Vì sao hội chứng hậu COVID-19 ở người này khác người kia?

28/02/2022 - 06:01

PNO - Khi hàng triệu người trên thế giới bị những triệu chứng kéo dài khác nhau sau khi nhiễm COVID-19, các nhà khoa học đang dần hé mở tác động thật sự của căn bệnh với cơ thể, lý giải tại sao virus nhỏ bé có thể khiến bệnh nhân suy nhược nghiêm trọng.

Chẩn đoán hội chứng hậu COVID

Hậu COVID là bệnh mạn tính với nhiều triệu chứng khác nhau, phần nhiều không thể giải thích bằng các xét nghiệm thông thường. Dù vậy, khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về những bệnh nhân hậu COVID, họ đã phát hiện ra các rối loạn chức năng khắp cơ thể. Các nghiên cứu ước tính từ 10 - 30% người nhiễm COVID-19 có thể phát triển các triệu chứng lâu dài. Dù không rõ tại sao một số người phát triển hậu COVID và những người khác thì không, nhưng bốn yếu tố dường như làm tăng nguy cơ bao gồm: sự xuất hiện nồng độ cao RNA của virus trong quá trình nhiễm, sự hiện diện của một số kháng thể, sự tái hoạt động của vi-rút Epstein-Barr (Herpesvirus-4) và bệnh tiểu đường loại 2.

Tác động toàn diện của hậu COVID-19 lên bệnh nhân
Tác động toàn diện của hậu COVID-19 lên bệnh nhân

Vì sao luôn cảm thấy bệnh?

Những bệnh nhân hậu COVID dường như có hệ thống miễn dịch yếu hơn so với những bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng rối loạn chức năng miễn dịch mạn tính sau khi nhiễm COVID-19 có thể gây ra một chuỗi triệu chứng khắp cơ thể. Một khả năng là cơ thể vẫn đang chiến đấu với tàn dư của virus trong các mô ở ruột, hạch bạch huyết và các cơ quan khác suốt nhiều tháng, gây ra tình trạng viêm và từ đó dẫn đến sương mù não, vấn đề đường tiêu hóa hay các triệu chứng khác. 

Một khả năng khác là lần nhiễm virus ban đầu gây ra viêm mạn tính, bằng cách kích hoạt lại các virus khác trong cơ thể bệnh nhân vốn đã ngủ yên. Một nghiên cứu cho thấy việc tái hoạt động của virus Epstein-Barr (thuộc họ Herpes) có thể giúp dự đoán liệu một người có phát triển triệu chứng COVID kéo dài hay không. 

Leo cầu thang mệt như leo núi

Nhiều bệnh nhân COVID-19 chật vật với các hoạt động thể chất, rất lâu sau khi bệnh và dễ tái phát các triệu chứng nếu họ tập thể dục. Trong một nghiên cứu công bố bởi nhà xuất bản học thuật Elsevier, những bệnh nhân có các triệu chứng hậu COVID gặp khó khăn khi đạp xe. Mặc dù tim và phổi của họ bình thường, nhưng cơ bắp chỉ có thể lấy một phần lượng oxy từ các mạch máu nhỏ, làm giảm rõ rệt khả năng vận động của họ. 

Các nhà nghiên cứu tại Nam Phi còn phát hiện một vấn đề khác đáng quan ngại: các cục máu đông vi thể. Chúng hình thành trong quá trình nhiễm COVID-19 và thường sẽ vỡ ra, nhưng ở những bệnh nhân hậu COVID, những cục máu đông này tiếp tục tồn tại và có thể làm tắc nghẽn hệ thống mao mạch nhỏ mang oxy đến các mô khắp cơ thể. Các chất gây viêm gọi là cytokine, thường tăng cao ở bệnh nhân với triệu chứng COVID-19 kéo dài, có thể làm tổn thương cấu trúc ty thể cung cấp năng lượng cho các tế bào của cơ thể. Thành mạch máu cũng có thể bị viêm, hạn chế việc hấp thụ oxy. Nồng độ oxy thấp gây ra triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 kéo dài, đó là mệt mỏi nghiêm trọng.

Suy nghĩ chợt như chìm vào màn sương

Ngay cả những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ cũng có thể bị suy giảm nhận thức kéo dài, bao gồm giảm khả năng chú ý, trí nhớ và khả năng tìm từ ngữ. Theo nhóm nhà nghiên cứu Mỹ, ngay cả những trường hợp nhiễm trùng nhẹ cũng có thể gây viêm đáng kể ở não. Cụ thể, nhiễm trùng có thể kích hoạt phản ứng của các tế bào miễn dịch trong não bộ gọi là microglia, theo cách giống với quá trình suy giảm nhận thức do lão hóa và một số bệnh thoái hóa thần kinh. Mặt khác, triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể làm giảm đáng kể lượng máu đến não, một vấn đề thường thấy ở những bệnh nhân trải qua hội chứng mệt mỏi mạn tính.

Như có tảng đá đè lên ngực

Khó thở là triệu chứng thường xuyên của hậu COVID. Nhưng các xét nghiệm phổi thông thường (chụp X-quang, chụp CT và xét nghiệm chức năng) thường cho kết quả bình thường. Sử dụng máy chụp cộng hưởng từ (MRI) chuyên biệt, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Anh tìm thấy bằng chứng về tổn thương phổi ở một nhóm nhỏ bệnh nhân hậu COVID. Các bản quét chi tiết về chức năng phổi chỉ ra rằng hầu hết bệnh nhân hấp thụ oxy kém hiệu quả hơn những người khỏe mạnh. Lời giải thích cho tình trạng khó thở như sau: các hạt máu đông nhỏ trong mô phổi hoặc sự dày lên của hàng rào ngăn cách máu - không khí, làm giảm sự hấp thụ oxy trong phổi.

Nhiều bệnh viện trên thế giới hiện cung cấp các chương trình phục hồi hậu COVID-19. Dù vậy, với số lượng bệnh nhân không ngừng tăng và khó khăn trong chẩn đoán, nhiều ca phải chịu đựng các triệu chứng hậu COVID-19 trong thời gian dài, trước khi nhận được điều trị thích hợp. Do đó, các nước cần chuẩn bị, ứng phó với làn sóng hậu COVID, đặc biệt trước tác động của những biến thể dễ lây lan như Omicron. 

Ngọc Hạ (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI