Vì sao không nên tính phí điều trị COVID-19 cho bệnh nhân?

13/03/2020 - 08:15

PNO - Virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) đã lan rộng đến hơn 100 quốc gia, trong đó Ý, Iran và Hàn Quốc đang nổi lên như những ổ dịch lớn của khu vực.

Dù mỗi trường hợp điều trị khác nhau và không có con số chi phí cụ thể, nếu tham khảo số liệu tại Trung Quốc, một xét nghiệm virus có giá khoảng 53 USD. Tại thành phố Thâm Quyến, chi phí trung bình để điều trị căn bệnh này dao động từ 5.600 nhân dân tệ (804 USD) cho trẻ vị thành niên đến khoảng 23.000 nhân dân tệ (khoảng 3.300 USD) cho bệnh nhân cao tuổi... 

Tại Việt Nam, không chỉ công dân Việt Nam nhiễm bệnh COVID-19 được cách ly, điều trị miễn phí mà cả du khách nước ngoài cũng được miễn phí. Trong ảnh, một bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc nhiễm COVID-19 được Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị miễn phí và đã xuất viện, về nước.
Tại Việt Nam, không chỉ công dân Việt Nam nhiễm COVID-19 được điều trị miễn phí mà cả du khách nước ngoài cũng được miễn phí. Trong ảnh, một bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm COVID-19 được Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị miễn phí và đã xuất viện.

Tại Việt Nam, toàn bộ chi phí cho việc cách ly, chữa trị COVID-19 đều hoàn toàn miễn phí, bất kể là đối với người dân hay du khách nước ngoài. Hàn Quốc công bố vào tháng 1/2020 rằng, chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí liên quan đến việc khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đất nước này đã mở rất nhiều trạm xét nghiệm, với khả năng kiểm tra khoảng 15.000 người mỗi ngày. Nhật Bản cũng đã chỉ định COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm vào tháng Hai, buộc chính phủ phải có trách nhiệm thanh toán các hóa đơn nội trú liên quan đến quy trình điều trị. Tại Anh, khoảng 18.000 người đã được xét nghiệm miễn phí kể từ tháng 2/2020.

Ở Mỹ, chính phủ không tính phí xét nghiệm COVID-19 tại các phòng thí nghiệm được chỉ định, nhưng một chuyến đi đến bệnh viện sẽ phải chịu các chi phí khổng lồ khác, trong vài trường hợp là trên 3.200 USD mỗi lần. Nhóm vận động hành lang về các chương trình bảo hiểm sức khỏe của Mỹ khuyên mỗi cá nhân cần kiểm tra thông tin với nhà cung cấp bảo hiểm của họ để biết mức chi trả liên quan đến điều trị COVID-19. 

Một ví dụ cho trường hợp “vỡ nợ vì trị bệnh” theo Thời báo New York là gia đình anh Frank Wucinski - người Mỹ sống và làm việc tại Vũ Hán, Trung Quốc. Anh Frank Wucinski đã tự nguyện sơ tán khỏi Vũ Hán, khi chính phủ Mỹ đề nghị hỗ trợ người Mỹ hồi hương. Anh và con gái ba tuổi đã bị cách ly ở trại Thủy quân lục chiến Miramar, gần thành phố San Diego bang California, vào đầu tháng 2/2020. Trong thời gian ở trại, hai cha con đã được gửi đến Bệnh viện Rady Children gần đó để điều trị cách ly kéo dài ba hoặc bốn ngày. Khi việc kiểm dịch kết thúc và cả hai đều được xác nhận là không còn dấu hiệu của virus, họ bị mắc kẹt trong khoản nợ. Với hóa đơn bệnh viện 3.918 USD, gia đình Wucinski phải tìm đến trang web gây quỹ cộng đồng GoFundMe để nhờ mọi người giúp thanh toán chi phí. 

Tại Singapore, người nước ngoài tìm cách điều trị COVID-19 sẽ phải tự chịu chi phí theo một chính sách mới có hiệu lực ngày 7/3. Tuy nhiên, chính phủ sẽ tiếp tục chi trả tiền xét nghiệm virus, vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng.

Giáo sư Dirk Pfeiffer, công tác tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, nếu chính phủ tính phí điều trị COVID-19, khả năng chi trả sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Dễ thấy rằng, khi phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe, những người có triệu chứng nhẹ ở nhóm thu nhập thấp sẽ ngần ngại đến cơ sở y tế. Những hành vi này sẽ góp phần lan truyền dịch. Nhưng ngược lại, xét nghiệm đại trà là không thực tế ở hầu hết các quốc gia; do đó sự cách ly xã hội sẽ tiếp tục là biện pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng nhất. 

Ngọc Hạ (theo SCMP, CNA, Quartz)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI