Vì sao học sinh “bí” giao tiếp tiếng Anh?

09/11/2020 - 07:25

PNO - Vì sao sau học tiếng Anh ở phổ thông, nhiều học sinh vẫn không giao tiếp được bằng tiếng Anh? Thầy cô dạy tiếng Anh không tự tin giao tiếp tiếng Anh?

Từ năm học này, học sinh lớp Một bắt đầu học tiếng Anh như môn học bắt buộc trong chương trình mới. Tuy nhiên, ngay cả với những cuốn sách mới, cộng thêm tình hình dạy và thi không thay đổi, các nhà giáo dục lo ngại lứa học sinh này rồi sẽ đi vào vết xe đổ như các thế hệ trước là không giao tiếp được tiếng Anh.

Vì sao sau những năm tháng học tiếng Anh ở phổ thông, nhiều học sinh vẫn không giao tiếp được bằng tiếng Anh? Các thầy cô dạy tiếng Anh, ngoài những năm học tiếng Anh phổ thông cộng thêm bốn năm học tiếng Anh chuyên ngành, vẫn không tự tin giao tiếp tiếng Anh?

Học sinh cần môi trường giao tiếp tiếng Anh để thuần thục kỹ năng nghe - nói
Học sinh cần môi trường giao tiếp tiếng Anh để thuần thục kỹ năng nghe - nói

Xin kể ba câu chuyện sau phần nào giải đáp các câu hỏi trên.

Chuyện thứ nhất: Trong thời gian làm chuyên viên tiếng Anh tiểu học của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tôi được cấp trên yêu cầu đi dự giờ tiếng Anh lớp Sáu tại một trường trung học cơ sở của thành phố. Lý do: cấp trên nhận được phàn nàn từ hiệu trưởng của ngôi trường ấy rằng “chẳng biết năm năm ở tiểu học dạy tiếng Anh kiểu gì, mà lên lớp Sáu, hỏi gì cũng không biết”. 

Tôi đến dự cùng với chị S., chuyên viên tiếng Anh của phòng giáo dục và đào tạo quận nơi quản lý ngôi trường ấy. Sau buổi dự giờ, tôi báo cáo cấp trên, học sinh tiểu học từ lớp Năm lên lớp Sáu, được dạy tiếng Anh như thế thì hỏi gì không biết là chính xác. Thầy giáo đó đã dạy tiếng Anh theo hướng tiếp cận: đưa công thức, rồi ghép từ vào và dịch theo công thức. Trong khi đó, học sinh từ lớp Một đến lớp Năm học tiếng Anh tăng cường những năm ấy được dạy theo hướng tiếp cận ngữ cảnh, và từ đó rút ra cách sử dụng.

Chuyện thứ hai: Những năm tháng đầu tiên khi đến Mỹ học, tôi đã từng rơi vào tình cảnh: nói tiếng Anh nhưng tiếng Anh của tôi không tự nhiên. Các bạn Mỹ nói với tôi rằng: “Tôi hiểu bạn nói gì nhưng chúng tôi không nói như thế”.

Đó là lý do vừa rồi cộng đồng mạng cãi nhau về một câu chào hỏi: “Hello, I am Miss Hiền” trong sách Tiếng Anh 1 của tác giả Hoàng Văn Vân. Vì nếu có “Miss”, thì theo cách nói của người Mỹ, sau chữ “Miss” phải là một tên họ (last name).

Chuyện thứ ba: Quan sát các bạn nhỏ trong xóm học tiếng Anh, tôi thấy các bạn ấy học theo kiểu học thuộc lòng một bảng cửu chương. Ví dụ, các bạn ấy đọc ra rả: những từ tận cùng bằng “t” và “d” khi thêm “ed” sẽ đọc thành “it” (/id/).

Với những câu chuyện trên ta thấy: đặc trưng bộ môn tiếng Anh đã không được xem trọng. Đặc trưng của việc dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường, theo tôi, theo nghĩa hẹp là: hình thành khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.

Thế thì tại sao ta lại dạy học sinh theo cách ta dạy hóa, dạy toán: học thuộc lòng công thức, tìm những dấu hiệu rồi ráp công thức, chia thì quá khứ, hiện tại hay tương lai… Và thế là học sinh học vẹt, làm bài tập ngữ pháp nhoay nhoáy, nhưng vẫn không thể hiểu được khi nào, ở đâu, với ai, ta cần chia thì gì… Mà cuộc sống thì muôn màu, không phải lúc nào có “yesterday” cũng chia ở thì quá khứ!

Đặc trưng của môn tiếng Anh là trang bị cho học sinh kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với ai? Chắc chắn không phải với người Việt mà phải là bạn bè trên thế giới. Trang bị kỹ năng tiếng Anh để học sinh tiếp cận với kho tàng tri thức phong phú được lưu giữ bằng tiếng Anh… Thế nhưng, chúng ta lại chỉ cho phép học sinh Việt Nam được học sách tiếng Anh do người Việt biên soạn. Ngôn ngữ và văn hóa là hai phạm trù không thể tách rời. Học sinh cần học tiếng Anh theo cái cách người Anh nói, người Anh suy nghĩ. 

Khi chúng ta học tiếng Anh theo sách người Việt biên soạn, chúng ta tước đi quyền được hiểu về văn hóa của một nước khác. Chúng ta tước đi quyền được khám phá, được học những cách nói mà chỉ có những ai sinh ra, lớn lên ở xứ sở ấy, uống nước của dòng sông ấy mới nói thế thôi. Cuối cùng, chúng ta tước đi quyền được sử dụng một thứ tiếng Anh hoàn hảo để giới thiệu về Việt Nam của học sinh chúng ta. 

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh 
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Hoàn 10-11-2020 15:45:12

    Môn học tiếng anh của học sinh Việt Nam tại trường phổ thông không hiệu quả nếu như không muốn nói là không có kết quả: tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đều phải đi học thêm ngoài môn tiếng anh, học ở trường chỉ là học phụ, học ngoài trường mới là học chính thức. sự thật đáng buồn cho chương trình tiếng anh trong trường phổ thông tại Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI