Xem phim nước ngoài chúng ta thường gặp cảnh 2 xe va chạm nhau nếu không có chấn thương cần phải đưa đi cấp cứu thì 2 lái xe đến bắt tay nhau. Mỗi bên gọi điện cho bảo hiểm bên mình và cho số điện thoại bảo hiểm của mình cho bên kia. Sau đó ung dung rời khỏi hiện trường.
Ở nước mình có làm được điều đó không? Không, vì theo quy định bạn phải gọi công an đến lập biên bản và gọi tổng đài bảo hiểm. Thường thì nhân viên của công ty bảo hiểm chỉ hướng dẫn thủ tục chứ hiếm khi họ đến ngay hiện trường.
Đa số người chạy xe gắn máy đều có mua bảo hiểm. Tiền mua bảo hiểm không bao nhiêu, lỡ mà cảnh sát hỏi đến không có thì bị phạt, tốn tiền, tốn công. Người bán vội điền tên, điền số xe vào giấy chứng nhận. Người mua trả tiền, lấy giấy rồi cất vào bóp, chẳng thèm quan tâm nội dung giấy chứng nhận, ngoài chuyện kiểm tra có đúng tên có đúng số xe, và thời hạn bảo hiểm hay không. Tôi cũng như vậy.
|
Tôi cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là cần thiết nhưng phải làm sao cho dân bớt phiền toái khi được bảo hiểm. |
Trên mỗi Giấy chứng nhận đều có nội dung “Lưu ý với chủ xe, lái xe” đều ghi rõ giấy chứng nhận được cấp theo Nghị định nào, quy tắc nào, các điểm loại trừ trách nhiệm. Và 2 phần quan trọng là: xác nhận đồng ý thanh toán phí bảo hiểm, đã được nhân viên bán bảo hiểm tư vấn đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm và các điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Và trách nhiệm của chủ xe, lái xe khi xảy ra tai nạn là báo cho công an và công ty bảo hiểm theo số điện thoại nóng.
Thông thường khi xảy ra tai nạn chủ xe, lái xe đều cố gắng tự giải quyết, tự thỏa thuận không chờ công an đến lập biên bản. Nếu cần công an lập biên bản thì vụ tai nạn đó cần phải vậy chứ không vì nhu cầu thanh toán bảo hiểm. Sau khi mọi việc xong xuôi khi chực nhớ mình có mua bảo hiểm, mới lục ra hỏi thăm người này người nọ, gọi điện thoại đến tổng đài được hướng dẫn thì thiếu trước hụt sau các giấy tờ cần có để thanh toán nhằm nhận quyền lợi mình được hưởng.
Như vậy, không nhận được quyền lợi bảo hiểm có nguyên nhân chủ quan là người mua bảo hiểm không nắm rõ quyền lợi và thủ tục cần làm khi xảy ra tai nạn.
Mặt khác, các doanh nghiệp bán bảo hiểm không tư vấn đầy đủ quyền lợi của người mua bảo hiểm và trách nhiệm của hai bên. Thêm nữa là khi có sự cố lẽ ra nhân viên bảo hiểm phải thực hiện thủ tục bồi thường thì lại đẩy trách nhiệm đó cho người mua bảo hiểm. Thường thì khi xảy ra sự cố thì lái xe không dễ gì bình tĩnh và có điều kiện để báo ngay công an và thông báo cho cơ quan bảo hiểm. Vì vậy, để có đầy đủ thủ tục rất nhiêu khê.
Nhiều năm trước mẹ của bạn tôi trên đường đi tập thể dục buổi sáng bị một xe gắn máy chở hàng thuê va phải, té xuống đường. Sau khi được đưa đi cấp cứu thì bà không qua khỏi. Người gây tai nạn cũng làm hết lòng để lo tang sự. Nhưng vì quá nghèo nên năn nỉ bạn tôi xin tha thứ. Nhìn hoàn cảnh cũng anh ta, bạn tôi chỉ biết ngậm ngùi ký tên vào giấy bãi nại để anh ta tiếp tục mưu sinh. Anh và cả tôi lúc ấy cũng chẳng hỏi về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe máy anh ta.
Từ câu chuyện trên, tôi cho rằng việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô - xe máy là cần thiết không nên bỏ. Vấn đề là doanh nghiệp bán bảo hiểm phải tư vấn đầy đủ cho người mua và nhất là phải chịu trách nhiệm làm thủ tục để bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển tại sao không quy định khi có sự cố người mua bảo hiểm chỉ cần chụp hình hiện trạng (có định vị nơi xảy ra sự cố) gửi về tổng đài bảo hiểm.
Mọi việc sau đó sẽ có nhân viên của doanh nghiệp chịu trách nhiệm xử lý. Thậm chí nếu có ứng dụng dùng chung cho tất cả các công ty bảo hiểm, bất kỳ ai chụp hình sự cố có ghi nhận bảng số xe gửi lên ứng dụng đó. Thông tin sẽ được đưa về đúng công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường. Mọi thủ tục chủ xe máy hay lái xe không cần thực hiện, công ty bảo hiểm sẽ phải làm đúng theo quy tắc bảo hiểm để bồi thường.
Được như vậy, tôi tin rằng sẽ không còn bàn cãi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe máy có cần thiết hay không?
Nguyễn Huỳnh Đạt