Liên tiếp trong hai số báo, phát hành ngày 23/9 và 25/9, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã công bố loạt bài phản ảnh và điều tra về hoạt động tàn phá môi trường tại Vườn quốc gia Bà Nà và Tam Đảo của tập đoàn Sun Group. Đó là các bài Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo và Sun Group - “ông trời” không từ trên cao.
Các bài báo phản ảnh thực trạng những cánh rừng bị chiếm lĩnh, bị khai thác cạn kiệt, sự thiếu minh bạch về đánh giá tác động môi trường trong việc cấp phép đầu tư cho tập đoàn Sun Group.
Đặc biệt, các bài báo chứng minh mối quan hệ của những “liên minh ma quỷ”, ràng buộc lẫn nhau giữa nhà sư - chùa giả - doanh nghiệp - quyền lực đen. Còn có cả sự liên kết trục lợi từ niềm tin tín ngưỡng, làm lung lay giá trị văn hóa tâm linh, xúc phạm nặng nề đến người chân tu và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau khi các bài báo nói trên được xuất bản, lập tức trên diễn đàn công luận bùng nổ các ý kiến, những góc nhìn đánh giá khác nhau. Trong xã hội hiện nay, chuyện công luận đề cập đến những doanh nghiệp làm ăn thiếu lương tâm, vi phạm pháp luật, tham ô, hối lộ... không phải là chuyện mới, càng không phải là sự kiện “kinh thiên động địa”. Bởi, trong cộng đồng doanh nghiệp, có không ít doanh nghiệp làm ăn như thế. Nhưng vì sao sự kiện Báo Phụ Nữ TP.HCM đề cập đến những dấu hiệu bất minh và bất công trong việc phân bổ tài nguyên quốc gia cho Sun Group lại gây tác động lớn đến xã hội như vậy?
Không chỉ người làm báo, dư luận lâu nay vẫn nói về những “thế lực” kinh doanh thuộc nhóm “bất khả xâm phạm”, trong đó có tập đoàn Sun Group. Một thời gian dài, báo chí trong nước lặng im, làm ngơ hoặc phản ảnh không đến đầu đến đũa những dấu hiệu sai phạm của một số tập đoàn tư nhân, mặc nhiên xác nhận những “vùng cấm”. “Vùng cấm” ấy, là nỗi oan khiên của người dân mất đất, luật lệ bị vi phạm, hay lối ứng xử thiên vị của chính quyền đối với Sun Group và nhiều nhóm lợi ích khác.
Có lẽ vì thế, các bài báo dồn dập về Sun Group, cùng với nội dung và thái độ đủ mạnh của tờ báo mang tên Phụ Nữ, đã phá tan cái thành trì “bất khả xâm phạm” lâu nay.
Khi các bài báo ra lò, chúng tôi đã đọc được hàng trăm status - dòng trạng thái, hàng ngàn comment - bình luận, hay chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Trong đó có rất nhiều ý kiến của các nhà báo, nhất là những người từng đảm nhận những vị trí cao trong các cơ quan báo chí. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của các đồng nghiệp. Không chỉ là những nhận xét về nghiệp vụ, còn có thái độ chia sẻ với sự dũng cảm đương đầu của Phụ Nữ TP.HCM với một thế lực như Sun Group.
Nhà báo Hồ Thu Hồng - nguyên Phó tổng biên tập tờ Thể thao & Văn hóa - viết trên facebook cá nhân: “Báo Phụ Nữ TP.HCM đã quyết định dừng quảng cáo với Sun, chấp nhận đền 8% hợp đồng. Tôi thực sự đã rất lo lắng cho bạn Tổng biên tập. Gì chứ đụng đến cơm áo gạo tiền của anh em... thể theo hiện trạng, báo giàu báo nghèo nào giờ dám cắt nguồn sống, lại từ những siêu đại gia như Sun...
Nàng đã cười rất tươi mà rằng, làm gì có, quảng cáo không ràng buộc mình về nội dung bài vở, thế nên lâu nay tụi em chủ động không phụ thuộc vào quảng cáo. Tụi em nuôi nhau tốt và lần này, cả tòa soạn keo sơn đồng lòng "đói cho sạch"...
Cảm ơn em đã dạy chị bài học về lòng tự trọng nghề nghiệp và giữ được lòng tin rằng, những nhà báo tử tế còn đông lắm”.
Nguyên Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM - ông Trương Quang Vĩnh - treo dòng “trạng thái”: “Tôi vừa có bài góp ý với anh em báo Phụ Nữ TP.HCM để làm tốt hơn, nhưng nghe nói có “chiến dịch giải cứu Sun”, nên tôi tạm ẩn bài”.
Nhà báo Hoàng Hải Vân - nguyên Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên - viết một bài dài (ngay sau khi loạt bài đầu tiên xuất bản) với tít Về vụ Báo Phụ Nữ TP.HCM "độc quyền" táng anh sư và Sun Group. Ông viết: “… Vụ này đang khiến cho cõi mạng chia rẽ thành ba phe: phe ủng hộ, phe phản đối và phe tọa sơn quan hổ đấu, nhìn hai phe kia block nhau. Lão đang ngâm cứu bài một, đợi đọc hết loạt lão sẽ tham gia bình loạn”.
Nhận xét của nhà báo Hoàng Hải Vân quả đã tóm lược những gì xảy ra trên mạng xã hội những ngày qua. Rồi ông Vân nêu hai thắc mắc (chúng tôi xem là những nhắc nhở - NV) nghiệp vụ thuần túy về câu chữ và thái độ ứng xử của phóng viên khi đi lấy tư liệu hiện trường. Xin trích: “Thứ hai, chị phóng viên nhắc đi nhắc lại hành vi dâm ô đồi bại của anh sư đối với bản thân mình với thứ ngôn ngữ mà ngay cả đàn ông như lão đây cũng không dám viết tròn vành rõ chữ trên mặt báo. Lần đầu anh sư đòi "quan hệ" với chị, chị đã nói chị sợ rồi, nhưng lần thứ hai, đương đêm chị lại một mình cùng anh sư trên xe đi xem đất, trên xe anh sư lại đòi (không đòi mới lạ haha)”...
Ở chiều ngược lại, ông Nam Đồng - nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM - ngắn gọn: “Báo Phụ Nữ TP.HCM đã làm đúng và không có gì phải phê phán cả, trừ phi có ác ý!”.
Những ý kiến trên mạng xã hội thật phong phú, đa chiều về nội dung lẫn động cơ của người viết. Nghiệp vụ là phần công cụ chính yếu để hành nghề, vì vậy, những ý kiến chân thành hay ác ý đều có ích cho người cầm bút. Phần lớn lao hơn của nghiệp báo, là ước vọng nói lên tiếng nói của cộng đồng. Trong bối cảnh dường như có sự thao túng truyền thông từ một số tập đoàn kinh tế lớn, chắc chắn những bài báo “đụng đến Sun” cũng sẽ đụng đến những lợi ích hay quan điểm của ít hoặc nhiều người, không thể tránh khỏi.
Có lẽ vì thế, ngoài những góp ý nghiệp vụ, đâu đó còn những nhà báo, facebooker bêu rếu những chuyện đời tư cá nhân của phóng viên, tòa soạn Phụ Nữ. Những hành vi đó là sự bôi bẩn chính họ và là điều đáng tiếc không chỉ cho những người cầm bút.
Những ý kiến phản hồi của bạn đọc trên chính trang Phụ Nữ Online cũng đủ sắc màu.
Bạn đọc có tên K.Dũng viết: “Cảm ơn Báo Phụ Nữ TP.HCM đã chỉ ra thực trạng câu kết của nhóm lợi ích "đại gia bất động sản" và các cấp chính quyền xẻ thịt tài nguyên đất nước, băm nát rừng, biển, đất đai sông ngòi... gây ô nhiễm môi trường, triệt nguồn sống của dân, làm lụn bại đất nước. "Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc/ Rừng đã hết, biển thì đang chết/ Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa". Cứ nhìn những cảnh tượng đã và đang xảy ra khắp mọi miền đất nước mà xót xa thay”.
Bạn đọc Lê Phương viết: “Cảm ơn rất nhiều, nhóm phóng viên dám nói lên sự thật. Thời nay còn những phóng viên như các bạn, chúng tôi thực sự cảm phục và còn chút niềm tin ở cuộc đời này - vẫn còn có những người tử tế như các bạn. Chúc các bạn luôn chân cứng đá mềm và bình an may mắn”.
Một nhận định khác của bạn Le: “Bài viết này tôi đọc, chỉ thấy xoáy sâu và cố tìm những vấn đề gì là mặt trái thiển cận để tìm cách triệt hạ, lăng mạ những gì người ta có, người ta làm được, người ta phát triển cho các địa phương và đất nước. Thử hỏi, nếu không có các doanh nghiệp họ đầu tư, khai phá và phát triển kinh tế cho đất nước theo chủ trương thì chúng ta giờ này ra sao? Lương tri nhà văn, nhà báo của nhóm tác giả này đâu hết rồi? Hay các người được ăn tiền tài trợ của bọn phản động, phá hoại đất nước?”.
Ý kiến của bạn đọc Phương: “Tôi không đồng tình bài viết, vì thiếu khách quan. Nhiều tập đoàn tổ chức lừa đảo trắng trợn. Sun Group từ trước đến nay, cái mà họ làm được rất nhiều. Họ tìm cái mới, khai phá mới. Nếu Việt nam không có họ làm Ba Na thì chắc du lịch Việt Nam xuống đáy. Họ không cải tạo biển Quảng Ninh, Bãi Cháy thì giờ lấy đâu biển mà tắm... Tôi tin họ làm bài bản, còn nếu sai thì chỉ một số cá nhân, không thể đánh đồng vậy được”.
***
Dù sao, sự đa chiều thông tin, nhận định của dư luận xã hội từ các bài báo mà Phụ Nữ TP.HCM xới lên, đã phần nào cho thấy, xã hội càng có nhiều “vùng cấm” thì ẩn ức xã hội càng cao và chính sự thiếu minh bạch trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mảnh đất cho thế lực đen vươn vòi trục lợi. Các nhà kinh tế thường hay diễn đạt điều này bằng cụm từ “tư bản thân hữu” hay “tư bản hoang dã”.
Sự lên tiếng của công luận sẽ có thể khiến những cán bộ có chức quyền chùn tay trong việc cấu kết với những doanh nhân thiếu lương tri bòn rút công sản hay bán rẻ tài nguyên đất nước, phá hoại môi trường...
Và những bài báo vừa qua cho thấy một điều, những “vùng cấm” lâu nay chỉ là nỗi sợ hãi vô hình hoặc là sự ràng buộc của những hợp đồng truyền thông cho doanh nghiệp của chính các cơ quan báo chí.
Cũng cần nhắc lại là, cuối tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng ký, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó có chỉ ra nhiệm vụ tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên và quy định tiêu chí môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển; điều chỉnh cơ chế chấp thuận, quy trình, hình thức đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế.
Báo Phụ Nữ TP.HCM