Vì sao dân văn phòng cần đề phòng các bệnh lý tiêu hóa?

30/06/2024 - 06:52

PNO - Cuộc sống bận rộn với áp lực công việc cao, chế độ ăn uống thiếu khoa học và ít vận động khiến dân văn phòng dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người mang tâm lý chủ quan khi có các dấu hiệu cảnh báo. Điều này chẳng những khiến bệnh trở nên dai dẳng, khó điều trị mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm, gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động.

Bởi tâm lý chủ quan

Chị N.T.L. (32 tuổi, kế toán tại một công ty thiết bị điện tử ở quận Phú Nhuận, TPHCM) bị ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống vì lý do sức khỏe. Mỗi ngày, chị ngồi liên tục 8 tiếng để làm việc trên máy tính.

Dân văn phòng cần tăng cường vận động để phòng tránh bệnh tiêu hóa - Ảnh minh họa: Internet
Dân văn phòng cần tăng cường vận động để phòng tránh bệnh tiêu hóa - Ảnh minh họa: Internet

Do áp lực công việc, chị L. thường xuyên ăn vặt, bỏ bữa, ít vận động. 2 tháng nay, chị bị đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu kéo dài. Do quá bận rộn, chị L. ráng chịu đựng, chủ quan không đi khám. Đến khi bị đau bụng dữ dội, đi cầu ra máu, chị đi khám thì được chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng.

Bác sĩ cho biết do chị ngồi lâu một chỗ, nhu động dạ dày giảm, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thất thường, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, cay nóng làm tăng a xít dạ dày.

Chị L. phải điều trị bằng thuốc và tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt nghiêm ngặt. Việc điều trị khiến chị mất nhiều thời gian và tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc và tinh thần. Nếu chị tới khám chậm trễ và không được can thiệp kịp thời thì có nguy cơ bị biến chứng thủng dạ dày.

Anh N.V.M. (40 tuổi) phụ trách bộ phận kinh doanh của một doanh nghiệp tại TP Thủ Đức (TPHCM). Anh thường xuyên đi công tác xa, chế độ ăn uống thất thường, stress do áp lực công việc. 1 tháng nay, anh bị đau bụng quặn thắt, đi ngoài ra máu, táo bón xen kẽ tiêu chảy.

Do bận rộn, anh lơ là không đi khám, đến khi đi khám thì đã bị viêm đại tràng mãn tính nặng. Tình trạng suy giảm miễn dịch, thiếu máu lâu dài đã ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của anh. Chế độ ăn uống thất thường, stress kéo dài ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, rối loạn hệ vi sinh đường ruột dẫn đến viêm đại tràng mãn tính. Anh M. phải điều trị lâu dài, thường xuyên đi khám định kỳ, hạn chế bia rượu.

Hay trường hợp của chị N.H.M. (28 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) - lễ tân cho một tòa nhà văn phòng. Do áp lực công việc cao, chị thường xuyên ăn trưa vội vàng, thức ăn chủ yếu là đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ. Gần đây, chị hay bị ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu kéo dài. Đi khám, chị được bác sĩ cho biết vì quá stress nên kích thích dạ dày tiết nhiều a xít. Bên cạnh đó, chị lại ăn uống không đều đặn, ăn nhiều thức ăn cay nóng, dầu mỡ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.

Tăng cường vận động, ăn uống khoa học

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng - Trưởng đơn vị Nội tiêu hóa Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cảnh báo, giới văn phòng rất dễ gặp phải các bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích và trĩ.

Sự thiếu vận động cùng chế độ ăn uống thất thường, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, cay nóng… là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa cho dân văn phòng - Nguồn ảnh: Internet
Sự thiếu vận động cùng chế độ ăn uống thất thường, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, cay nóng… là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa cho dân văn phòng - Nguồn ảnh: Internet

Nguyên nhân khiến họ dễ mắc các bệnh lý kể trên là do thói quen bỏ bữa sáng; uống nhiều cà phê, trà, rượu bia; ngủ trưa ít làm ảnh hưởng tới quá trình tiết dịch a xít của dạ dày. Không chỉ vậy, ngồi nhiều, ít vận động làm cho nhu động ruột giảm, dịch tiêu hóa giảm. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi.

Ngoài ra, ngồi nhiều còn làm tăng áp lực lên hậu môn trực tràng nên dân văn phòng có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn. Vì luôn phải gánh áp lực định mức, thời hạn công việc, họ thường xuyên trong trạng thái căng thẳng. Tâm lý căng thẳng kéo dài ảnh hưởng hệ tiêu hóa, dẫn tới khó tiêu chức năng và viêm loét dạ dày.

Sáng thường nhịn đói nên tới trưa, họ có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường để bù đắp. Điều này làm tăng áp lực lên dạ dày. Không chỉ vậy, họ lại ngủ trưa ít, không đủ thời gian để chuyển hóa thức ăn. Dạ dày bị no căng gây ra tình trạng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua do dịch dạ dày trào ngược.

Qua đó, bác sĩ Đồng Quang Tráng lưu ý mọi người, đặc biệt là những ai làm công việc văn phòng, nếu thấy đau bụng vùng thượng vị kéo dài, hay ợ hơi, đầy bụng, táo bón, thay đổi tính chất phân (lúc bón, lúc lỏng), cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh đường tiêu hóa ở dân văn phòng chủ yếu là mạn tính, kéo theo nhiều hệ lụy trong sinh hoạt, công việc. Chẳng hạn bệnh trào ngược dạ dày sẽ làm hơi thở bệnh nhân bị hôi, hạn chế trong giao tiếp. Ngoài ra, nếu bị hội chứng ruột kích thích, người bệnh hay đi ngoài, rất bất tiện.

Để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa, người làm việc văn phòng cố gắng hạn chế bỏ bữa sáng và nên tăng cường vận động. Có những động tác thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với người làm công việc văn phòng. Sau mỗi 45 phút - 1 tiếng, nên đứng dậy, đi lại vài vòng cho giãn cơ, máu huyết lưu thông.

Nếu quá ít thời gian dành cho thể dục, có thể tranh thủ đi cầu thang bộ nếu văn phòng làm việc không nằm ở tầng quá cao. Chị em phụ nữ cũng có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa để tập yoga. Hạn chế các thức uống có chất kích thích (cà phê, trà, rượu bia).

Những trường hợp bị trào ngược dạ dày cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: tránh thức ăn cay nóng, chiên xào đồng thời tăng cường rau trái để bổ sung chất xơ; uống nhiều nước. Khi ăn, cần nhai kỹ, ăn chậm. Thay vì ăn 3 bữa chính mỗi ngày, hãy chia nhỏ thành 4-5 bữa để tránh làm hệ tiêu hóa bị quá tải. Không được nằm ngay sau khi ăn.

Kiểm soát căng thẳng cũng rất cần thiết đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày. Nhiều trường hợp truyền tai nhau rằng uống sữa tươi nhiều sẽ hỗ trợ và cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày. Điều này chưa chính xác. Với người không dung nạp được sữa tươi, tình trạng bệnh còn trầm trọng thêm.

Do đó, lời khuyên bác sĩ đưa ra là uống nhiều nước. Chế độ dinh dưỡng của dân văn phòng cần cân bằng đầy đủ các nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Đối với tất cả bệnh lý đường tiêu hóa, khi điều trị bằng thuốc phải theo sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

Một số động tác đơn giản có thể thực hiện tại bàn làm việc

- Vặn người: Ngồi thẳng, 2 chân đặt phẳng trên sàn. Vặn người sang trái, đưa tay phải chạm vào mép ngoài đùi trái. Giữ nguyên tư thế trong vài giây, sau đó đổi bên. Lặp lại 10 lần mỗi bên.

- Xoay cổ tay: Xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ 10 lần mỗi bên.

- Uốn cong người về phía trước: Ngồi thẳng, 2 chân đặt phẳng trên sàn. Từ từ cúi người về phía trước, thả lỏng vai và cổ. Giữ nguyên tư thế trong vài giây, sau đó trở lại vị trí ban đầu. Lặp lại 10 lần.

- Co duỗi chân: Ngồi thẳng, duỗi 1 chân về phía trước, mũi chân hướng lên trần nhà. Giữ nguyên tư thế trong vài giây, sau đó đổi chân. Lặp lại 10 lần mỗi bên.

- Đứng lên ngồi xuống: Đứng thẳng, 2 chân rộng bằng vai. Từ từ hạ người xuống như thể bạn đang ngồi trên ghế, sau đó đứng dậy. Lặp lại 10 lần.

Ngoài ra, nên dành thời gian đi bộ trong giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc. Việc đi bộ giúp tăng cường lưu thông máu, kích thích nhu động ruột và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI