Vì sao dự án cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn chậm tiến độ?

02/07/2018 - 08:41

PNO - Cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn là một trong sáu dự án trọng điểm của TP.HCM nhằm giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Năm 2017, đã hoàn thành hai trong tổng số ba nhánh cầu và đưa vào hoạt động

Riêng nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn dài 367,70m dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2018 nhưng đến nay vẫn “đứng hình” do vướng khâu đền bù, giải tỏa.

Họp hoài nhưng chưa nhất trí

Sáng 27/6, UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM lại tiếp tục có buổi họp, vận động người dân giao mặt bằng để thực hiện dự án, khi UBND TP.HCM điều chỉnh giá đền bù, sẽ bổ sung tiền sau, nhưng người dân không đồng ý. “Khi nào nhận đền bù đúng 100% giá đất, chúng tôi mới giao mặt bằng” - ông Trương Hoàng Lê, một người dân có nhà, đất trong diện bị giải tỏa, nói. 

Vi sao du an cau vuot Nguyen Kiem - Nguyen Thai Son cham tien do?
Dự án nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm “đứng hình” hơn nửa năm nay

Đây là một trong nhiều cuộc họp mà chính quyền địa phương đã tổ chức để vận động người dân, nhưng không mang lại kết quả khả quan. Trước đó, nhiều hộ dân đã làm đơn khiếu nại Quyết định thu hồi đất số 345/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 và Quyết định bồi thường hỗ trợ số 410/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp Lê Hoàng Hà, vì cách tính giá bồi thường và hỗ trợ phần đất thu hồi không đúng với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho dân.

Đơn cử, căn nhà của ông Lê mua lại của bà Nguyễn Thị Kim Anh vào năm 1989, diện tích 64m2. Năm 1999, gia đình ông có kê khai nhà đất theo quy định và có xác nhận của UBND P.3, Q.Gò Vấp. Từ năm 1989 đến nay, gia đình ông Lê ở và kinh doanh ổn định tại căn nhà nói trên, không có tranh chấp và không có bất kỳ văn bản hay thông báo nào của chính quyền địa phương thể hiện ông đã lấn chiếm đất.

Cho nên, việc nhà ông nằm trong diện giải tỏa đất có nguồn gốc lấn chiếm, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận là không thỏa đáng và các quyết định bồi thường của chủ tịch UBND Q.Gò Vấp đối với gia đình ông là chưa phù hợp.

Vi sao du an cau vuot Nguyen Kiem - Nguyen Thai Son cham tien do?
Sau hàng loạt cuộc họp, người dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng do giá đền bù thấp

Ngoài ông Lê, hàng chục hộ dân khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Đất được định giá 84,5 triệu đồng/m2 nhưng người dân chỉ được bồi thường khoảng 30-40% theo đơn giá này.

Ông Hà Minh Duy (ngụ tại đường Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp) cho rằng, nhiều hộ dân trong diện giải tỏa, đền bù để thực hiện dự án cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đã sử dụng đất từ năm 1993, có đăng ký kê khai năm 1999 thì đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, được bồi thường 100% theo đơn giá đất, trong khi cơ quan chức năng Q.Gò Vấp lại cho rằng, các hộ dân không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chỉ được bồi thường 30-40% theo đơn giá.

“Bồi thường 40% giá đất là trái quy định”

Nói về việc chỉ bồi thường 40% theo đơn giá đất cho các hộ dân nằm trong dự án cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng Q.Gò Vấp cho rằng, 50 hộ dân trên đường Nguyễn Kiệm (phía công viên Gia Định, thuộc P.3, Q.Gò Vấp) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, nên không đủ điều kiện bồi thường.

Căn cứ điểm b, khoản 2, điều 21 trong Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND do  UBND TP.HCM ban hành ngày 15/5/2015, trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích đất ở trước ngày 15/10/1993 thì được hỗ trợ về đất bằng 40% đơn giá đất ở để tính bồi thường như phương án đã được UBND Q.Gò Vấp phê duyệt.

Vi sao du an cau vuot Nguyen Kiem - Nguyen Thai Son cham tien do?
Hai trong ba nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đã được hoàn thành. Nhánh còn lại đang chậm tiến độ vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng

Nhưng theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu các hộ dân trong diện bị giải tỏa để thực hiện dự án có quá trình cư trú ổn định, nhà đất không có tranh chấp, hội đủ các điều kiện được quy định tại điều 100 Luật Đất đai năm 2013 cũng như theo quy định tại điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì việc giải quyết đền bù của chủ đầu tư phải thỏa đáng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với các hộ dân nói trên.

“Việc thực hiện công tác giải tỏa mặt bằng phải đúng luật định, không thể viện dẫn quyết định của UBND TP.HCM để làm căn cứ áp giá bồi thường chỉ bằng 40% đơn giá đất. Việc áp giá này là trái với quy định của Luật Đất đai hiện hành” - luật sư Đức nói.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, căn cứ quy định tại điều 100, Luật Đất đai năm 2013, các hộ dân trong diện giải tỏa, đền bù nói trên có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, theo quy định tại điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại điều 101 và điều 102 của Luật Đất đai, các điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43 thì vẫn được bồi thường về đất. 

Vi sao du an cau vuot Nguyen Kiem - Nguyen Thai Son cham tien do?
 

Theo luật sư Đức, một trong những lý do dẫn đến các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của người dân đối với cơ quan công quyền đều xuất phát từ việc các cơ quan không xem xét thấu đáo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dẫn đến các bên không tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, đối với dự án cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, chủ đầu tư cần thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI