|
Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM hiện thiếu cả hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường và bí thư đảng ủy - Ảnh: P.T. |
Cả một nhiệm kỳ không có hiệu trưởng
Mới đây, Trường đại học (ĐH) Luật TPHCM tổ chức lễ công bố nghị quyết của Hội đồng trường về việc giao tiến sĩ Lê Trường Sơn - Phó hiệu trưởng - giữ vị trí Phụ trách nhà trường, thay cho ông Trần Hoàng Hải - Quyền hiệu trưởng - nghỉ hưu theo chế độ.
Đáng nói là từ năm 2018, khi giáo sư Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng nhà trường - nghỉ hưu, đến nay đã hơn 5 năm nhưng Trường ĐH Luật TPHCM vẫn chưa có hiệu trưởng mới. Suốt thời gian đó, ông Trần Hoàng Hải lần lượt được giao làm phó hiệu trưởng phụ trách rồi quyền hiệu trưởng nhưng vẫn không được bổ nhiệm hiệu trưởng.
Lý giải điều này, phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TPHCM - cho hay: thời gian qua, căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của trường và sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan quản lý, Đảng ủy, Hội đồng trường xét thấy các điều kiện tiêu chuẩn để kiện toàn hiệu trưởng chưa thực sự chín muồi. Hiện nay, cùng với việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng phụ trách mới, Đảng ủy, Hội đồng trường đang từng bước chuẩn bị các điều kiện để kiện toàn vị trí hiệu trưởng cũng như bộ máy ban giám hiệu.
Tương tự, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng trống ghế hiệu trưởng 3 năm nay sau khi ông Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng - chuyển sang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường vào năm 2020. Thời điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Bắc được giao đảm nhận phó hiệu trưởng phụ trách. Đến tháng 4/2023, Bộ Y tế lại giao ông Ngô Quốc Đạt - Phó hiệu trưởng - giữ vị trí phụ trách, điều hành thay ông Nguyễn Hoàng Bắc cho đến khi có hiệu trưởng mới.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tình hình nhân sự cũng rắc rối vì sau hơn 2 năm kể từ khi ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - về hưu, đến nay trường vẫn chưa có hiệu trưởng mới. Ở thời điểm ông Đỗ Văn Dũng chuẩn bị về hưu, Hội đồng trường có nghị quyết đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận ông Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy - làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, nghị quyết này không được Bộ GD-ĐT chấp thuận.
Sau đó, Hội đồng trường giao ông Nguyễn Trường Thịnh làm phụ trách trường. Đến tháng 5/2022, ông Lê Hiếu Giang - Phó hiệu trưởng - được giao phụ trách trường thay ông Nguyễn Trường Thịnh.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM khi hơn 3 năm qua trường này không có hiệu trưởng. Sau khi hiệu trưởng cũ nghỉ hưu từ năm 2020, ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng - được giao nhiệm vụ phụ trách trường, sau đó là quyền hiệu trưởng cho đến nay.
Thiếu “thuyền trưởng” sẽ gây nhiều hệ lụy
Cùng với việc khuyết hiệu trưởng, hiện nay đa phần các trường chưa kiện toàn được bộ máy ban giám hiệu, hội đồng trường. Theo ông Vũ Văn Nhiêm, với quy mô của Trường ĐH Luật TPHCM, ban giám hiệu cần có 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng. Tuy vậy, hiện ban giám hiệu nhà trường chỉ có 1 phó hiệu trưởng phụ trách và 1 phó hiệu trưởng.
Tương tự, Trường ĐH Y Dược TPHCM là nơi đào tạo ngành sức khỏe hàng đầu phía Nam, có quy mô lớn gồm nhiều phòng, khoa chức năng và 3 cơ sở bệnh viện trực thuộc, song ban giám hiệu chỉ có 1 hiệu trưởng phụ trách và 1 phó hiệu trưởng. Bộ máy nhân sự của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM còn thiếu hụt nghiêm trọng hơn khi trường khuyết cả 3 vị trí chủ chốt là hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường và bí thư đảng ủy.
Giáo sư Trần Văn Chứ - Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành nông nghiệp - lâm nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp - nhận định: hiệu trưởng đóng vai trò rất quan trọng là người điều hành công việc thường xuyên của nhà trường trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất về chuyên môn và học thuật.
Do đó, việc thiếu hụt vị trí “nóng” hiệu trưởng cũng như sự “khấp khểnh” của bộ máy lãnh đạo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và chiến lược phát triển của nhà trường. Có tình trạng thiếu người đứng đầu, rồi liên tục đổi người phụ trách gây “đứt gãy quyền lực”, ảnh hưởng các hoạt động của trường, dẫn đến sự mất ổn định.
Việc những cá nhân chỉ được bổ nhiệm phụ trách hoặc ủy quyền sẽ dẫn đến tâm lý chần chừ, chờ đợi của cán bộ quản lý các cấp cũng như của giảng viên. Vì không có hiệu trưởng nên gần như không ai chịu lắng nghe ai, không toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp chung.
Đồng quan điểm, giáo sư Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT - cũng cho rằng việc thiếu hụt vị trí “đầu tàu” sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển, chất lượng đào tạo, quyền lợi sinh viên. Chỉ khi được bổ nhiệm hiệu trưởng với nhiệm kỳ ổn định 5 năm thì cá nhân người lãnh đạo mới có thể dồn toàn lực xây dựng kế hoạch hành động, chiến lược phát triển.
Theo ông, hiện nay là giai đoạn “giao thời” thực hiện mô hình quản trị ĐH mới với hội đồng trường, cho nên cả cơ quan chủ quản lẫn các trường đều lúng túng. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có can thiệp giải quyết tạm thời trong thời gian chờ hoàn thiện theo đúng quy định. Có vướng mắc do quy định chung, cũng có vướng mắc do tình hình cụ thể của từng trường.
Các trường, các bộ chủ quản phải khẩn trương bắt tay vào tháo gỡ, vướng mắc ở đâu thì tìm cách tháo gỡ ở đó. Nếu cứ để “mặc kệ” như thời gian qua không chỉ ảnh hưởng uy tín của các trường mà còn tác động xấu đến chất lượng đào tạo.
Giáo sư Trần Văn Chứ - Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành nông nghiệp - lâm nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp: Hội đồng trường đang “có cũng như không” Theo quy định hiện nay, thẩm quyền chọn hiệu trưởng là của hội đồng trường, sau khi hội đồng trường thực hiện đầy đủ quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng thì trình bộ chủ quản để công nhận kết quả. Tuy vậy, thực tế các trường đang vướng mắc ở chỗ, nhiều trường khuyết vị trí chủ tịch hội đồng trường nên không thể bổ nhiệm được hiệu trưởng, hoặc có trường thì bí thư đảng ủy không phải là chủ tịch hội đồng trường dẫn đến thiếu sự thống nhất. Như vậy, muốn bổ nhiệm được hiệu trưởng trước tiên phải kiện toàn được hội đồng trường, có vị trí chủ tịch hội đồng trường. Bên cạnh đó, phải nhất thể hóa được vị trí bí thư đảng ủy với chủ tịch hội đồng trường. Hiện nay, rất nhiều trường bí thư đảng ủy vẫn là hiệu trưởng, dẫn đến sự không thống nhất giữa đảng ủy với hội đồng trường. Đồng thời, công tác quy hoạch cán bộ của một số trường còn yếu kém, nếu quy hoạch không chuẩn, uy tín không đảm bảo thì bầu không đạt. Vấn đề cơ bản vẫn là hiện nay hội đồng trường giữ vai trò lựa chọn hiệu trưởng nhưng lại không thực sự có quyền lực. Theo quy định thì hội đồng trường có đến mười mấy chức năng rất quan trọng, song thực tế chỉ mang tính hình thức. Chẳng hạn, hội đồng trường quyết định về ngân sách nhưng chủ yếu là xin kinh phí từ các bộ chủ quản. Điều này khác với các trường tư khi thành viên hội đồng trường là những người đóng góp tiền nên có vai trò quan trọng. Cho nên, từ khi có mô hình hội đồng trường đến nay thì đa phần các trường công lập có sự thiếu thống nhất trong quan hệ giữa bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Xuất phát từ việc không cho các trường tự chủ một cách thực chất, cho nên hiệu trưởng vẫn giữ vai trò quan trọng, giữ các quyền quyết định quan trọng đối với nhà trường, còn hội đồng trường mang tính hình thức, không có tiếng nói. Một số cơ quan quản lý trực tiếp (bộ, ngành) chưa muốn buông quyền quản lý để các trường ĐH được tự chủ, trong đó có việc quyết định nhân sự hiệu trưởng. Do đó, về lâu dài muốn các trường tự chủ thực sự thì phải giảm vai trò can thiệp quá sâu của cơ quan chủ quản, từ đó vai trò của hội đồng trường trở nên quan trọng, chủ động và thực quyền trong quyết định nhân sự. |
Minh Linh