Vì sao không còn “bài ca hóa trị”?

21/06/2022 - 13:39

PNO - Nhôm, sắt, đồng, lưu huỳnh… tên của các nguyên tố hóa học đã quá quen với bao thế hệ thầy và trò. Thế nhưng, theo chương trình mới, chúng sẽ được thay lần lượt bằng aluminium, iron, copper, sulfur… Có nghĩa, “Riêng đồng (Cu) cùng với thủy ngân (Hg) / Thường II ít I chẳng phân vân gì” (Bài ca hóa trị) sẽ chỉ còn là ký ức.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Với môn hóa học, một trong những điểm khác với chương trình hiện hành là: Danh pháp và thuật ngữ được sử dụng theo khuyến nghị của Hiệp hội Quốc tế về Hóa học lý thuyết và Ứng dụng (IUPAC), có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng). 

Theo đó, sự thay đổi này sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất hệ thống danh pháp, thuật ngữ hóa học trong nước cũng như đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Tên của các nguyên tố và đơn chất được gọi theo tiếng Anh: oxygen thay cho oxi, helium thay cho heli, magnesium thay cho magie…; các thuật ngữ: neutron thay cho nơtron, hydroixide thay cho hidroxit, base thay cho bazơ…; hay hợp chất natri clorua (NaCl) sẽ thay bằng sodium chloride…

Tên các nguyên tố hóa học theo Hiệp hội Quốc tế về Hóa học lý thuyết và Ứng dụng (IUPAC) sẽ thay thế những cái tên quen thuộc như đồng, nhôm, thủy ngân, sắt…
Tên các nguyên tố hóa học theo Hiệp hội Quốc tế về Hóa học lý thuyết và Ứng dụng (IUPAC) sẽ thay thế những cái tên quen thuộc như đồng, nhôm, thủy ngân, sắt…

Việc đổi tên này được hiểu là để khắc phục việc không có một hệ thống chung về thuật ngữ và danh pháp hóa học. Nguyên nhân là chỉ có một số nguyên tố và hợp chất hóa học được đặt theo tên Việt, Hán - Việt (nhôm, đồng, thủy ngân, lưu huỳnh…); còn đa số tên các nguyên tố và hợp chất đều được phiên từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Từ năm 2005 - 2008, Hội Hóa học Việt Nam đã thực hiện đề tài “Xây dựng hệ thống danh pháp và thuật ngữ hóa học Việt Nam”. Cuốn Danh pháp và thuật ngữ hóa học Việt Nam cũng được xuất bản năm 2010. Thế nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, quy tắc phiên chuyển nguyên âm, phụ âm… vẫn chưa có sự nhất quán. 

Trong nhà trường, giáo viên, học sinh cũng gặp không ít khó khăn trong việc gọi tên các nguyên tố, hợp chất hóa học bằng tiếng Anh vì đã quen với cách đọc, cách viết phiên chuyển, Việt hóa. Theo sinh viên Trần Việt (Đại học Quốc gia Hà Nội), cách thay đổi tên gọi này có cái hay, bởi ở bậc phổ thông, ký hiệu hóa học Na đọc là natri nhưng khi đọc các tài liệu ở đại học thì lại ghi, đọc là sodium. Với khối ngành hóa - sinh, y - sinh, y - dược, việc đọc tài liệu nước ngoài là phổ biến thì sử dụng thuật ngữ, tên gọi quốc tế từ bậc phổ thông sẽ có những thuận lợi nhất định.

Đồng thời sử dụng cả tên tiếng Việt và tên tiếng Anh

Đồng ý với cách viết, gọi tên tiếng Anh các nguyên tố, hợp chất và thuật ngữ hóa học, song cô giáo Lương Diệp (H.Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) vẫn lo lắng: Học sinh miền núi nói, đọc tiếng Kinh còn chưa rõ ràng, nhiều từ còn chưa hiểu được mà bây giờ phải học môn hóa với 100% tên tiếng Anh thì thực sự rất khó. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc (phụ huynh học sinh ở Q.Hà Đông, Hà Nội) thắc mắc: “Như thế, đồ dùng bằng nhôm sẽ gọi là gì khi nhôm đã là aluminium? Khi đọc Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt hay trống đồng Đông Sơn, các con tôi có biết ngựa sắt, trống đồng là gì không khi sắt đã được gọi là iron, đồng gọi là copper? Rồi dạy con nấu ăn, không lẽ sẽ thay bằng một muỗng sodium chloride (muối ăn), 1/2 muỗng sodium glutamate (bột ngọt, mì chính)”. Chị cũng cho rằng, Bài ca hóa trị với những “Nitơ (N) rắc rối nhất đời / (I) (II) (II) (IV), khi thời lên V / Lưu huỳnh (S) lắm lúc chơi khăm / Xuống hai lên sáu khi nằm thứ tư”, “Magiê (Mg), kẽm (Zn) với thủy ngân (Hg) / oxi (O), đồng (Cu), thiếc (Sn) cùng gần bari (Ba) / Cuối cùng thêm chú canxi (Ca) / Hóa trị hai (II) nhớ có gì khó khăn / Bác nhôm (Al) hóa trị ba (III) lần / In sâu trí nhớ khi cần có ngay” - chắc cũng không dùng đến được nữa.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - giáo viên dạy hóa của hệ thống Học mãi - thì cho rằng việc thay đổi này trước mắt sẽ làm danh pháp được sử dụng trong chương trình học bị vênh với ngôn ngữ đời sống. Rất nhiều tên gọi đã thông dụng trong cả nhà trường, đời sống cũng như các sản phẩm gia dụng, y tế… cũng sẽ bị thay đổi. 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Học viện Kỹ thuật quân sự - đồng ý với việc dạy danh pháp quốc tế. Nhưng theo ông, cần phải có tên tiếng Việt của các nguyên tố - mà tiếng Việt, lẽ ra phải làm chủ đạo và dẫn danh pháp quốc tế song song. Ví dụ: Hoàn toàn có thể vẫn viết là nhôm và mở ngoặc aluminium, hoặc ghi chú xuống chân trang, hoặc làm bảng thuật ngữ cuối sách.

Ông Nam nhấn mạnh: “Ngoại ngữ rất quan trọng, nhưng tiếng Việt cần phải là số một, phải làm giàu bằng cách phiên âm, Việt hóa toàn bộ các thuật ngữ. Danh pháp quốc tế thì học sinh cần phải học. Vấn đề là có cần Việt hóa ra tiếng Việt không, hay cái gì tiếng Việt đã có thì ghi chú thêm vào, những cái mới thì thôi, không Việt hóa nữa - cần phải thống nhất rõ ràng. Điều quan trọng nhất là hiện nay không có ai, bộ phận nào tại Việt Nam làm việc chuẩn hóa các thuật ngữ khoa học từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt”. 

Nhiều ý kiến cho rằng những tên gọi, thuật ngữ đã được Việt hóa phổ thông thì vẫn nên giữ và dạy kèm chú thích tiếng Anh. Những tên gọi, thuật ngữ chưa thống nhất, vẫn ở dạng phiên âm thì nên để tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu có thể Việt hóa mà giúp dễ hiểu nghĩa hơn thì nên dùng tiếng Việt. Trước việc sử dụng toàn bộ tên tiếng Anh cho các nguyên tố, hợp chất, thuật ngữ hóa học, tiến sĩ Nguyễn Thành Nam lo lắng về việc rất có thể sẽ xuất hiện sự đứt gãy về văn hóa, thế hệ sau không hiểu được chữ viết của ông cha - giống như trước đây người Việt viết chữ Hán - Nôm, nói từ Hán - Việt rồi chuyển sang dùng Quốc ngữ. 

Minh Tuệ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI