Vì sao đường sách Vũng Tàu mãi chưa 'thoát ế'?

07/11/2019 - 14:30

PNO - Sau gần hai năm hoạt động, đến nay, đường sách Vũng Tàu vẫn đang trong tình trạng ế ẩm và rất khó khăn trong việc kéo khách đến với không gian mang tính văn hóa này.

Đây là một điều hoàn toàn đáng tiếc, bởi thật khó tìm được địa điểm đọc sách nào đẹp hơn thế ở một thành phố biển.

Đường sách Vũng Tàu - đẹp mà vẫn ế?

Đường sách Vũng Tàu có diện tích gần 1.903m2, nằm ở vị trí gần công viên Quang Trung, trên đường Bacu, thuộc phường 1, TP.Vũng Tàu. Thời gian đầu hoạt động, đường sách Vũng Tàu gồm chín gian hàng nhỏ (30m²/gian), hai gian hàng lớn (70m²/gian), sáu gian hàng văn phòng phẩm, hai khu cà phê sách. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có hiệu sách của nhà xuất bản (NXB) Trẻ và NXB Kim Đồng còn hoạt động, các hiệu sách khác đã chuyển thành cà phê sách, một gian hàng thư pháp, một khu vực vui chơi cho trẻ em, ba gian hàng đồ lưu niệm, một phòng tranh. Đây cũng là sự cố gắng của các chủ gian hàng và Ban quản lý đường sách Vũng Tàu, bởi doanh thu từ sách không đủ để trang trải tất cả chi phí. 

Vi sao duong sach Vung Tau mai chua 'thoat e'?
Các gian hàng ở đường sách Vũng Tàu thưa thớt khách qua lại

Nhận thấy tình trạng ngày càng vắng vẻ của đường sách sau dịp khai trương, UBND TP.Vũng Tàu và các ngành chức năng đã từng có quyết định tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực, nhằm hạn chế lưu thông các loại phương tiện trên tuyến đường này, từng bước xây dựng nơi đây thành khu vực dành cho người đi bộ, giúp người dân và du khách thuận tiện tham quan, thưởng thức nét văn hóa, vui chơi giải trí, mua sách và đọc sách tại đường sách Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi phân luồng, lượng xe lưu thông ở khu vực này trở nên thưa thớt hẳn. Chính quyền từng đặt biển cấm xe làm phố đi bộ, nhưng sau đó hầu như người dân địa phương không mấy ai qua lại trên tuyến đường này nữa. 

Theo phân tích của chị Song Khê (NXB Trẻ), thực trạng vắng khách ở đường sách Vũng Tàu có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Chẳng hạn không gian đường sách có cách thiết kế vô cùng bất hợp lý. Đường sách nằm trên đường Bacu, một đầu tiếp giáp đường Quang Trung (biển Bãi Trước), một đầu giáp đường Lê Lợi (công viên). Mỗi gian hàng có hai cửa, cửa chính hướng ra đường Bacu, cửa phụ quay ra công viên, trong khi dòng người lại chủ yếu đi từ công viên (cửa phụ) vào, thành ra người bán hàng quay lưng lại với khách.

Gần đây, các gian hàng bắt đầu điều chỉnh lại thiết kế để mở cửa đón đúng dòng khách. Tuy nhiên, vì là tự phát, thiếu thiết kế chuyên nghiệp nên những thứ từng đẹp đẽ đang dần cũ mòn, những thứ mới mọc ra tuy có nét riêng, nhưng chưa hòa nhịp với tổng thể. Lượt khách đến tham quan và mua sắm quá ít nên người bán không muốn đầu tư thêm, các gian hàng cũng thiếu hẳn sự cạnh tranh, ít nhân viên nên chẳng ai buồn dụng công trang trí.

Trong khi sân khấu của đường sách TP.HCM được bố trí giữa lòng đường sách, thì sân khấu đường sách Vũng Tàu lại được đặt ở một đầu công viên, xung quanh là bãi xe, khu vui chơi trẻ em, quán cà phê. Mỗi lần có sự kiện tại sân khấu là đám đông tụ hết về đây, bên trong đường sách đã vắng lại càng thêm vắng, chỉ các hàng giải khát gần sân khấu là đặc ken người.

Càng làm sự kiện tại sân khấu thì các gian hàng trong đường sách Vũng Tàu càng ế ẩm, nên chẳng còn ai tham gia nữa ngoại trừ NXB Trẻ. Ban quản lý đường sách Vũng Tàu rất hào phóng cho các đơn vị cả trong lẫn ngoài sử dụng sân khấu tổ chức sự kiện (dĩ nhiên có sàng lọc nội dung phù hợp với không gian đường sách) để thu hút người dân biết đến đường sách Vũng Tàu nhiều hơn. Nhưng tiếc là phần lớn khán giả dự xong vui vẻ ra về chứ không hề đi vào đường sách tham quan. 

Vi sao duong sach Vung Tau mai chua 'thoat e'?
"Phiên chợ kỳ bí" tổ chức cuối tháng Mười vừa rồi tại đường sách Vũng Tàu

Một lý do nữa khiến đường sách ít người biết tới, là do việc bố trí các gian hàng ở đây không thông minh như đường sách TP.HCM. Trong khi ở đường sách TP.HCM, khách muốn đến được nơi ăn uống phải đi qua các hiệu sách, thì ở đường sách Vũng Tàu, nổi bật ở hai đầu là những quán cà phê, nên khách cứ tấp vào giải khát và đu đưa cả buổi tại đây, mà không hề biết ở đoạn giữa có các hiệu sách. Dân địa phương khi cần nhắn gọi hẹn hò nhau, thì chỉ điểm “sân khấu ở công viên tam giác Bãi Trước” (vì rõ ràng đó là công viên chứ có thấy hiệu sách nào tại khu vực này đâu). Thậm chí nhiều du khách gọi taxi đến đường sách Vũng Tàu, thì chính tài xế (là người Vũng Tàu) còn ấm ớ hỏi lại: “Đường sách gì? Ở đâu? Hay là đường sắt? Vũng Tàu đâu có đường sắt!”.

Làm gì để “thoát ế”?

Ông Trương Quang Hòa, Trưởng ban quản lý Đường sách Vũng Tàu cho biết, từ tháng 9/2019, đường sách đã tổ chức chợ phiên sách định kỳ hằng tháng, kéo dài đến tháng 12/2019, nhằm tạo thêm không gian hưởng thụ văn hóa tinh thần và giới thiệu sách mới đến người đọc.

Theo đó, chợ phiên tháng Chín được mở vào các ngày 13, 14 và 15 với chủ đề "Phiên chợ mùa thu" gồm các hoạt động vui tết Trung thu như: thiết kế lồng đèn, biểu diễn văn nghệ, xiếc, ảo thuật, múa lân, múa rồng, rước đèn Trung thu, tặng 300 phần quà cho trẻ em nghèo, game show tìm hiểu sách... Chợ phiên tháng Mười là "Phiên chợ kỳ bí" diễn ra vào các ngày 25, 26, 27/10 có các hoạt động tương tự với chủ đề Halloween; tháng 11 vào 3 ngày: 15, 16 và 17/11 với chủ đề "Phiên chợ tri ân" được tổ chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, và tháng 12 sẽ rơi vào các ngày 20, 21, 22/12 với chủ đề "Phiên chợ mùa đông" chào đón Noel và tết dương lịch.

Qua những phiên chợ đã được tổ chức vào tháng Chín và tháng Mười vừa rồi, có thể thấy lượng khách đến đường sách Vũng Tàu đã tăng gấp ba ngày thường. Tuy nhiên, chưa kịp phấn khởi thì ban quản lý đường sách đã phải đối diện với sự thật là lượng khách bắt đầu vắng vẻ trở lại sau khi chợ phiên kết thúc.

Một vài ý kiến cho rằng để đường sách Vũng Tàu được nhiều người biết đến hơn, rất cần những hoạt động quảng bá hình ảnh của đường sách trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó cần phải chỉnh sửa những thiết kế chưa hợp lý, tăng chiếu sáng vào ban đêm. Trên các cẩm nang du lịch và chương trình của các tour du lịch Vũng Tàu cũng cần bổ sung địa chỉ đường sách như một điểm đến hay, đẹp, bổ ích. Ngoài ra, những bảng chỉ đường, những áp-phích có nội dung “Đường sách Vũng Tàu”, hay đơn giản là dựng thêm hai cổng chào ở hai đầu đường sách cũng là những cách làm khả thi, mà việc thực hiện đều nằm trong khả năng của ban quản lý đường sách cũng như chính quyền địa phương.

Chị Song Khê cũng cho biết: “Đường sách Vũng Tàu thực sự rất đáng yêu và đáng đến cho các gia đình có con nhỏ, các nhóm bạn trẻ và cả các bô lão nữa. Những hiệu sách ở đây cực kỳ thân thiện. Khách đọc rồi đi, có mua thì tốt, không mua cũng vui, chỉ cần đừng làm hỏng sách là được. Vài gian hàng như Sách 24h, NXB Trẻ... còn bày sách bên ngoài cho khách đọc miễn phí. Những ngày sau mùa thi hay lễ tết, thiếu nhi vào “đọc cọp” trong tiệm sách của NXB Trẻ và NXB Kim Đồng, các nhân viên đem ghế mời ngồi và mở quạt cho các bé được mát. Các anh bảo vệ cũng rất nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người, vì nhân viên trong đường sách toàn phụ nữ, cứ có việc gì cần leo trèo sửa chữa là lại ới các anh. Các trường mẫu giáo lân cận thường đưa các bé ra công viên Bãi Trước chơi và dạo một vòng đường sách như một chuyến dã ngoại...”. 

Một người dân sống ở khu vực gần đường sách Vũng Tàu tha thiết bày tỏ: “Mong là ban quản lý và chính quyền xem xét lại cách tổ chức cho hiệu quả hơn, có được một không gian tốt như vậy mà không phát huy được giá trị của đường sách thì thật đáng tiếc”. 

Trà Nguyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI