Vì sao “Kẻ kiến tạo” được ca ngợi là phim khoa học viễn tưởng hay nhất năm?

27/09/2023 - 07:13

PNO - Bộ phim "Kẻ kiến tạo" có nhiều điểm khác lạ khi là một tác phẩm Hollywood nhưng lại rất “châu Á”, khắc họa Mỹ như kẻ phản diện. Vai diễn của Ngô Thanh Vân tuy phụ, nhưng gây ấn tượng mạnh vì thoại nhiều câu tiếng Việt.

Sau Mission: Impossible - Dead Rekoning Part one (Nhiệm vụ: bất khả thi - Nghiệp báo phần 1), điện ảnh Hollywood có thêm một tác phẩm mới đề cập chủ đề AI (trí tuệ nhân tạo) là The Creator (Kẻ kiến tạo). Bộ phim của đạo diễn Gareth Edwards miêu tả viễn cảnh con người cùng các thực thể trí tuệ nhân tạo sống chung trong thế giới, và đặt ra câu hỏi ai mới chính là kẻ đáng sợ hơn: người hay máy?

Phim mang màu sắc sử thi chiến tranh pha trộn khoa học viễn tưởng
Phim mang màu sắc sử thi chiến tranh pha trộn khoa học viễn tưởng

Phim lấy bối cảnh tương lai gần, khi AI phát triển mạnh mẽ, vượt khỏi phạm vi công cụ hỗ trợ và trở thành mối đe dọa với loài người. Chúng gây ra vụ nổ bom hạt nhân tàn phá thành phố Los Angeles (Mỹ). Mỹ liền phát động cuộc chiến chống AI, tấn công vào khu vực New Asia - nơi ẩn náu của các thực thể trí tuệ nhân tạo - để truy lùng một món vũ khí được cho là có sức mạnh siêu việt, giúp bên sở hữu giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến.

Joshua, một người lính Mỹ, được cử đến New Asia để tìm và diệt vũ khí bí mật đó. New Asia là địa điểm lưu giữ ký ức đau thương của Joshua, vì vợ anh - Maya - đã mất tích ở đây sau một cuộc tấn công. Đến nơi, anh ngỡ ngàng phát hiện vũ khí nguy hiểm kia là một thực thể AI, mang hình dáng một đứa bé - Alfie.

Vũ khí bí mật của lực lượng A.I là bé gái nửa người nửa máy tên Alfie
Vũ khí bí mật của lực lượng AI là bé gái nửa người nửa máy tên Alfie

Mô típ con người chống lại máy móc trong Kẻ kiến tạo không mới, nhưng bộ phim của Gareth Edwards đem lại sự mới mẻ nhờ cách lồng ghép giá trị nhân văn vào câu chuyện, và cách thể hiện có sự pha trộn màu sắc sử thi chiến tranh và khoa học viễn tưởng.

Trên nền bối cảnh đậm chất châu Á với khung cảnh những vách núi đá vôi, ruộng bậc thang, cánh đồng ngô, lúa, hình ảnh xe gắn máy… những cảnh quay chiến đấu của quân Mỹ gợi nhớ đến không khí trong phim chiến tranh Apocalypse Now.

Những khung hình về pháo đài bay NOMAD, tàu chiến, thiết bị máy móc, vũ khí tương lai và những thực thể AI nửa người nửa máy do kỹ xảo tạo ra gây liên tưởng đến những phim khoa học viễn tưởng như Blade Runner hay E.T. the Extra-Terrestrial.

Trailer phim Kẻ kiến tạo

 

Kẻ kiến tạo có nhiều cảnh hành động nhưng nhịp phim không hối hả, gấp gáp, mà từ tốn để có thời gian khắc họa câu chuyện của các nhân vật đủ sâu.

Phim có nhiều câu thoại hay, đáng suy ngẫm như đoạn nhân vật Maya nói về lực lượng AI ở New Asia: “Dù họ là người máy nhưng em yêu thương họ hơn cả bản thân em, vì họ đã bảo vệ và yêu thương không bỏ rơi em, lúc em cần ai đó nhất”. Hay đoạn thoại giữa Alfie và Joshua về chuyện lên thiên đường: “Ông có được lên thiên đường không?/Không, chỉ người lương thiện mới được lên đó/Vậy ta giống nhau rồi, không thể lên thiên đường vì ông không lương thiện, còn tôi không phải là con người”.

Tuy là phim Hollywood nhưng lại rất chấu Á, với hình ảnh núi non, đồng lúa, các vị thầy tu
Tuy là phim Hollywood nhưng lại rất châu Á, với hình ảnh núi non, đồng lúa, các vị thầy tu...

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ giúp ích không nhỏ cho cuộc sống con người, nhưng nó cũng là mối nguy tiềm ẩn cho xã hội loài người, nếu được sử dụng không đúng mục đích.

Thời gian qua, khi AI bùng nổ cực mạnh, con người bắt đầu cảm thấy bị đe dọa bởi chúng. Nhưng có thật AI mới là kẻ thù đáng sợ nhất trên hành tinh? Câu trả lời trong Kẻ kiến tạo là không. Lực lượng AI trong phim không phải là những cỗ máy vô tri mà vẫn có tình người. Họ che chở cho Maya, Alfie cố gắng hết sức để cứu mạng Joshua. Trong khi đó con người, cụ thể là đội quân của Mỹ, với tham vọng đã tự biến mình thành kẻ đáng sợ, tấn công tàn sát cả phụ nữ, trẻ em ở New Asia.  

Diễn viên nhí Madeleine Yuna Voyles lần đầu đóng phim nhưng chiếm thiện cảm tuyệt đối nơi người xem
Diễn viên nhí Madeleine Yuna Voyles lần đầu đóng phim, nhưng chiếm thiện cảm tuyệt đối nơi người xem

Kẻ kiến tạo thú vị khi không chỉ khắc họa Mỹ là kẻ phản diện, mà còn ở điểm: là một phim Hollywood nhưng rất châu Á. Ngoài bối cảnh quay ở các nước châu Á, thoại trong phim cũng đa ngôn ngữ châu Á: Việt, Thái, Nhật…

Nữ diễn viên Ngô Thanh Vân vào vai người máy Kami khiến khán giả Việt hào hứng, vì thoại nhiều hơn cả nhân vật Maya, và có nhiều câu nói hẳn tiếng Việt với những từ như “kem”, “tiền”, “đi đi”, “khỏi thối”. So với nhiều phim Hollywood khác đã tham gia, vai diễn lần này của chị có nhiều đất hơn, cá tính rõ nét và có nhiều đóng góp vào câu chuyện. Cảnh kết của nhân vật này gây ám ảnh như phim kinh dị.

Vai diễn của Ngô Thanh Vân trong phim tuy nhỏ nhưng gây ấn tượng với khán giả Việt vì có nhiều câu thoại bằng tiếng Việt hẳn hoi
Vai diễn của Ngô Thanh Vân trong phim tuy nhỏ, nhưng gây ấn tượng với khán giả Việt vì có nhiều câu thoại bằng tiếng Việt hẳn hoi

Ngoài Ngô Thanh Vân, khán giả cũng ấn tượng với diễn xuất của bộ đôi diễn viên chính John David Washington (vai Joshua) và bé Madeleine Yuna Voyles (vai Alfie).

Nữ diễn viên 9 tuổi người Mỹ Madeleine Yuna Voyles lần đầu đóng phim được giao vai quan trọng, nhưng  hoàn thành rất tốt. Bé có gương mặt xinh xắn, ánh mắt trong veo và biểu cảm sinh động khiến người xem khó quên. Dàn diễn viên diễn xuất đồng đều, câu chuyện giàu nhân văn, cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, kỹ xảo và bối cảnh đẹp mắt, Kẻ kiến tạo xứng đáng với lời ngợi khen là phim khoa học viễn tưởng hay nhất năm.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI