Vì sao ĐBQH ủng hộ dịch vụ đòi nợ thuê dù có biến tướng, mang màu sắc “xã hội đen”?

26/05/2020 - 16:45

PNO - Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, do có hai luồng ý kiến nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 là cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này.

ĐBQH Mai Hồng Hải đề xuất không cấm dịch vụ đòi nợ thuê dù loại hình này đã có biến tướng, thậm chí mang màu sắc xã hội đen
ĐBQH Mai Hồng Hải đề xuất không cấm dịch vụ đòi nợ thuê, dù loại hình này đã có biến tướng, thậm chí mang màu sắc xã hội đen

“Thời gian qua, dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội”, báo cáo nêu.

Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, loại hình đòi nợ thuê đã biến tướng, gây bức xúc, nhức nhối cho xã hội. Tuy nhiên, do quy định về Luật Đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc kinh doanh đầu tư có điều kiện nên nếu xóa bỏ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những đơn vị đang hoạt động. Từ đó, ông Tiến đề xuất phải đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu bổ sung, hỗ trợ khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động.

Bên cạnh ý kiến phản đối, nhiều ĐBQH lại ủng hộ đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề  kinh doanh.

Dù khẳng định hoạt động đòi nợ thuê hiện nay có nhiều biến tướng, ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng) vẫn đề xuất cho hoạt động này hoạt động.

Lý do ông Hải đưa ra là trong thực tế, hoạt động kinh doanh “tất yếu” phát sinh nợ nần. Nhưng khi bị nợ đọng, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục qua trọng tài, tòa án, mất nhiều thời gian, hiệu quả lại không cao.

Vì vậy, ĐBQH tỉnh Hải Phòng đề xuất nên công nhận đòi nợ là một ngành nghề hoạt động. Tuy nhiên, cần tăng cường hiệu lực quản lý với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cần bổ sung điều khoản chỉ thuê dịch vụ này khi nợ đã quá hạn, hai bên vay và cho vay đã đối thoại, hòa giải không thành… Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan đòi nợ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã tự tranh luận để quyết định ủng hộ phương án nào liên quan dịch vụ đòi nợ thuê
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã "tự tranh luận" về dịch vụ đòi nợ thuê

Tương tự, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, ông đã “tự tranh luận với chính mình” và cuối cùng quyết định theo phương án 2 của Dự luật. Theo ông Ngân, cá nhân đi vay có nhu cầu lớn. Người cho vay không thu hồi được thì hạn chế cho vay. Do đó, để khuyến khích mở rộng tín dụng cá nhân thì nên để dịch vụ này.

Tuy nhiên, ông Ngân nhấn mạnh phải có những quy định “chuẩn mực”. Ông lấy ví dụ tại Mỹ và Thái Lan, việc đòi nợ đảm bảo trong khung giờ quy định, tiếp cận với khách nợ nhưng không được tiếp cận với hàng xóm để đảm bảo uy tín của người đi vay…

M.Quang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
  • Thịnh 28-05-2020 11:07:17

    Nhà các ông chưa phải đi vay nên chưa thấu hiểu cảnh bị đòi nợ nhục nhã như thế nào chứ chưa nói đến cảnh muốn tự tử.

  • Đinh Thăng 28-05-2020 07:06:40

    Những ai ủng hộ phương án 2 xem ra họ đang khuyến khích bạo lực, đâm chém, đổ máu, trả thù lẫn nhau; các băng nhóm xã hội đen và cho vay nặng lãi được dịp nẩy nở, phát triển. Xã hội này sẽ đi về đâu khi tình hình ngày càng bất an, bất ổn, đầy bạo lực. Đó là chưa kể Nhà nước sẽ thất thu một số tiền rất lớn, bởi vì kẻ cho vay nặng lãi, cho vay lãi đen có bao giờ đăng ký kinh doanh và đóng thuế.
    Các vị ủng hộ phương án 2 có sự ngụy biện rằng sẽ đưa ra các chế tài để quản lý các tổ chức thu hồi nợ và có những biện pháp xử lý khi họ làm sai, nhưng liệu các chế tài có thật sự được thực hiện nghiêm túc không? Do đó: CỬ TRI CHÚNG TÔI ỦNG HỘ PHƯƠNG ÁN 1.

  • Hào Hiệp 27-05-2020 21:45:44

    Đòi nợ thuê là không hợp pháp. Cần xem xét lại các dịch vụ cho vay có lãi và những dịch vụ cầm đồ. Họ thả lỏng khi cho vay với lãi suất ngất ngưởng, kiểu như dương bẫy. Khi người vay dính vào rồi là họ tìm cách xiết nợ theo mọi hình thức. thậm chí dùng bạo lực, mất nhân tính. Tôi không tán thành dịch vụ này. Phải cấm mới mang lại bình yên cho xã hội

  • thang 27-05-2020 14:51:40

    ủng hộ đòi nợ thuê là công nhận sự yếu kém của pháp luật, tại sao không khuyến khích sự phát triển và tiếp cận ngành luật sư, cải thiện, nâng cao năng lực ngành tòa án

  • omtor 27-05-2020 14:50:17

    ko bầu cho ai ủng hộ phương án 2 đòi nợ

  • Ông Điền Tuấn 27-05-2020 12:30:54

    Sao không đưa luôn ra tòa nhỉ?

  • Dân Trí 27-05-2020 08:39:30

    Ủng hộ đòi nợ thuê không khác gì tạo điều kiện kiểu cho vay bất hợp pháp , hay nặng lãi cao tràn lan và như vậy nhà nước không thu được thuế - phản đối nhóm đại biểu QH ủng hộ phương án này - các ông chỉ biết một mà không biết hai - Xoàng !

  • Ma Cương 27-05-2020 08:28:24

    Đòi nợ thuê chắc chắn có bạo lực , chém giết. Bởi vì luật pháp đã không đòi được ,mà khi dẫ dùng đến dịch vụ đòi nợ thuê thì phải sử dụng bạo lực thì mới thành công. Xã hooijn sẽ còn đổ máu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI