Vì sao khách đổ xăng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt?

07/09/2024 - 07:17

PNO - Khá nhiều cây xăng ở TPHCM treo bảng “cấm sử dụng điện thoại” khiến một số khách hàng cảm thấy áy náy, băn khoăn khi muốn thanh toán bằng chuyển khoản. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều lý do khiến phần đông vẫn chuộng dùng tiền mặt để trả mỗi lần đổ xăng.

Cấm dùng điện thoại nhưng vẫn có thể chuyển tiền

Trên mỗi trụ xăng của trạm xăng dầu số 94 (đường An Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM) đều có tấm bảng “cấm sử dụng điện thoại”. Chúng tôi thấy gần như 100% khách hàng đổ xăng ở đây đều thanh toán bằng tiền mặt. Chúng tôi thử hỏi 5 người đang chờ đến lượt đổ xăng thì hết 4 người nói “trả tiền mặt cho nhanh”, người còn lại nói “định chuyển khoản nhưng thấy treo bảng cấm dùng điện thoại nên không dám móc điện thoại ra”.

Ở trạm xăng dầu PVOIL số 55 (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM), khi thấy một khách hàng nghe điện thoại trong lúc chờ đổ xăng, nhân viên bơm xăng vội nhắc khách tắt điện thoại hoặc bước ra xa cây xăng để nghe. Việc nhắc nhở “không dùng điện thoại” này có thể khiến những người có ý định dùng điện thoại chuyển tiền e ngại.

Biển báo “cấm sử dụng điện thoại” như ở cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 1 (đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM) khiến khách hàng ngại dùng điện thoại để thanh toán chuyển khoản
Biển báo “cấm sử dụng điện thoại” như ở cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 1 (đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM) khiến khách hàng ngại dùng điện thoại để thanh toán chuyển khoản

Trên mỗi trụ bơm xăng của cửa hàng xăng dầu số 93 (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM) đều dán thông báo với nội dung cụ thể: “Không nhận chuyển khoản, không cà thẻ, không quét mã, không chuyển MoMo, quý khách vui lòng thanh toán bằng tiền mặt”. Chúng tôi hỏi có phải do lo ngại việc sử dụng điện thoại dễ gây cháy nổ hay không, nhân viên cửa hàng này giải thích, các thông báo này chủ yếu để ngăn lừa đảo: “Nguy cơ cháy nổ chỉ xảy ra khi khách nghe, gọi, còn mở điện thoại để chuyển khoản thì không nguy hiểm”.

Sau khi vào cửa hàng xăng dầu Potrolimex số 4 (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TPHCM) đổ 100.000 đồng xăng, đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, chúng tôi được nhân viên vui vẻ đưa mã QR để dùng điện thoại quét. Nhân viên giải thích, việc dùng điện thoại để quét mã, chuyển tiền không gây nguy hiểm, chỉ khi dùng điện thoại nghe, gọi mới nguy hiểm.

Trả tiền mặt tiện hơn

Giám đốc một công ty xăng dầu (không muốn nêu tên) cho biết, điện thoại đang nghe, gọi có thể tạo ra hiện tượng đoản mạch, tạo tia lửa điện nên có thể gây cháy nổ, còn ở trong các trạng thái khác thì không tạo tia lửa điện. Nhân viên cây xăng cũng chỉ nhắc nhở khi khách nghe và gọi điện thoại.

Ông thừa nhận tấm bảng hiệu “cấm sử dụng điện thoại” có thể khiến khách ngại chuyển khoản thanh toán khi đổ xăng, nhưng theo ông, khách thích thanh toán bằng tiền mặt vì nhiều lý do: phần lớn khách hàng không đăng ký gói cước 3G hoặc 4G nên điện thoại không có sóng, muốn chuyển khoản thì phải xin mật khẩu wifi của cây xăng, vừa phức tạp, vừa mất thời giờ, làm phiền nhân viên cây xăng và các khách hàng khác.

Cũng theo vị này, các cửa hàng xăng dầu cũng không muốn khách hàng thanh toán bằng thẻ do mức phí quẹt thẻ tín dụng cao (2 - 3%/giao dịch), làm giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, mỗi ứng dụng ngân hàng chỉ cho đăng ký tối đa 5 số điện thoại nhận tin nhắn thông báo khi nhận tiền thanh toán qua chuyển khoản, mỗi nhân viên đổ xăng quản lý 1 số điện thoại. Các nhân viên làm việc theo ca nên việc quản lý số, nhận thông báo, kiểm tra và xác nhận việc thanh toán… cũng rối rắm, phiền phức. “Từng có trường hợp khách đổ xăng xong, chuyển khoản, rời đi nhưng tiền không về tài khoản” - ông này kể.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh (Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM), các ngân hàng đều cung cấp cho các cửa hàng xăng dầu thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS, mPOS), mã QR để khách thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều khách cũng muốn quẹt thẻ thanh toán tiền xăng để nhận ưu đãi hoặc thích chuyển khoản nhưng sau đó đều e ngại do lượng khách chờ đổ xăng luôn đông, một phần do các cây xăng đều có bảng “cấm sử dụng điện thoại”. Một số cây xăng phân làn để khách thanh toán không dùng tiền mặt trước, đổ xăng sau hoặc phân riêng khu vực trả tiền mặt và không dùng tiền mặt nhưng khách vẫn thấy rườm rà, phiền toái do phải làm nhiều thao tác, tốn thời giờ.

Ông cũng cho rằng, phí quẹt thẻ cao cũng khiến doanh nghiệp xăng dầu ngại áp dụng và chỉ những doanh nghiệp có chuỗi vài ngàn trạm xăng mới có thể thương lượng để hạ mức phí này. “Diện tích cây xăng chật hẹp, lưu lượng xe cộ đông thì khó áp dụng hình thức quẹt thẻ thanh toán. Nếu có hệ thống công nghệ như bên Trung Quốc, tức là khách chỉ cần “1 chạm”, không cần phải quẹt thẻ, chờ in hóa đơn hoặc không cần phải mở ứng dụng ngân hàng, quét mã QR, mới có nhiều người thanh toán không dùng tiền mặt khi đổ xăng” - ông nói.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt cần thuận tiện hơn

Theo luật sư Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp - nhiều người lớn tuổi hoặc ở khu vực nông thôn vẫn chỉ quen thanh toán bằng tiền mặt. Với những giao dịch lẻ, đông người như đổ xăng, việc trả bằng tiền mặt có vẻ nhanh chóng và tiện lợi hơn. Một số khách hàng còn lo ngại về vấn đề an ninh khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ ở cây xăng, lại thiếu sự khuyến khích từ phía cây xăng về hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán lẻ xăng dầu nói riêng, mọi giao dịch nói chung, cần có các biện pháp đồng bộ như tăng cường quảng bá lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp các ưu đãi cụ thể như khuyến mãi, giảm giá, hoàn tiền nhiều và cải thiện hạ tầng thanh toán.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI