Vì sao đưa hàng vào siêu thị ngày càng khó?

06/12/2021 - 13:05

PNO - Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở các tỉnh phản ánh, dù các siêu thị tại TPHCM cho biết luôn chào đón các sản phẩm đủ tiêu chuẩn nhưng thực sự, việc đưa được hàng vào siêu thị rất khó.

Doanh nghiệp ở tỉnh than khó 

Công ty TNHH MTV Ba Tre (Đồng Tháp) có nhiều năm mang sản phẩm (SP) cơm cháy gạo lứt, hạt sen, hạt dưa, hạt điều… chào hàng các nhà phân phối tại TPHCM qua các chương trình kết nối cung cầu giữa TPHCM với các địa phương. SP đạt các chứng nhận tiêu chuẩn cần thiết, tuy nhiên, mục tiêu đưa SP lên các kệ siêu thị của TPHCM vẫn chưa thành công. Các siêu thị chỉ dừng ở mức ghi nhận lại thông tin và hẹn sẽ liên hệ làm việc sau. 

Anh Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare - mang SP tương ớt lên men Chilica làm từ 100% ớt tươi, không sử dụng các chất tạo màu, tạo mùi hay tạo cay… chào các siêu thị. Dù SP đang được phân phối tại hơn 500 điểm bán và trên các sàn thương mại điện tử, nhưng vẫn chưa vào được siêu thị. 

Ngoài các điều kiện cao, các sản phẩm còn phải phù hợp với nhu cầu kinh doanh của siêu thị nữa mới có thể lên kệ - ẢNH: Q.THÁI
Ngoài các điều kiện cao, các sản phẩm còn phải phù hợp với nhu cầu kinh doanh của siêu thị nữa mới có thể lên kệ - Ảnh: Q.Thái

Ông Huỳnh Thanh Minh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình (An Giang) - thì cố gắng tìm cách đưa trái xoài keo và xoài Đài Loan trồng theo tiêu chuẩn Mỹ vào siêu thị nhưng chưa thành công dù đã xuất khẩu đến năm quốc gia khác nhau. 2.000ha xoài của hợp tác xã với sản lượng hằng năm từ 60.000 - 80.000 tấn có thể cung cấp cho siêu thị quanh năm nếu được chấp nhận. 

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đến từ Đắk Lắk, Bình Thuận, An Giang… với các SP mới, lạ như trà hoa đậu biếc, siro thanh long, trái cây sấy… càng gặp khó hơn do rất nhiều trong số đó chưa đáp ứng được những điều kiện cần thiết theo yêu cầu của các siêu thị.

Siêu thị có nhiều lựa chọn

Lấy trường hợp tương ớt lên men Chilica, bà Trương Tố Uyên - Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm mặn, Central Retail - cho biết hiện đang có rất nhiều SP tương ớt của các thương hiệu lớn đang bán tại hệ thống nên sự cạnh tranh khá cao. Trong khi doanh thu từ mặt hàng này không cao, phần lớn người tiêu dùng (NTD) thường chọn mua những SP quen dùng, vì vậy siêu thị rất cân nhắc đối với việc nhập thêm SP mới cùng chủng loại với những SP đang bán. 

“Đối với những SP có thị phần không cao, nhà cung cấp (NCC) phải chứng minh được khả năng có thể thuyết phục được NTD chịu mua SP. Khi có thể thấy được hiệu quả doanh số thì siêu thị mới có thể xem xét việc đưa SP lên kệ”, bà Uyên nói. 

Đại diện bộ phận mua hàng của Aeon Việt Nam cho hay, hiện đơn vị này đã xây dựng một website để hướng dẫn các DN muốn đưa hàng vào Aeon có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, kết nối đúng với người phụ trách ngành hàng. DN cần gửi toàn bộ hồ sơ, thông tin về DN, SP và Aeon sẽ xem xét hồ sơ của DN có đầy đủ các giấy tờ cần thiết, hợp lệ hay không… Trong vòng 14 ngày làm việc, Aeon sẽ liên hệ DN để xác nhận thông tin và đàm phán thêm về các điều khoản thương mại nếu SP đó phù hợp với nhu cầu kinh doanh của Aeon. 

Ông Trần Quang Huy - Phó Trưởng phòng mua hàng Vincommerce - cho biết hệ thống có chi nhánh khắp cả nước và luôn có nhu cầu liên kết với các NCC, đặc biệt là ở miền Tây để thu mua nông sản. “Ngoài yêu cầu NCC đảm bảo sản lượng cung ứng thì yêu cầu về tiêu chuẩn SP rất quan trọng. Có những SP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng chưa chắc thỏa điều kiện thu mua của hệ thống. Tiêu chuẩn, quy cách SP xuất khẩu khác tiêu chuẩn, quy cách SP tiêu thụ trong nước và cách làm việc giữa hai bên phải thống nhất”, ông Huy cho hay. 

Hiện nhiều siêu thị yêu cầu DN phải có bến bãi tập kết hàng để phân phối cho toàn hệ thống, điều này gây khó khăn lớn cho những DN vừa và nhỏ, cũng là một nguyên nhân khiến đường đến các kệ hàng của siêu thị càng gian nan. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI