Các khán giả được vào khu VIP xem miễn phí đêm nhạc MMK
Đâu rồi hình ảnh cả biển người phủ khắp SVĐ với đèn đuốc rực sáng và những tiếng hò reo khản giọng của các fan mỗi khi thần tượng xứ Hàn xuất hiện, cất tiếng hát, hay chỉ đơn giản là vẫy tay, mỉm cười? Đâu rồi cảnh hàng ngàn fan kéo ra tận sân bay chờ đón, chạy theo xe thần tượng chỉ để thoáng thấy các “oppa” qua lớp kính mờ? Mọi chuyện đều có lý do của nó.
Trước đêm nhạc MMK, khán giả ngỡ ngàng khi biết các nghệ sĩ Việt Nam như Tuấn Hưng, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh sẽ không góp mặt trong chương trình như quảng cáo trước đó của ban tổ chức (BTC), dù đã nhận lời tham gia, đã tập luyện tiết mục… Nguyên nhân, được quản lý của các nghệ sĩ Việt cho biết, là do cách làm việc thiếu chuyên nghiệp từ phía BTC.
|
Chương trình chỉ có một nhóm khán giả đến xem như thế này |
Riêng trường hợp của Noo Phước Thịnh, anh chỉ nhận lời biểu diễn một đêm nhưng lại bị quảng cáo là sẽ diễn cả hai đêm. Khi anh phản đối, hình ảnh anh trên poster quảng bá bị gỡ xuống, rồi lại treo lên, gỡ xuống, khiến anh ngán ngẩm cách làm việc của BTC, nên thanh lý hợp đồng dù đã nhận trước 20% thù lao biểu diễn.
MMK được giới thiệu là đêm nhạc giao lưu văn hóa Việt-Hàn (trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, hướng đến kỷ niệm 25 năm quan hệ hữu nghị Việt-Hàn) nhưng lại không có sự xuất hiện của bất kỳ nghệ sĩ Việt nào, nên tính chất của chương trình hoàn toàn gãy đổ.
Chưa kể, với lực lượng fan hùng hậu hiện có, Tóc Tiên hay Noo Phước Thịnh đủ khả năng làm nên thành công hoặc thất bại của một đêm nhạc. Nếu không có thần tượng của mình, fan Việt sẽ không việc gì phải tham gia chương trình. Chưa kể trong trường hợp này, thần tượng của họ đã “bị sỉ nhục”, bị sử dụng như “mồi nhử” để câu khán giả mua vé.
|
Dù có sự xuất hiện của hơn 20 ca sĩ Hàn Quốc, đêm nhạc MBC music Kplus đã thất bại thảm hại về lượng khán giả |
Những lời kêu gọi tẩy chay MMK được phát đi từ cộng đồng fan Việt là nguyên nhân chủ yếu khiến sân Mỹ Đình vắng lặng. Ngay cả những fan của các nghệ sĩ Hàn Quốc khi biết chuyện cũng tỏ ra thất vọng, không còn muốn tham gia đêm nhạc nữa.
Với thực tế đã diễn ra, lời quảng cáo “đã phát hành 40.000 vé” của BTC hóa ra chỉ là động tác giả. Trước đêm 25/3, BTC đã phải tung chiêu “mua 1 tặng 1” để giải quyết bớt vé tồn đọng nhưng vẫn không kéo nổi khán giả đến lấp chỗ trống trong SVĐ. Trước khi chương trình bắt đầu, các khán giả ở phía xa còn được BTC mời lên khu vực VIP cho đỡ… trống vắng, dễ ghi hình và cũng để các “thần tượng” xứ Hàn đỡ lẻ loi.
Hà Nội dù là thị trường tiềm năng của các chương trình ca nhạc, nhưng việc các nhóm nhạc Hàn Quốc liên tục sang biểu diễn tại đây đã khiến thị trường này dần bão hòa. Ở nhiều chương trình, với những nghệ sĩ Hàn Quốc tên tuổi lớn hơn, giá vé cũng chỉ dao động khoảng 300.000-1.900.000đ (thấp hơn cả những đêm nhạc của nhiều nghệ sĩ Việt); trong khi đó MMK lại ấn định giá vé từ 400.000-3.800.000đ.
Còn nhớ, lần đầu sang Việt Nam biểu diễn, nhóm Super Junior đã thu hút được gần 20.000 khán giả đến SVĐ Gò Đậu (Bình Dương). Nhưng đó là chuyện của hơn 5 năm trước, khi số nhóm nhạc Hàn đến Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và rất khó khăn công chúng mới có thể nhìn thấy họ. Còn giờ đây, mỗi năm có ít nhất tám nhóm nhạc Hàn bay sang, thậm chí có nhóm đã đến nhiều lần, khiến nhu cầu của khán giả hạ nhiệt, không còn giấc mơ “được thấy thần tượng một lần trong đời”; đã vậy giá vé lại cứ cao ngất ngưởng.
|
Khán đài quá trống trải nên khán giả được mời vào xem miễn phí |
Các đêm nhạc Hàn ngày nay phải cần nhiều hơn là một nhóm mới mong thu hút được fan của các nhóm riêng lẻ. Hình ảnh dễ thấy nhất là trong những buổi đón thần tượng Hàn tại sân bay ngày nay đã xuất hiện lực lượng fan thuê chứ không phải những người thật sự yêu mến các giọng ca nước bạn. Khi công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc ngày càng có nhiều nhóm nhạc có cùng mô hình, cung cách hoạt động, cùng quảng bá với khát khao chinh phục thị trường thế giới thì cũng là lúc chính họ đã phân tán lượng fan, làm giảm sức hút của chính mình.
Ở chiều ngược lại, khả năng tổ chức biểu diễn của các đơn vị Việt Nam ngày nay cũng đã được nâng cao, mô hình hoạt động, kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ Việt đã tiến một bước rất dài, đủ để họ giành lại lực lượng fan nhiều năm rơi vào tay các nhóm nhạc Hàn. Nhìn lại tương quan fan của nhóm Got7 và các nghệ sĩ Việt trong đêm nhạc Zing Music Space hồi tháng 1 tại SVĐ Phú Thọ, khó có thể nói “mèo nào sẽ cắn mỉu nào”.
Có thể ngày mai vẫn còn nhiều fan Việt bật khóc khi được nhìn thấy thần tượng, vẫn lao xe theo và sẵn sàng mua vé dự các đêm nhạc, kể cả khi được tổ chức ở nước ngoài. Nhưng, việc kinh doanh các show nhạc Hàn tại Việt Nam ngày nay đã không còn dễ ăn, luôn chắc thắng như trước nữa. Tuy BTC đêm nhạc MMK không thừa nhận chuyện họ buộc phải hủy hợp đồng với các nghệ sĩ Việt là do thiếu kinh phí, nhưng bất luận vì lý do gì thì đã rõ sự giảm nhiệt của làn sóng Hallyu.
Hoàng Hưng