Vì sao không kéo tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tới Cần Thơ

20/11/2024 - 19:33

PNO - Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về một số nội dung liên quan tới dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước đó, nhiều ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề kết nối giao thông giữa TPHCM và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Bộ đã hoạch định và đang đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối 2 điểm trên.

Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình nhiều vấn đề liên quan tới sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình nhiều vấn đề liên quan dự án sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành đang được đầu tư mở rộng. Chính phủ đang giao cho VECH triển khai thực hiện các thủ tục để nâng từ 4 làn lên 8 làn và 10 làn xe, dự kiến sẽ triển khai và hoàn thành vào năm 2027.

Ngoài ra, tuyến đường Vành đai 3 TPHCM đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, giúp kết nối từ TPHCM đến Long Thành. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp kết nối khu vực phía Nam của TPHCM cũng dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp kết nối các khu vực phía Bắc của TPHCM.

Về đường sắt, hiện có 3 tuyến. Đó là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (từ ga Thủ Thiêm tới ga Long Thành), đường sắt nhẹ cũng từ ga Thủ Thiêm tới Long Thành. Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để mời gọi nhà đầu tư và dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, có phần vốn của nhà nước tham gia. Bên cạnh đó, hiện đã có quy hoạch tuyến đường sắt kết nối từ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất tới ga Thủ Thiêm.

Về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ trưởng trả lời nhiều ý kiến đề nghị xem xét phạm vi, quy mô, trong đó có ĐBQH đề nghị kéo dài tuyến về Lạng Sơn hay Cần Thơ.

Theo quy hoạch, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại Thủ Thiêm (TPHCM). Ông cho hay, hiện đã có dự án đường sắt riêng để kết nối Hà Nội - Lạng Sơn và TPHCM - Cần Thơ. Đây là dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn chở hỗn hợp cả người và hàng hóa, tốc độ thiết kế đối với chở hành khách là từ 160-200 km/h và chở hàng hóa với tốc độ trung bình khoảng 100-120 km/h.

Về ý kiến nên kết hợp chở hàng hóa và hành khách trên đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm, tuyến cao tốc này chỉ ưu tiên vận tải hành khách. Có thể vận tải hàng hóa sau năm 2050 nếu nhu cầu tăng cao. Theo ông, vận tải hàng hóa hiệu quả nhất là đường thủy nội địa và hàng hóa ven bờ do chi phí thấp, thân thiện với môi trường.

“Nhật Bản từ khi có 2 tuyến đường sắt và có đường sắt vận chuyển hàng hóa thì thị phần là khoảng 10% và sau nhiều năm thì bây giờ chỉ còn 6%, mới đây nhất chỉ còn 5% và theo dự báo của Bộ GTVT Nhật Bản thì sẽ tiếp tục giảm” - ông lấy dẫn chứng.

Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT cho hay đã đi khảo sát, hiện tất cả các dự án đường sắt tốc độ cao đầu tư theo phương thức PPP đều phải do Nhà nước mua lại và vận hành bởi chi phí rất lớn. Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, phù hợp với Kết luận 11376 ngày 18/9/2024 của Bộ Chính trị.

Riêng về hiệu quả tài chính, kết quả tính toán cho thấy, trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, Nhà nước cần hỗ trợ một phần. Số năm hoàn vốn dự kiến tối đa là 33,61 năm.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI