|
Các sạp giày dép ở An Đông Plaza bày bán rất nhiều sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng - Ảnh: Thanh Hoa |
Vừa bán hàng nhái, vừa đối phó
9g sáng 30/11, Ban quản lý trung tâm dịch vụ An Đông Plaza (quận 5) phát loa nhắc nhở tiểu thương niêm yết giá hàng hóa, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhưng có vẻ như với tiểu thương, việc này chỉ có ý nghĩa thủ tục. Ở tầng trệt của trung tâm này, nhiều sạp vẫn bày bán các sản phẩm nhái nhãn hiệu nổi tiếng.
Tại sạp T., giày dép nhãn hiệu Adidas, Nike, Polo được để xen kẽ những sản phẩm không nhãn hiệu khác. Một số sản phẩm có niêm yết giá nhưng giá bán thực tế lại khác. Nhân viên sạp này đon đả: “Chị cứ lựa mẫu, cỡ, em vô trong lấy hàng cho. Không dám bày ra nhiều vì sợ quản lý thị trường (QLTT) thấy. Cửa hàng niêm yết giá tượng trưng để QLTT biết thôi, còn giá bán linh động tùy mặt hàng. Đôi giày này không có nhãn mác, em niêm yết giá 200.000 đồng/đôi cho giống hàng chợ chứ thực tế, nó được làm từ chất liệu cao cấp của Trung Quốc, giá 350.000 đồng/đôi. Đôi giày Nike cho trẻ em này có giá thực tế 450.000 đồng/đôi nhưng giá niêm yết là 950.000 đồng”.
Sạp P.T. gần đó cũng trưng bày giày, dép, nón, kính nhái nhãn hiệu Chanel, Gucci, Louis Vuitton xen kẽ với sản phẩm không nhãn mác. Nhân viên cho biết, chỉ trưng bày một số ít, còn khách muốn lấy sỉ bao nhiêu cũng có. Đây là hàng nhái cao cấp, giống hàng thật gần 90% nên giá khá cao so với một số sạp khác. 1 đôi giày sandal hiệu Chanel giá 1,5 triệu đồng/đôi, dép 900.000 đồng/đôi, nón Louis Vuitton 250.000 đồng/cái.
Chợ Bến Thành (quận 1) cũng là “thiên đường” để giới trẻ “săn” hàng hiệu giá rẻ bởi hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng nào cũng có. Chủ sạp D. mời chúng tôi mua ba lô, túi xách, mắt kính nhái nhãn hiệu Michael Kors, Dior, Louis Vuitton, Hermès, Coach, Prada, Valentino, Marc Jacobs, Chloé với giá rất rẻ dù giá niêm yết khá cao. Ba lô da được niêm yết 2 triệu đồng nhưng giá bán chỉ 650.000 đồng/sản phẩm, được giảm còn 500.000 đồng/sản phẩm; mắt kính được niêm yết giá 1,2 triệu đồng nhưng được bán đồng giá 250.000 đồng/sản phẩm; túi xách được niêm yết giá 1,7 triệu đồng nhưng giá bán chỉ 1,1 triệu đồng/sản phẩm.
Chủ sạp D. nói: “Chị đang có nhiều túi xách Louis Vuitton, Gucci, Chanel nhưng phải đợi đến đầu giờ chiều mới dám bày ra bán vì sợ bị kiểm tra. QLTT thấy sạp nào bày bán sản phẩm nhái 3 nhãn hiệu này là phạt. Họ kiểm tra từng đợt theo từng nhãn hiệu hay sao đó, chị không rõ”.
Trước đây, các sạp trong trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1) đều có số sạp, tên sạp nhưng hiện nay không có. Đây là cách mà thương nhân né sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Khi ghé 1 sạp chuyên bán quần áo thời trang, chúng tôi thấy lượng sản phẩm được trưng bày khá ít so với mọi khi, chủ yếu sản phẩm mang thương hiệu lạ. Thế nhưng, nhân viên giới thiệu hàng chục nhãn hiệu nổi tiếng quen thuộc như Burberry, Ralph Lauren, Topman, Lacoste, CK, Louis Vuitton, Gucci, Nike, Adidas…
Khi chúng tôi hỏi mua sản phẩm, nhân viên sang sạp khác lấy hàng. Nhân viên sạp này nói: “Mấy hôm nay, các sạp bán sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng đều đóng cửa hoặc chỉ dám trưng bày sản phẩm thường với số lượng rất ít. Bọn em phải vừa bán, vừa canh”.
Các sạp chuyên kinh doanh giày, túi xách, đồng hồ, mắt kính cũng đóng cửa hoặc chỉ bày bán sản phẩm dành cho trẻ em. Một số sạp chỉ mở hé cửa đủ cho khách bước vào, thậm chí có sạp mở hé cửa nhưng vẫn để sẵn ổ khóa và luôn có người ngồi cạnh đó, nếu lực lượng chức năng đến thì bóp khóa. Theo 1 nhân viên, các sạp này kinh doanh hàng “super fake” và “fake 1” (hàng nhái cao cấp, gần giống với hàng chính hãng, có giá rất cao, nếu bị kiểm tra và tịch thu hàng, chủ sạp sẽ lỗ nặng).
Hàng nhái vẫn bán chạy
|
Tất cả sạp tại Sài Gòn Square đều gỡ số sạp, tên sạp; nhiều cửa hàng chỉ dám hé mở cửa để tránh lực lượng chức năng kiểm tra - Ảnh: Thanh Hoa |
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ người Việt mua dùng, mua gửi cho người thân ở nước ngoài mà du khách nước ngoài cũng mê hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng.
Khi chúng tôi ghé 1 sạp giày dép ở An Đông Plaza, 1 nhóm người đang ngồi chồm hổm trên sàn lựa từng đôi dép. 1 khách nữ vừa lựa dép, vừa gọi video cho người thân bên Mỹ để giới thiệu một số đôi dép hiệu Adidas, Nike có giá 120.000 đồng/đôi.
Sau cuộc gọi chớp nhoáng, vị khách nữ này mua 10 đôi dép dành cho nam và nữ rồi tiếp tục ghé vào 1 sạp mắt kính, lựa mua các sản phẩm nhái nhãn hiệu nổi tiếng.
“Rất nhiều người mua hàng nhái gửi cho người thân ở nước ngoài. Nếu là đồ ăn thì họ chọn mua hàng Việt Nam, còn quần áo, giày dép, mắt kính, nước hoa thì họ chọn hàng nhái do giá rẻ, mẫu mã đẹp, người mặc bên đó cũng thể hiện được đẳng cấp” - 1 chủ sạp ở An Đông Plaza nói.
Tại sạp V. trong chợ Bến Thành, chúng tôi thấy 1 nhóm khách người Mexico đang hỏi mua ví nam hiệu Coach, nhân viên bán hàng bấm máy tính ghi con số 300.000 đồng. Vị khách nam lắc đầu tỏ ý chê đắt, nhân viên liền bấm số 250.000 đồng. Người nữ đi cùng tỏ vẻ thích các túi xách hiệu Dior, Louis Vuitton có giá 750.000 đồng/cái. Cặp đôi này vui vẻ mua 2 sản phẩm rồi rời đi.
Tại sạp chuyên giày dép B.T. trong chợ Bến Thành, 1 khách người Mỹ đang chờ tính tiền đôi giày thể thao nhãn hiệu Nike giá 850.000 đồng/đôi, dép quai hiệu Nike giá 180.000 đồng/đôi, ví nam hiệu Tommy Hilfiger và ba lô hiệu The North Face đồng giá 250.000 đồng/cái. Theo nhân viên bán hàng, vị khách này vừa đến Việt Nam du lịch, không mang theo nhiều hành lý mà đi tới đâu thì mua đồ ở nước đó.
Cũng ở sạp này, nhiều du khách nữ đứng lựa mua dép hiệu Dior, Chanel, Louis Vuitton, Hermès với giá từ 250.000-350.000 đồng/đôi. Tại sạp D. gần đó, 1 khách nữ người Mexico mua 4 cặp mắt kính hiệu Chanel, Gucci với giá chỉ 250.000 đồng/cặp.
Chủ sạp B.T. nói: “Dù biết là hàng nhái nhưng khách nước ngoài vẫn chuộng mua bởi giá rẻ, hợp thời trang. Giày dép, túi xách do Việt Nam sản xuất theo hình thức công nghiệp không bán được trong chợ này do giá cao, mẫu mã không đẹp, không đa dạng bằng. Nhiều sản phẩm thương hiệu Việt có giá tiền triệu nhưng xài không bền hoặc đi không êm chân bằng hàng nhái do người Trung Quốc sản xuất. Hàng Việt được du khách chọn mua chủ yếu là đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm”.
Điều đáng buồn là một số sản phẩm túi xách làm bằng mây, tre, cói do Việt Nam sản xuất cũng phải in lên đó các logo hoặc tên nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới. Chỉ tay về phía 1 vị khách người Anh đang cầm mớ túi bằng mây, cói, chủ 1 sạp kinh doanh hàng lưu niệm nói: “Chị khách này mua 10 túi cói, 10 túi vải làm quà tặng. Túi nào có in chữ Chanel, Louis Vuitton là chị ấy mua hết. Do thị hiếu của khách nên các sạp phải đặt nhà sản xuất in chữ nhái nhãn hiệu lên sản phẩm”.
Ở Sài Gòn Square, không chỉ có khách Việt, khách Tây mà nhiều khách Hàn Quốc cũng đến mua hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng. Không ít chủ sạp kiêm nhân viên ở trung tâm thương mại này là người Hàn Quốc nhưng nhờ người Việt đứng tên trên các hợp đồng và giấy tờ liên quan. Họ thường kinh doanh các loại giày nhái theo mẫu mã mà các ngôi sao hàng đầu trong làng giải trí Hàn Quốc đang dùng, nhiều loại được thiết kế riêng, giá từ 2-3,5 triệu đồng/đôi, có khi 5 triệu đồng/đôi.
Hàng Việt cạnh tranh không lại
Anh Nguyễn Phú Lập - người sáng lập thương hiệu giày da, túi xách da Bi Long - cho biết, trước đây, cơ sở của anh từng nhận sản xuất giày, túi xách bỏ sỉ cho tiểu thương chợ Bến Thành để bán cho khách nước ngoài. Nhưng được vài năm, khi hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng tràn về chợ, đơn đặt hàng ít dần rồi mất hẳn.
|
Hơn 1.200 đồng hồ nhái hàng hiệu bày bán tại các shop trên đường 3/2 được tạm giữ |
Anh ngao ngán: “Giá 1 đôi giày boot nữ cao tới đầu gối, được gắn nhãn hiệu nổi tiếng chỉ 300.000 đồng, trong khi giá sản phẩm do Bi Long sản xuất rẻ nhất là 650.000 đồng/đôi, có đôi hơn 1 triệu đồng nên không thể cạnh tranh nổi. Đó là chưa kể, hàng Trung Quốc có mẫu mã rất đa dạng. 1 cơ sở có thể sao chép, đưa ra thị trường vài trăm mẫu chỉ trong 1 tháng, tiểu thương đặt là có hàng trong vòng 3-7 ngày. Nhiều bạn trẻ mua xài 1-2 lần rồi thay mới để thể hiện đẳng cấp nên sản phẩm nhái luôn có đất sống”.
Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang trẻ em Veco - cho rằng, muốn xây dựng 1 thương hiệu Việt, phải mất 2-3 năm và doanh nghiệp phải có chiến lược tiếp thị trực tiếp, trực tuyến, tốn kém nhiều chi phí, đồng thời phải mở chuỗi cửa hàng riêng hoặc chỉ xuất khẩu.
Ông nhẩm tính, khi nhập số lượng lớn, 1 cái áo nhái nhãn hiệu Adidas có giá chỉ từ 70.000-100.000 đồng, bán lại 300.000 đồng thì lợi nhuận rất cao. Nếu là hàng nhái cao cấp, lợi nhuận còn khủng khiếp hơn. Trong khi đó, nếu kinh doanh mặt hàng do Việt Nam sản xuất, lợi nhuận cao lắm cũng chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm.
Theo ông, giá hàng nhái rẻ hơn không phải do chất liệu tệ hơn mà do nhà sản xuất giảm được nhiều loại chi phí, còn để làm ra hàng thật, nhà sản xuất phải tốn chi phí thiết kế, sản xuất, quản lý, mở cửa hàng, nhân viên, tiếp thị, quảng cáo… Làm hàng nhái chỉ tốn chi phí sản xuất nên dù bán giá rẻ, vẫn lãi đậm.
“Do lợi nhuận cao nên tiểu thương biết bán hàng nhái là phạm pháp nhưng vẫn bất chấp. Một bộ phận tiểu thương còn hiểu lơ mơ, thậm chí không hiểu luật pháp. Doanh nghiệp chúng tôi từng phát hiện 1 cơ sở gắn nhãn Veco lên các sản phẩm rồi bỏ mối cho tiểu thương chợ sỉ. Chúng tôi gửi thông báo thì cơ sở này xin lỗi, nói không biết đó là phạm pháp nên chúng tôi đành bỏ qua. Ở nước ngoài, người ta phạt rất nặng hành vi làm giả, làm nhái nhãn hiệu. Quy định xử phạt của Việt Nam cũng không nhẹ, nhưng do người Việt hay đổ thừa không biết nên việc xử lý không tới nơi, dẫn đến tình trạng lờn thuốc” - ông Hồ Đình Viên nhận định.
Ngày 1/11/2022, qua kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại trung tâm Sài Gòn Square, Cục QLTT TPHCM thu giữ gần 2.000 sản phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermès… được bán với giá chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Vào ngày 19/11, Đội QLTT số 5 (thuộc Cục QLTT TPHCM) phát hiện tại khu vực tầng trệt, trung tâm thương mại dịch vụ An Đông có 2.360 sản phẩm là túi xách, thắt lưng, mỹ phẩm… không có hóa đơn chứng từ. Đặc biệt là hàng hóa này có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng ngang nhiên “thách thức” cơ quan chức năng, Cục QLTT TPHCM đã từng kiến nghị UBND TPHCM đóng cửa Sài Gòn Square. |
Anh Trần Mi Đơ - Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại giày da An Thịnh - thông tin, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về làm đế cao su trộn trấu nên chỉ có dép đế trấu xuất khẩu là có giá rẻ hơn hàng Trung Quốc. Còn lại, các mặt hàng khác của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi về giá với hàng Trung Quốc do 80 - 90% nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc, trong khi nhà sản xuất Trung Quốc dùng nguyên liệu tại chỗ. Anh nói thêm, hoa hồng kinh doanh hàng Việt chỉ khoảng 25% nên tiểu thương cũng không chịu làm đại lý cho nhãn hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất.
Ông Châu Minh Thi - Giám đốc Công ty TNHH giày Triệu Phong, chuyên sản xuất giày dép thổ cẩm - kể, ông đã đi nhiều chợ, thuyết phục tiểu thương lấy sản phẩm của công ty nhưng không khả quan. Đa phần tiểu thương cho rằng sản phẩm mang thương hiệu Việt khó bán, lợi nhuận không cao bằng hàng nhái giá rẻ. Hiện chỉ mới có tiểu thương chợ An Đông chấp nhận bày bán sản phẩm của công ty ông, sức tiêu thụ khá tốt. Ông mong muốn phát triển sản phẩm ra chợ Bến Thành nhưng cần phải đào tạo kỹ năng bán hàng cho nhân viên.
|
Thu giữ nhiều quần áo, giày dép là hàng nhái tại Saigon Square |
Ông nhận định: “Sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đang thiếu nội dung để giới thiệu với khách hàng, nhất là khách nước ngoài. Nếu nhân viên bán hàng có ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức để nói về sự khác biệt của sản phẩm truyền thống với sản phẩm công nghiệp thì chắc chắn sản phẩm Việt sẽ có được lợi thế”.
Ông Trần Lê Phi Anh - nhà thiết kế thương hiệu giày Maschile - xác định, sẽ không đưa sản phẩm của công ty vào các chợ. Ông cho rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt không muốn đưa sản phẩm của mình vào nơi có quá nhiều hàng nhái, bởi nếu tiếp thị không khéo, sẽ dễ bị đánh đồng với hàng nhái.
Theo ông, điều quan trọng là phải xây dựng thương hiệu để không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng cảm thấy tự tin về đẳng cấp khi dùng sản phẩm Việt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động trong khâu thiết kế và có môi trường để quảng bá sản phẩm trực tiếp với du khách. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, mạnh tay xử phạt những nơi kinh doanh hàng nhái.
|
Hàng nhái, giả được thu giữ tại chợ An Đông |
Mạnh tay chống hàng giả sẽ tốt cho du lịch Theo lãnh đạo các công ty du lịch, lữ hành ở TPHCM, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa giúp tạo uy tín về điểm đến du lịch trong mắt du khách, nhất là khách quốc tế. Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour - cho hay, rất nhiều đoàn khách quốc tế đến TPHCM có nhu cầu mua sắm đặc sản địa phương, quà lưu niệm nhưng hàng hóa ở chợ Bến Thành, An Đông, trung tâm thương mại Sài Gòn Square… lại không đảm bảo về chất lượng, giá cả để công ty giới thiệu cho du khách. Do đó, khi dẫn khách đến những địa điểm này, hướng dẫn viên chỉ khuyến khích khách tham quan hơn là mua sắm. Nếu khách có nhu cầu mua sắm, hướng dẫn viên sẽ dẫn họ đến các trung tâm thương mại lớn như Parkson, Vincom, Saigon Centre… Khi khách muốn mua đặc sản vùng miền, hàng thủ công, mỹ nghệ, hướng dẫn viên sẽ đưa họ tới các siêu thị. Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM - cho rằng, TPHCM và các địa phương liên kết du lịch với TPHCM có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, gồm hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm có chất lượng rất tốt, không thua gì hàng ngoại. Nhưng hiện nay, những nhóm hàng này thường được sản xuất để xuất khẩu. Du khách cũng ngại chi phí cao khi mua hàng ở các trung tâm thương mại cao cấp. Các doanh nghiệp trong nước cũng chưa quan tâm việc quảng bá thương hiệu sản phẩm trong khi du khách quốc tế cũng rất muốn biết về các sản phẩm của Việt Nam. Theo bà, để nâng cao hình ảnh du lịch của TPHCM, cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngành du lịch cũng nên liên kết với các nhà sản xuất trong nước để giới thiệu cho du khách những điểm mua hàng đảm bảo chất lượng, có giá cả phù hợp. Quốc Thái |
Thanh Hoa