Vì sao doanh nghiệp Việt không mặn mà tham gia gói thầu gạo cho Indonesia?

22/10/2024 - 16:23

PNO - Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa tiếp tục thông báo mời thầu tháng 10/2024 với số lượng lên tới 340.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Đây là một trong những gói thầu gạo lớn của Indonesia trong năm 2024.

Theo Bulog, các nước được mời dự thầu gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Pakistan. Thời gian nhận hàng từ tháng 11/2024 đến tháng 12/2024.

Doanh nghiệp không mặn mà tham gia gói thầu gạo của Indonesia - Ảnh C.N
Doanh nghiệp không mặn mà tham gia gói thầu gạo của Indonesia - Ảnh: C.N

Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia cho biết, năm 2024, nước này hiện có 7,4 triệu ha diện tích đất trồng lúa, giảm 8,5% so với năm 2015 do chuyển đổi sang mục đích sang đất ở và công nghiệp. Sản lượng lúa của Indonesia năm 2024 dự kiến đạt 30,8 triệu tấn thấp hơn đáng kể so với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Sản lượng gạo dự kiến sẽ giảm 760.000 tấn trong năm nay, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy đầu năm 2024 Indonesia đã phê duyệt hạn ngạch nhập khẩu gạo 3,6 triệu tấn cho năm 2024. Với lượng gạo mời thầu lần này, Indonesia sẽ hoàn thành kế hoạch nhập khẩu trong năm 2024.

Trước đó, vào tháng 9/2024, quốc gia này đã mở thầu với lượng gạo lên tới 450.000 tấn. Tuy vậy chỉ có 2 doanh nghiệp Việt Nam tham gia và trúng thầu với sản lượng gần 60.000 tấn với giá trúng thầu là 548 USD/tấn, giảm 32 USD so với giá đợt trước.

Lý giải nguyên nhân không mặn mà tham gia gói thầu, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho biết: giá tham gia các gói thầu của Indonesia thấp, nếu xuất khẩu theo giá này chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ. Một yếu tố khác là do nguồn cung nội địa hiện cũng hạn chế.

Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng 9,2% so với năm ngoái khi đạt trên 7 triệu tấn. Về giá trị, theo cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đạt 4,37 tỉ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo cũng đạt bình quân 624 USD/tấn, tăng 13,1%. Với sản lượng nói trên, nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, hiện lượng gạo xuất khẩu không còn nhiều và doanh nghiệp chủ yếu tập trung giao hàng cho các đơn đã ký trước đó. Đây cũng là điều dễ hiểu khi các gói thầu gần đây của Indonesia không thu hút doanh nghiệp Việt Nam tham gia bỏ thầu.

Giá gạo xuất khẩu không còn chịu áp lực từ việc Ấn Độ mở kho thóc

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, mặc dù Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo song việc này không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam bởi chủng loại của 2 nước khác nhau.

Cụ thể, theo cập nhật từ VFA, đầu tuần này giá gạo của các nước châu Á đã tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào tuần trước. Đáng chú ý, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng mạnh nhất với 14 USD đạt mức 518 USD/tấn. Bên cạnh đó, gạo cùng phẩm cấp của Pakistan cũng tăng 2 USD lên 481 USD/tấn. Còn gạo Việt Nam giữ nguyên mức 534 USD/tấn.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI