Vì sao Hà Nội cứ mưa là ngập?

17/06/2022 - 06:22

PNO - Việc chống ngập ở TP. Hà Nội được cho là thụ động, chạy theo từng đợt mưa mà chưa có phương án vận hành hệ thống thoát nước phù hợp.

Theo đuôi các trận mưa

Ngày 29/5, nhiều con phố ở TP. Hà Nội biến thành sông sau trận mưa kéo dài. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm đó, nhân viên thoát nước đã có mặt ở các điểm ngập nặng để khơi thông cửa cống, lòng cống. Những ngày sau đó, trời có mưa to nhưng đường không còn bị ngập.

Cứ mưa là đường phố Hà Nội như biến thành sông (ảnh chụp ngày 29/5) - Ảnh: Bảo Khang
Cứ mưa là đường phố Hà Nội như biến thành sông (ảnh chụp ngày 29/5) - Ảnh: Bảo Khang

Ông Nguyễn Quang Long - nhà ở phố Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân - cho biết hàng chục năm nay, nơi ông ở “cứ mưa là ngập”, nhưng tình trạng ngập chỉ kéo dài trong nửa ngày, sau đó nước rút hết và dù có mưa to nữa, cũng không ngập trở lại: “Theo cư dân chúng tôi nhận định thì trận mưa đầu tiên bao giờ cũng ngập do cơ quan chức năng chưa làm việc. Khi xảy ra ngập rồi, nhân viên thoát nước mới tới mở cửa cống, khơi thông cống hoặc điều xe chuyên dụng tới hút nước. Dự báo thời tiết thì có sớm nhưng cơ quan chức năng không chủ động đón đầu những trận mưa lớn, vẫn để ngập xong mới vào cuộc”.

Thực tế, ngành thoát nước của TP. Hà Nội đang bị động trong việc chống ngập. Sau khi mưa tạnh tới hai ngày, khu vực Tứ Liên, quận Tây Hồ vẫn ngập sâu trong nước, phải đến khi Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đặt hai tổ máy hoạt động, nước mới được bơm hết ra khỏi khu dân cư. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, giáo sư - tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - nhận định: “Từ xưa đến nay, Hà Nội vẫn chống ngập theo kiểu ngập đâu xử lý đấy, chưa có phương án nào cụ thể. Người dân Hà Nội cũng chỉ biết nhà nào chống ngập nhà nấy mỗi khi có mưa lớn mà không biết kêu ai”. 

Theo ông, trước mắt, cần nghiên cứu kỹ xem vùng nào của Hà Nội dễ ngập, vùng nào ngập sâu và đưa ra giải pháp chống ngập phù hợp như dùng thiết bị gì, rút nước đi đâu, mỗi ngày rút bao nhiêu nước...

Khó chống ngập hiệu quả 

Ngay sau trận ngập nặng vào ngày 29/5, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội Võ Nguyên Phong đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, triển khai phương án xây dựng bể ngầm chứa nước mưa. Theo ông, TP. Hà Nội mới chỉ đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước theo quy hoạch đối với lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, còn lại chưa được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch (các khu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, các quận Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm).  

Tiến sĩ - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng về khách quan, nguyên nhân lớn nhất khiến TP. Hà Nội ngập là do biến đổi khí hậu, tức là có những trận mưa lớn vượt mức giới hạn của quy hoạch thoát nước.

Về chủ quan, việc xây dựng nhiều khu đô thị cộng với dân số tăng quá mức dự kiến của quy hoạch và việc lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng ảnh hưởng đến việc thoát nước của thành phố.

Nhằm giải quyết việc ngập úng ở nội thành và phụ cận, ông Võ Nguyên Phong đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị thoát nước, các công ty thủy lợi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài. Chẳng hạn, đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước, các hầm chứa nước ở nơi trũng thấp, nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực bắc sông Hồng…

Về các phương án trên, giáo sư - tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ khẳng định, việc triển khai thực hiện rất khó do lỗi trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị: “Trong quá trình xây dựng thành phố, người ta phải tính trước đến hạ tầng dành cho cây xanh, giao thông, thoát nước. Với kiểu quy hoạch và xây dựng chắp vá từ xưa đến nay thì việc xảy ra ngập úng là điều dễ hiểu”.

Theo ông, phương án chống ngập cần được nghiên cứu kỹ, có cơ sở khoa học và phải công khai, minh bạch. Ông cho rằng, phương án xã hội hóa ngành thoát nước khó khả thi. Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, người dân sẽ lựa chọn theo hướng “dùng nhiều trả tiền nhiều, dùng ít trả tiền ít”, còn ở lĩnh vực thoát nước, nguồn thu sẽ không đủ bù chi. 

“Không thể cứ khi ngập thì đến đo xem nhà này ngập sâu bao nhiêu, cần bơm bao lâu để thoát hết nước rồi thu tiền. Cũng không thể thu đồng giá bởi nhà ngập ít sẽ không muốn đóng tiền như nhà ngập sâu và nhà không bị ngập thì càng không muốn đóng tiền” - giáo sư - tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ phân tích. 

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI