Vì sao không nên tự điều trị bệnh hô hấp?

21/01/2024 - 12:24

PNO - Cuối năm, thời tiết trở lạnh nên chúng ta rất dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp. Tuy nhiên, xử trí không đúng cách có thể khiến bệnh từ nhẹ thành trở nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Từ bệnh nhẹ thành bệnh nặng, thêm bệnh

Chị P.T.D. (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết mẹ chị là bà N.T.M. (68 tuổi) bắt đầu có triệu chứng húng hắng ho và sổ mũi từ cách đây nửa tháng. Sau đó, các thành viên trong gia đình đều lần lượt có biểu hiện giống bà M. Chị D. đã cùng cả nhà đi khám và uống thuốc theo chỉ định, riêng mẹ chị dứt khoát không chịu điều trị theo lối tây y.

Người có bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh khởi phát cơn cấp tính - Ảnh minh họa: Internet
Người có bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh khởi phát cơn cấp tính - Ảnh minh họa: Internet

Bà cho rằng uống thuốc nhiều sẽ có tác dụng phụ, không tốt cho sức khỏe. Hằng ngày, bà M. đun lá xông để giải cảm và chưng tắc với đường phèn uống. Dù con cái khuyên can vì bà có bệnh tiểu đường, uống tắc với đường phèn sẽ nguy hiểm nhưng bệnh nhân kiên quyết không nghe.

Bà thuyết phục mọi người rằng mỗi ngày chỉ uống vài muỗng cà phê tắc chưng đường phèn sẽ không thể làm đường huyết xấu đi. Bà M. còn có tiền sử trào ngược dạ dày, khi uống tắc chưng đường phèn, bệnh nhân bị cồn ruột và cơn trào ngược ngày một nặng hơn. Thế là bà tiếp tục nghe lời hàng xóm, uống tinh bột nghệ với mật ong rừng để “khắc chế” bệnh dạ dày.

Cả nhà đã khỏi ho và sổ mũi sau 1 tuần uống thuốc. Riêng bà M. cứ bị ho kéo dài, diễn tiến nặng thành có đàm nhớt gây khó thở. Không những thế, bà còn uể oải, sốt và chán ăn. Lúc này, chị D. kiên quyết đưa mẹ đi khám. Bác sĩ cho biết mẹ chị phải nhập viện vì không chỉ bệnh hô hấp trở nặng mà chỉ số đường huyết còn đang tăng vọt (nghi do chế độ ăn uống không phù hợp).

Trường hợp khác là em Đ.V.H. (17 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) cũng phải nhập viện do cảm sốt. Mẹ H. kể rằng mỗi lần thấy trong người mệt mỏi, nhức đầu, không tập trung học hành được là H. tự mua thuốc cảm về uống. Sau khi uống thuốc, H. cảm thấy dễ chịu hơn, nhờ vậy có thể nhanh chóng lướt qua cơn bệnh.

Lần này, H. cũng uống thuốc cảm như mọi khi nhưng cơ thể vẫn mệt mỏi, đau đầu và sốt cao khó hạ tới mức phải nghỉ học. Qua vài ngày, thấy tình trạng con không thể tự điều trị ở nhà, mẹ H. đưa H. đi bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, chỉ số men gan của H. cũng tăng cao bất thường.

Sau khi hỏi han bệnh sử, bác sĩ cho rằng đó là do bệnh nhân tự ý dùng thuốc cảm (có chứa thành phần giảm đau, hạ sốt) không đúng chỉ định. Chính điều này đã khiến gan bị nhiễm độc, làm men gan tăng cao.

Phòng tránh và đi khám bệnh kịp thời

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - khuyến cáo, sử dụng thuốc cảm sốt cần phải đúng liều, đúng chỉ định. Trong một số loại thuốc cảm thường có thành phần paracetamol để giảm đau, hạ sốt và chất kháng viêm nhẹ, nếu dùng quá liều sẽ gây suy gan cấp, còn sử dụng thường xuyên trong thời gian dài cũng làm hủy hoại tế bào gan do độc chất tích lũy. 

Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp - Nguồn ảnh: PNO
Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp - Nguồn ảnh: PNO

Bác sĩ Huy Luân cho biết, nhiều người hay bị bệnh viêm hô hấp, cảm cúm tái đi tái lại. Nguyên nhân là do sức đề kháng kém. Để cải thiện tình trạng trên, phụ huynh cần chăm sóc dinh dưỡng cho con đa dạng, đầy đủ. Bên cạnh đó, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền mạn tính nên tiêm ngừa cúm nhắc lại mỗi năm 1 lần và tiêm ngừa phế cầu.

Tập thể dục đều đặn cũng là cách giúp nâng cao thể trạng. Mỗi người nên lựa chọn các bài tập thể dục, bộ môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, độ tuổi. Không cần cường độ luyện tập quá mạnh, thời gian luyện tập quá lâu mà hãy duy trì sự đều đặn mỗi ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kiều Vân - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - lưu ý, không phải ai cũng nên giải cảm bằng lá xông. Nếu làm sai cách và không đúng đối tượng chỉ định thì lợi bất cập hại. Những đối tượng không nên xông là phụ nữ có thai, người đang có biểu hiện và nguy cơ mất nước, rối loạn điện giải (sốt cao, tiêu chảy, nôn ói).

Đặc biệt, bệnh nhân thận mạn, tim mạch, người có tiền sử tăng huyết áp chưa điều trị ổn định phải tham khảo bác sĩ điều trị trước khi xông. Nhiệt độ cao trong quá trình xông hơi sẽ tạm thời làm tăng nhịp tim và lưu lượng máu lưu thông nên dễ gây mệt mỏi với ai có nền tảng sức khỏe kém (người mới ốm dậy, mới uống bia rượu, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt).

Xông hơi là cách dùng nhiệt từ hơi nước thúc đẩy bài tiết các tác nhân gây bệnh qua đường mồ hôi. Trong nồi nước xông thường chứa các dược liệu có tinh dầu sát trùng đường hô hấp như lá chanh, lá bưởi, bạc hà, kinh giới, tía tô, sả, tràm, hành, tỏi, lá tre, lá trúc, cúc tần… Thông thường, để tránh cơ thể mất nước do quá trình xông hơi, người bệnh cần bổ sung nước trong và sau khi xông. Ngày nào cũng xông hơi là phản khoa học, chỉ nên xông mỗi tuần không quá 2 lần và mỗi lần không quá 20 phút. 

Bảo vệ bản thân khỏi bệnh hô hấp do ô nhiễm môi trường

Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - cảnh báo không khí bị ô nhiễm là tác nhân cơ bản gây nên một số tình trạng như nhiễm trùng đường hô hấp (trên và dưới), tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi.

Gần đây, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng không khí bị ô nhiễm chẳng những ảnh hưởng lên hệ thống hô hấp của con người mà còn có thể gây tổn hại đến hầu hết cơ quan nội tạng trong cơ thể. Bên cạnh đó, nếu tiếp xúc thường xuyên với không khí bị ô nhiễm thì hệ thống niêm mạc, tế bào đường hô hấp trên sẽ bị tổn thương và suy giảm chức năng. Lúc này, nếu ai bị nhiễm khuẩn sẽ dễ gây ra viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, thậm chí là viêm phế quản, viêm phổi…

Để phòng tránh bệnh đường hô hấp, khi ra khỏi nhà, hãy đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi khói xả từ phương tiện giao thông, bụi từ công trình xây dựng hoặc mùi khó chịu (dễ kích thích khởi phát cơn khó thở với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tiền căn hen suyễn). Tuy nhiên, chúng ta cần chọn loại khẩu trang sao cho phù hợp, có công dụng lọc bụi mịn. Khẩu trang y tế thông thường không cản được hạt bụi mịn. 

Người có bệnh phổi mạn (hen hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính) cần tuân thủ và duy trì thuốc theo chỉ định. Khi có các dấu hiệu ho có đàm, khò khè, khó thở gia tăng, các bệnh nhân này cần đi khám ngay, tránh chủ quan kẻo trở tay không kịp.

Nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hoặc chai nước biển xịt mũi mỗi khi trở về nhà và trước khi đi ngủ. Mọi người, nhất là người cao tuổi, trẻ em tránh ra đường vào giờ cao điểm. Nên lựa chọn tuyến đường di chuyển, hạn chế đi qua khu vực có công trình xây dựng đang thi công, khu công nghiệp. Mọi người cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế xả rác bừa bãi và đốt rác thải. Ngoài ra, mỗi gia đình nên tăng cường trồng cây xanh để giúp không khí trở nên trong lành hơn và cản bớt bụi bặm ảnh hưởng đến không gian sống.

Khi có các dấu hiệu sốt cao, li bì, mê sảng, tím tái, phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất ngay. Không nên dùng lại thuốc theo đơn cũ, mượn đơn thuốc của người khác, chữa mẹo, tự ý mua thuốc (đặc biệt là kháng sinh) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Trâm Anh  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI