Vì sao học sinh “chê” phòng tư vấn tâm lý học đường?

07/02/2023 - 10:42

PNO - Nhiều học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường vẫn không biết phải nhờ hỗ trợ ở đâu. Có em phải tìm đến mạng xã hội nhờ can thiệp trong khi các trường lại đang đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường.

"Nạn nhân của bắt nạt học đường nên làm gì?” 

Cô Lê Thị Bích Hạnh - giáo viên tư vấn tâm lý, Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân) - cảnh báo, hiện nay, tình trạng học sinh bị bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. 

Cô Hạnh cho biết, rất nhiều học sinh chia sẻ từng bị bắt nạt trong nhiều năm và bị bắt nạt đủ kiểu. Tuy nhiên, kiểu phổ biến nhất gần đây là bị tẩy chay, cô lập hay bắt nạt trên mạng xã hội. Có khi là nhận được những bình luận ẩn danh gây tổn thương mang tính body shaming (miệt thị ngoại hình) và tỉ lệ này đang có chiều hướng tăng cao. 

Nhiều học sinh vẫn 'chê phòng tư vấn tâm lý học đường
Nhiều học sinh vẫn còn "chê" phòng tư vấn tâm lý ở trường

Ví dụ, có khi chỉ từ bình luận cười đùa trên mạng xã hội và bị hiểu lầm, nhiều em bị các bạn trong lớp làm phiền, đe dọa, bắt nạt hàng ngày. Từng có học sinh tha thiết đề nghị: “Em cảm thấy lúc nào các bạn ấy cũng có thể làm phiền em và làm ảnh hưởng đến nhiều bạn trong lớp. Em muốn xin cô giải quyết nhanh nhất có thể vì em không muốn nói chuyện này cho phụ huynh nghe”.

“Nhiều kiểu tình huống không giống nhau, giáo viên không thể áp dụng công thức chung để hỗ trợ được. Và thực chất, nhu cầu phía sau mỗi hành vi của học sinh đều khác nhau, cần giáo viên theo sát hỗ trợ. Chỉ khi thầy cô tạo được niềm tin với các em thì các em mới tìm đến chia sẻ, nếu không các em sẽ tự tìm cách giải quyết” - cô Lê Thị Bích Hạnh chia sẻ.

Là nạn nhân của bắt nạt học đường, luôn bị các bạn trong lớp gây sự và tìm cách lôi kéo bạn bè trong lớp cùng cô lập, Tuấn Hùng - học sinh một trường THPT tại quận 8 - chọn cách lên mạng xã hội để nhờ can thiệp. “Hiện, mình đang rất suy sụp, bị giày vò rất nhiều. Mình muốn hỏi rằng khi là nạn nhân của bắt nạt học đường thì nên làm gì?” - Hùng viết.

Vấn đề của Hùng không phải hiếm gặp tại các trường ở TPHCM hiện nay. Thời gian qua, các trường dành nhiều thời gian quan tâm công tác tư vấn tâm lý học đường, thế nhưng câu chuyện học sinh… “chê” phòng tư vấn tâm lý vẫn đang tồn tại.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 cho biết, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp để đưa phòng tư vấn tâm lý học đường đến gần với học sinh. Trong đó, trường đã ký hợp đồng với chuyên gia tư vấn tâm lý có chuyên môn, xây dựng chuỗi các chuyên đề theo tâm lý lứa tuổi, kết hợp tư vấn tâm lý trực tiếp và qua mạng xã hội để tạo sự gần gũi với các em. Đồng thời xây dựng các “chân rết” tại từng lớp học, giúp giáo viên nắm bắt vấn đề của học sinh để hỗ trợ các em kịp thời.

“Nhiều em chọn cách lên mạng để tìm sự trợ giúp thay vì tìm đến thầy cô ở trường. Đa phần các em vẫn rất e dè khi phải nói ra câu chuyện của mình cho giáo viên, vì sợ phụ huynh sẽ biết. Như vậy, nhà trường phải đưa ra nhiều giải pháp cũng như phải kiên trì hơn nữa” -  vị hiệu trưởng nói.

Nhiều nơi còn tổ chức tư vấn theo kiểu chuyên đề

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - người sáng lập Trung tâm Ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên - mặc dù hoạt động truyền thông tư vấn tâm lý thời gian qua được các trường đẩy mạnh, nhiều trường thành lập phòng tư vấn tâm lý, song thực tế vai trò của công tác này chưa được phát huy. Chưa kể, nhiều phòng tâm lý mở ra chỉ để… làm cảnh. Nhiều học sinh khi gặp vấn đề vẫn chưa biết phải nói với ai, nhờ trợ giúp ở đâu. 

“Việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng chống bạo lực học đường đa phần mới chỉ được gói gọn trong 30-45 phút chào cờ, nhiều trường chỉ thực hiện mỗi năm 1 lần nên không đạt hiệu quả. Các trường còn nhầm lẫn giữa khái niệm tư vấn/tham vấn tâm lý; truyền thông/báo cáo chuyên đề; tập huấn, giảng dạy, giáo dục kỹ năng sống khiến nhiều học sinh, giáo viên nghĩ rằng chỉ cần mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề là tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng. Chưa kể, chuyên đề không do chuyên môn tâm lý, giáo dục đảm trách nên hoạt động kém hiệu quả. Bản thân người dạy kỹ năng sống yếu kém về chuyên môn, thiếu kỹ năng, trải nghiệm... nên không giải quyết rốt ráo những thắc mắc thực tiễn, cần thiết và cấp bách của học sinh” - thạc sĩ Lê Minh Huân phân tích. 

Giải pháp hữu hiệu hơn cả là trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Giải pháp hữu hiệu hơn cả là trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Thạc sĩ Lê Minh Huân khuyên, giải pháp hữu hiệu hơn cả là trang bị cho trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng chống bạo lực, xâm hại một cách bài bản, để khi gặp tình huống xấu trẻ có thể ứng phó hiệu quả, giảm thiểu các tổn thương cho bản thân và người khác.

Khi là nạn nhân của bạo lực học đường, học sinh không nên im lặng, bởi sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị bắt nạt nhiều lần sau đó và lan rộng đến các đối tượng yếu thế khác. Các em cần mạnh dạn trao đổi với người lớn và với giáo viên chủ nhiệm. 

“Để kịp thời phát hiện học sinh bị bắt nạt, mỗi thành viên trong trường cần có trách nhiệm giám sát, quan tâm, nắm bắt các tình huống bất thường, hành vi kém lành mạnh của học sinh và các nhóm đối tượng tạo ảnh hưởng xấu đến học sinh khu vực gần trường. Mỗi học sinh cũng cần lưu tâm đến bạn bè, nếu thấy bạn mình có các dấu hiệu bất thường như: sợ hãi, lo lắng, đề phòng thái quá với những việc thường ngày hoặc có những tổn thương thân thể, sự biến đổi tâm lý khác ngày thường thì cần hỏi ý kiến giáo viên, ban giám hiệu để có hướng xử lý phù hợp” - chuyên gia này khuyên. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI