Vì sao học sinh “dội” với môn lịch sử lớp Mười?

09/10/2023 - 17:13

PNO - “Mẹ ơi, con chán học lịch sử quá!”, con trai đang học lớp Mười tại một trường THPT ở quận 3, TPHCM than thở với chị Thanh Thùy trong giờ ăn trưa. Tâm trạng của con khiến chị sửng sốt vì con từng rất yêu thích và học giỏi môn học này suốt những năm THCS.

Bối rối với những khái niệm “cao siêu”

Hỏi con trai lý do nào mà mới đầu năm học đã không thích học lịch sử thì con chị Thùy cho biết: cách dạy lịch sử lớp Mười không giống như ở cấp THCS, có những khái niệm, định nghĩa không thể hiểu được. Cầm cuốn sách giáo khoa của con trai, mở ra những trang đầu tiên chị đã bị “dội”. Ngay bài đầu “Hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức”, có những câu như: “Con người có khả năng nhận thức hiện thực khách quan, vì vậy, lịch sử còn là hiện thực khách quan có thể nhận thức được”, “Giữa hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức luôn có khoảng cách, dù cố gắng nhưng con người vẫn chưa thể nhận thức và tái hiện hoàn toàn đầy đủ hiện thực lịch sử đã xảy ra”...

Mất một thời gian khá lâu để tìm hiểu và suy nghĩ, chị mới có thể diễn giải cho con trai phần nào ý nghĩa của “những từ khó hiểu” và ý nghĩa của bài học. Nhưng con trai chị nói: “Mà tại sao con phải học những khái niệm này? Con muốn học những câu chuyện lịch sử hơn. Giờ con học như con vẹt, tại con đâu có hiểu gì đâu”. Khi cố gắng động viên con là những bài sau sẽ dễ hiểu hơn thì em cho biết đã tìm hiểu hết cả quyển sách mà không thấy nội dung nào hấp dẫn. Trong khi ngày còn học chương trình cũ, con trai chị rất hào hứng, học đến bài nào cũng chủ động lên mạng tìm hiểu thêm. Những câu hỏi ngoài sách giáo khoa em luôn trả lời được, điểm tổng kết cuối năm chưa bao giờ dưới 9,0. Chị Thùy lo lắng nói: “Sách giáo khoa dùng những từ ngữ khó hiểu với độ tuổi các em là không ổn. Nếu trẻ con không thích thì làm sao có thể học và ghi nhớ bài được lâu dài”. 

Học sinh lớp Mười Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) trong giờ học lịch sử - ẢNH: T.T.
Học sinh lớp Mười Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) trong giờ học lịch sử - Ảnh: T.T.

Một cô giáo là tổ trưởng tổ lịch sử một trường THPT ở quận 1 cho biết: “Những kiến thức lịch sử lớp Mười hiện nay không phù hợp với lứa tuổi của các em, nói đúng hơn là các em không cảm được. Bởi phần nội dung này trước đây là dành cho sinh viên đại học, giờ chuyển xuống để các em tìm hiểu sâu hơn. Mặc dù sách được thiết kế nhiều màu sắc, hình ảnh nhưng thiếu tính hấp dẫn, không hay bằng chương trình cũ”. Cô cho rằng ngành giáo dục đang đi theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm, học sinh phải tích cực vận động. Nghĩa là các em phải chủ động nghiên cứu bài, nghe giảng, đặt câu hỏi, phản biện, làm bài tập... Đồng thời, thầy cô cũng phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng thực ra nội dung phù hợp mới là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để hấp dẫn các em, giáo viên chỉ là người tiếp sức để các em lĩnh hội được kiến thức.

Chủ động thay đổi

Theo thầy Trần Văn Hướng - Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) -  việc chương trình bị cắt giảm cơ học đã dẫn tới sự thiếu kết nối giữa các phần nội dung, khiến người học cảm thấy mọi thứ không liền mạch.

Cụ thể, khi môn lịch sử chuyển từ môn học tự chọn thành môn học bắt buộc, Bộ GD-ĐT đã cắt giảm chương trình từ 70 tiết/năm xuống còn 52 tiết/năm. Trong đó, bộ nhấn mạnh việc cắt giảm phải bảo đảm kiến thức phù hợp với tất cả đối tượng học sinh. Tuy nhiên, những chương đầu tiên là nhập môn sử học phần lớn chứa những khái niệm tương đối khô khan, lý thuyết hoàn toàn. “Do đó, thầy cô phải có sự thay đổi để các em dễ tiếp thu hơn” - thầy Trần Văn Hướng nói. 

Theo đó, thầy cô cần tạo sự thoải mái, sinh động thông qua các tình huống học tập, trò chơi đóng vai, hình ảnh, clip… Khi gặp những khái niệm, định nghĩa khó, thầy cô cần để học sinh tự do suy nghĩ, dựng lên khái niệm của riêng mình từ nhiều góc nhìn khác nhau. Hay như khi nhắc đến câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu, thay vì khăng khăng Mỵ Châu sai vì tiết lộ bí mật quốc gia, hãy nhìn thêm khía cạnh tình cảm để thấy chuyện người vợ chia sẻ mọi chuyện với chồng không hề quá đáng. 

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) - bổ sung rằng, giáo viên không nên bắt buộc học sinh nhớ hết những sự kiện lịch sử được đưa ra trong bài, coi trí nhớ là điểm tối thượng. “Chỉ khi thầy cô cho phép các em cảm nhận, đánh giá sự kiện lịch sử, dùng lịch sử để tạo ra một sản phẩm mang tính cá nhân thì các phương pháp đổi mới giảng dạy mới thật sự phù hợp” - thầy nói. 

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, giảng dạy” diễn ra cuối tháng Tám, giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội - đã nhận định rằng những bài đầu của môn lịch sử lớp Mười (liên quan đến các vấn đề chung, có tính lý luận) mới và khó. Thậm chí, nhiều giáo viên còn chưa được đào tạo đầy đủ và kỹ lưỡng về những kiến thức này.

Đồng thời, còn nhiều nội dung chưa được một số cơ sở đào tạo cập nhật như lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam, các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0… Những điều này cần sớm chỉnh sửa để phù hợp hơn. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI