Những câu hỏi một lần nữa dội lên: Tại sao Đà Nẵng gần sông, sát biển, dân cư không đông, mưa không kinh hoàng như cảnh báo cấp độ 4 mà phải di dời 4.600 dân? Tròn 1 năm rồi, dân xã Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu - rốn lũ của thành phố - không muốn nghe trả lời nữa. Họ thốt lên: “Quá khổ rồi”.
|
QL1A đoạn đường Tôn Đức Thắng (gần Đại học Sư phạm Đà Nẵng) ngập sâu trên 0,5-0,7m - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Khi xảy ra mưa lớn, khoảng 48/57 xã, phường bị ngập lụt, có nơi ngập 100 - 150cm. Là một trong những chuyên gia thủy lợi nhiều năm qua đã lên tiếng về vấn đề thoát nước chưa hợp lý ở TP Đà Nẵng, tiến sĩ Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng - cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt ngày càng trầm trọng ở Đà Nẵng, nhưng có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các cửa xả của các trục thoát nước chính bị “thắt cổ chai”. Ví dụ, ở trạm bơm xả Ông Ích Khiêm, số bơm theo thiết kế là 7 cái với công suất 25m3/s nhưng hiện chỉ có 3 cái với công suất 10m3/s. Các hố thu nước dẫn ra các trạm bơm lại không đủ nước để bơm. Tương tự, một số trạm bơm ở các khu vực khác cũng không đủ số máy bơm và thiết kế các hố thu nước cũng chưa hợp lý.
Thứ hai, cũng là nguyên nhân cơ bản nhất - là trục tiêu thoát nước ở TP Đà Nẵng dẫn đi quá xa và nhiều lưu vực thoát nước chưa hợp lý. Ví dụ, trục thoát nước khu tượng đài 2/9, đường Núi Thành, đường 30/4, Phan Đăng Lưu không bố trí cửa xả ra sông Hàn (đoạn từ công viên Châu Á đến cầu Trần Thị Lý) mà lại dẫn ra đến cầu Trần Thị Lý để bơm chống ngập Đảo Xanh. Lưu vực thoát nước đường Hà Huy Tập tập trung lượng nước lớn, trong đó có một phần lưu vực sân bay Đà Nẵng, nhưng đường dẫn thoát nước lại đi một đoạn lòng vòng rồi dẫn ra sông Phú Lộc.
“Nếu mở thêm cửa xả từ giao lộ Hà Huy Tập ra biển thì hiệu quả thoát nước cho khu vực này sẽ được tăng lên rất nhiều” - tiến sĩ Lê Hùng nói.
Khi mưa lớn, đỉnh triều thấp nhưng mực nước sông Phú Lộc (chảy qua quận Thanh Khê và Liên Chiểu) vẫn dâng cao khiến việc thoát nước của các tuyến cống nối ra sông này bị hạn chế. Đó là do lưu vực để nước đổ về sông Phú Lộc quá rộng. Kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu) chịu lượng thoát nước lớn nhưng kích thước kênh bé, lại dẫn lòng vòng khiến mực nước trong kênh tăng nhanh, gây ngập ngược trở lại theo các cống thoát nước ra kênh này.
Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác - khách quan lẫn chủ quan - gây ngập lụt cho Đà Nẵng, như đô thị hóa nhanh, khớp nối hạ tầng chưa tốt, hệ thống thoát nước mưa và nước sinh hoạt chưa được phân tách riêng, người dân xả rác bừa bãi hoặc bịt các miệng cống…
Tiến sĩ Lê Hùng cho rằng, cần mở các cửa xả ra biển để tăng khả năng thoát nước cho sông Phú Lộc, đồng thời xem xét, đánh giá kỹ hạ tầng kỹ thuật các công trình thoát nước khi xây dựng mới; đánh giá lại hiện trạng và quy hoạch thoát nước, thoát lũ của thành phố, xem cần đầu tư thêm các công trình xây dựng nào theo từng giai đoạn; sớm xây dựng bản đồ ngập lụt đô thị ứng với các cấp rủi ro thiên tai. UBND thành phố cũng cần xây dựng bản đồ sơ tán dân và bản đồ chỉ dẫn các vị trí ngập sâu, tuyến giao thông không bị ngập để người dân thuận lợi trong di chuyển và ứng phó.
Ông Võ Tấn Hà - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho biết, tính hiện nay, thành phố có khoảng 9 điểm thường xuyên bị ngập kéo dài. Trong đó, 6 khu vực đang triển khai thi công các dự án chống ngập, 3 khu vực đang triển khai các thủ tục đầu tư. Để giải quyết tình trạng ngập úng, sở đã triển khai hàng loạt phương án trước mắt như khơi thông dòng chảy, chuẩn bị máy bơm di động để xử lý ngập úng cục bộ, hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất trước mỗi trận mưa, khảo sát toàn bộ hệ thống cống thoát nước và đề xuất phương án cải tạo phù hợp… Về lâu dài, sở sẽ cập nhật, điều chỉnh kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước TP Đà Nẵng ngay sau khi UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt, quy hoạch thoát nước thải.
Theo ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng - thời gian qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án thoát nước đô thị với kinh phí hơn 13.300 tỉ đồng. Sắp tới, Ban Đô thị sẽ làm việc với Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện để tìm hiểu kỹ các nguyên nhân cả cũ lẫn mới nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người từng tham gia quy hoạch đô thị cho TP Đà Nẵng - từng khuyến nghị, đừng tham lam xây dựng đô thị mà phải có không gian rừng từ núi tới đồng bằng để giữ nước, đồng thời bổ sung hồ điều tiết.
Chỉ khi nào chính quyền nghiêm khắc, rạch ròi, nhất quán rằng quy hoạch đô thị chính là dự án đô thị để có cái nhìn tổng thể, không cắt khúc, tách biệt như dự án địa ốc, may ra mới hết cảnh ngập lụt.
Lê Đình Dũng