quan hơn.

Mạng xã hội thế giới có nhiều dạng, nhiều hướng đi. Có những trang sở trường về video đại chúng như YouTube, hay chuyên nghiệp như Vimeo. Có trang chuyên cho những người viết blog và hình ảnh như Facebook, Instagram hay chỉ giới hạn sự thân tình qua chat như Zalo, Messenger, Wechat… Nhưng tựu trung, mục tiêu vẫn là xóa khoảng cách địa lý để kết nối nhân loại, đem lại niềm vui và sự tiện dụng cho mọi người, dựa trên nhu cầu của từng cá nhân riêng biệt.

Một mạng xã hội chuyên nghiệp cần những gì? 

Việt Nam hiện có nhiều startup về mạng xã hội, song rất ít thành công. Facebook vẫn chiếm lĩnh thị trường. Tại sao? Các startup mạng xã hội Việt thua Facebook cái gì?

Để lập trình một trang mạng xã hội không khó. Chỉ cần vài lập trình viên và nhà thiết kế đồ họa tương đối có tay nghề là ta sẽ có được một mạng xã hội đủ đáp ứng cho một nhóm vài chục ngàn người. Với một tên miền dễ nhớ và một hệ thống lưu trữ, mọi người có thể đăng status, tải hình ảnh và bình luận, tương tác thoải mái.

Nhưng khi phải phục vụ cả tỷ người đa sắc tộc, đa ngành nghề, đa văn hóa, mạng xã hội có thể đòi hỏi những điều vượt tầm khoa học kỹ thuật và công nghệ của một quốc gia. Đương nhiên không thể do một nhóm nhỏ quản trị. Nó cần nhiều yếu tố về tầm nhìn, công nghệ và cả sự tận tụy đóng góp của nhiều cộng đồng người sử dụng. Nhu cầu và hành vi của người dùng mạng xã hội là điều cực kỳ quan trọng để các nhà phát triển, điều hành cập nhật các tính năng mới phong phú hơn. Các biểu tượng cảm xúc xuất hiện bên cạnh nút like của Facebook xuất phát từ nhu cầu của người dùng là ví dụ điển hình.

Để có được bộ tiêu chuẩn cộng đồng như hôm nay, Facebook, Google hay các trang mạng xã hội lớn đã trải qua quá trình vận hành đầy kinh nghiệm. Nó giống như một bộ luật của cộng đồng, được viết ra để hạn chế các rủi ro, những kích thích bạo lực, tình dục và cổ xúy lối sống thiếu nhân văn. Mạng xã hội phải vận hành thống nhất với bộ tiêu chuẩn ấy và luôn phải có sự nhắc nhở người dùng kịp thời, khi cần thiết.

Để quản lý, vận hành được 2,3 tỷ tài khoản người dùng Facebook và 1,9 tỷ tài khoản YouTube trên toàn thế giới, là cả một khối lượng công việc khổng lồ mà con người tuyệt nhiên không thể đảm đương. Những gã khổng lồ công nghệ vận hành bằng cách nào?

Để kết nối hiệu quả toàn thế giới, ngoài các thuật toán thông minh, công nghệ ưu việt, khả năng tích hợp dịch thuật cũng là chuyện quan trọng. Bạn hiểu được người khác ngôn ngữ với mình nói gì là một sự kết nối mạnh mẽ, xóa nhòa biên giới địa lý trong đời thực.

Một giao diện thân thiện đa chức năng, các tính năng linh hoạt cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp dường như vẫn chưa đủ. Để vươn lên mạnh mẽ, chứa được dữ liệu của 2,3 tỷ “cư dân” như hôm nay, ta không thể quên “phần cứng” của Facebook - các máy chủ trên khắp thế giới.

Từ những vùng Bắc Âu lạnh lẽo tới các khu vực nóng bức như Đông Nam Á đều có những trung tâm dữ liệu lớn, để Facebook chứa, sao lưu dữ liệu, cung cấp cho mọi người khi cần. Hình ảnh và bài viết hằng ngày tại Việt Nam được Facebook lưu trữ ở hai máy chủ có giá hàng trăm triệu USD, đặt tại Hồng Kông và Singapore, đảm bảo kết nối nhanh và hiệu quả nhất.

Tại sao mạng xã hội Việt chưa được đón nhận?

Điểm sơ qua những thứ Facebook đã và đang làm mới thấy sự khó khăn của các startup mạng xã hội Việt.

Zalo được cho là mạng xã hội thành công tại Việt Nam, nhưng tính lan tỏa của nó vẫn kém xa các trang mạng quốc tế, dẫn tới nguồn dữ liệu toàn cầu nghèo nàn, không mấy hấp dẫn. Các trang mạng mới ra mắt như Vcnet, Hahalolo, Gapo đều được quảng bá rầm rộ, nhưng tốc độ tăng trưởng không được như kỳ vọng. Với tính chất lan tỏa của mạng xã hội nói chung và hành vi người dùng nói riêng, thường những thứ mới mẻ, hữu ích sẽ được người dùng tiếp cận rất nhanh. Do vậy, mạng xã hội Việt có thể nói là đã thất bại ngay ở những bước đi ban đầu.

Vi sao mang xa hoi Viet kho thanh cong?
Facebook gần như chưa có đối thủ xứng tầm

Nguyên nhân thất bại có nhiều, song chủ yếu là do thiếu sáng tạo. Việc sao chép giao diện, cách vận hành của các trang mạng lớn như Facebook, Google khiến người dùng cảm thấy các mạng xã hội Việt “chẳng có gì mới”, gây nhàm chán. Hahalolo và Gapo nhái giao diện giống hệt Facebook, thậm chí Gapo còn sao chép nguyên si cả chính sách bảo mật của Google.

Một khó khăn nữa cho các mạng xã hội Việt là không có nhiều bạn bè quốc tế tham gia. Rất nhiều người Việt muốn có bạn khắp năm châu để trau dồi ngoại ngữ, hỏi han về những vùng đất mới mà họ chuẩn bị khám phá hay chỉ đơn giản là các clip, hình ảnh giải trí, giáo dục xu hướng hiện đại được chia sẻ. 

Đó chính là nguồn cảm hứng bất tận để các facebooker, các youtuber làm mẫu, sáng tạo và phát triển cho nội dung Việt thêm phong phú. Đó cũng là tri thức của toàn nhân loại khi chúng ta cần học hỏi, hoạt động kinh doanh. Không có cộng đồng quốc tế, mạng xã hội Việt sẽ hết sức nghèo nàn, ít người quan tâm và đi tới thất bại.

Mạng xã hội đang giúp con người khắp nơi hiểu biết hơn về nhau, san phẳng biên giới địa lý cũng như tư duy để thúc đẩy sáng tạo cả về khoa học kỹ thuật, giải trí lẫn giáo dục, giúp giảm chi phí tài chính cá nhân và phổ biến thông tin nhanh nhạy tới mỗi ngóc ngách của cuộc sống. Khoan nói về chuyện học thuật, triết lý hay sự đồng bộ. Cái mà mạng xã hội mang lại là khơi dậy những bản năng tiềm ẩn của từng cá nhân - thứ ít nhiều đang bị những giá trị phổ quát của cộng đồng thực vô tình bóp chết.

Vi sao mang xa hoi Viet kho thanh cong?
Số người dùng và tính năng sở trường của 10 mạng xã hội lớn nhất

Khi nào các startup mạng xã hội Việt hiểu rõ sự mới mẻ, sáng tạo và khác biệt là những điều quan trọng nhất, lúc ấy mới mong mạng xã hội của Việt Nam giành được chỗ đứng, chưa dám nói lớn hay nhỏ, vững chắc ra sao. Còn nếu cứ na ná, từa tựa nhau, sẽ mãi chỉ tốn công, tốn tiền mà thôi. 

Facebook cũng như Google dùng thuật toán để kiểm duyệt ngay khi dữ liệu được đăng và quét lại chi tiết hơn sau đó. Các thuật toán này tạo ra hệ thần kinh nhân tạo của mạng xã hội, giúp nó nhận ra bạn đang làm điều gì, tốt hay không tốt cho cộng đồng, dựa trên những chuẩn mực phổ quát. Các thuật toán được viết thông minh tới mức chúng có thể nhận ra một hành vi đùa cợt thay vì bạo lực, một video giáo dục giới tính thay vì khiêu dâm... bởi ranh giới của chúng khá mong manh.

Từ góc độ kỹ thuật, các mạng xã hội Việt thường không được chuẩn bị tốt khi ra mắt người dùng. Trang mạng thường xuyên không phản hồi, quá tải, tương tác chậm, tốc độ tải hình và video bị giới hạn, khiến người dùng bực bội. Yếu tố kỹ thuật này cũng thường gây tâm lý bất an cho người dùng về dữ liệu cá nhân và vấn đề bảo mật. Khi bất an, khó mong người dùng ủng hộ và sử dụng lâu dài.

Nguyễn Tuấn Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI