Vì sao đàn ông trung niên tự tử ngày càng nhiều?

15/08/2024 - 13:49

PNO - Trên thế giới, ngày càng có nhiều nam giới tuổi trung niên chọn kết thúc cuộc sống. Theo các số liệu ở Anh và Mỹ, tỉ lệ tự tử bắt đầu tăng ở nam giới từ sau 30 tuổi và giảm dần từ độ tuổi 60.

Nam giới ở độ tuổi trung niên dễ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và bất lực khi gặp những điều bất như ý - Ảnh minh họa: FEE
Nam giới ở độ tuổi trung niên dễ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và bất lực khi gặp những điều bất như ý - Ảnh minh họa: FEE

Những ngày đầu tháng Tám, thông tin vận động viên huyền thoại môn cricket Graham Thorpe (55 tuổi) tự tử khiến truyền thông và người hâm mộ Vương quốc Anh bàng hoàng. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một nhân vật có cuộc sống đầy đủ, giàu có, vợ đẹp con ngoan, công việc bao người mơ ước, được hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần tốt như vậy lại chọn sự kết thúc tiêu cực như vậy?

Dữ liệu chính thức ở Anh, xứ Wales và Mỹ cho thấy, đàn ông ở độ tuổi trung niên nằm trong số những người có khả năng tự tử cao nhất. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, năm 2022 có 5.642 vụ tự tử trong đó nam giới chiếm 71%. Nam giới trong độ tuổi từ 40-64 có nguy cơ cao nhất, số ca tử vong do tự tử ở nhóm tuổi này liên tục tăng trong những năm gần đây. Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, từ năm 2001-2021, tỉ lệ tự tử tăng đáng kể ở nam giới từ 45-74 tuổi và nữ giới từ 55-84 tuổi.

Theo các số liệu ở Anh và Mỹ, tỉ lệ tự tử bắt đầu tăng ở nam giới từ sau 30 tuổi và giảm dần từ độ tuổi 60. Giáo sư Nav Kapur - Trung tâm Phòng chống tự tử của Đại học Manchester (Anh) - cho biết, lo lắng về tài chính là một yếu tố: “Những người đàn ông trung niên dễ bị mất việc nhất và khó có thể tìm được việc khác nhất”.

Giáo sư Kapur nói thêm rằng, đàn ông ở độ tuổi này có nhiều khả năng coi công việc và “địa vị trụ cột gia đình” là nền tảng của họ. Việc mất đi điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của họ. “Một yếu tố khác là tình trạng ly hôn và cô lập xã hội. Theo những nghiên cứu mà chúng tôi tham khảo, đàn ông ly hôn có khả năng tự tử cao gấp 3 lần so với đàn ông khác. Người ta cho rằng, điều này là do đàn ông trung niên rất phụ thuộc vào vợ về mặt tình cảm và từ độ tuổi 30 trở đi, họ cũng có xu hướng có ít bạn bè hơn phụ nữ nói chung” - ông nói thêm.

Giáo sư Stephen Platt - chuyên gia về chính sách y tế tại Đại học Edinburgh - nói: “Nhóm tuổi này lớn lên với những người cha mạnh mẽ, ít nói, nghiêm nghị, nhưng họ đang sống trong một xã hội hiện coi trọng những người đàn ông mới - cởi mở, chia sẻ. Cuối cùng, họ không biết mình là ai hoặc phải trở thành người như thế nào. Tệ hơn nữa là khi gặp vấn đề, họ không biết và không muốn chia sẻ cùng ai. Nam giới có xu hướng tìm đến rượu, thuốc lá, chất gây nghiện… Về lâu dài nó gây ức chế não, làm giảm tâm trạng”.

Giáo sư Shirley Reynolds - chuyên gia về liệu pháp tâm lý tại Đại học Reading (Anh) - thông tin: “Nam giới rất ít sử dụng các dịch vụ y tế để giải quyết những vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ cảm thấy xấu hổ khi nói ra điều này, vì nó được cho là yếu đuối và kém cỏi”.

Peter Franz - Viện Nghiên cứu tâm thần học Montefiore Einstein ở New York (Mỹ) chuyên nghiên cứu can thiệp phòng ngừa tự tử - cho biết: “Những người trung niên có ý định tự tử thường có những biểu hiện như: hay nói về cái chết, lên kế hoạch hoặc nghiên cứu cách chết, luôn cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ, luôn nghĩ mình là gánh nặng, cực kỳ buồn bã, lo lắng, kích động hoặc giận dữ… Hãy gần gũi chia sẻ, thăm hỏi, đưa họ đến gặp chuyên viên tư vấn hoặc bác sĩ tâm lý”.

Lệ Chi (theo Daily Mail, Priory Group, AARP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI