Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện một chiến dịch giúp “tô đẹp” hình ảnh cho những đức lang quân nội trợ, chăm con. Xem qua những tờ báo, tạp chí thời trang hoặc truyện tranh Nhật Bản, chúng ta có thể bắt gặp một kiểu “siêu anh hùng” mới.
Những người cha mỉm cười thật điển trai, khi cùng con chơi trò đấu kiếm trong bữa sáng hoặc dắt con đi đạp xe trong công viên. Các cặp cha con có thể mặc đồng phục. Trong những hình ảnh này, người cha trông rất hiểu biết, thấu hiểu và vui vẻ khi làm công việc nội trợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Những người cha nội trợ thế hệ mới như vậy ở Nhật Bản được gọi là ikumen, từ ghép giữa ikuji (chăm sóc trẻ em) và ikemen (hunk - chỉ người đàn ông quyến rũ, vạm vỡ), một sự tương phản hoàn toàn với khuôn mẫu cũ về người cha bận rộn với công việc, hay đi công tác vắng nhà mà người ta vẫn thường mường tượng.
Thuật ngữ này lần đầu tiên được một nhân viên bán hàng quảng cáo đưa ra vào những năm 2000. Năm 2010, Bộ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã khởi động Dự án Ikumen trên toàn quốc để khuyến khích người đàn ông tham dự nhiều hơn vào đời sống gia đình.
Ý tưởng này nhanh chóng lan rộng, và ngày nay ikumen có thể được nhìn thấy khắp nền văn hóa đại chúng Nhật Bản. Nhưng liệu xu hướng này có thực sự thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới hay không? Phải chăng những buổi chụp hình chỉ làm vẻ ngoài của nam giới thêm bóng bẩy, trong khi phụ nữ vẫn là người gánh vác hầu hết trách nhiệm chăm sóc gia đình?
Lâu nay, đàn ông vẫn được coi là trụ cột kinh tế trong đại đa số gia đình tại Nhật. Những "người làm công ăn lương" này cống hiến cho công ty, làm việc nhiều giờ để có cơ hội thăng tiến và đảm bảo nguồn cung tài chính cho gia đình. Hannah Vassallo - tác giả một cuốn sách nghiên cứu nhân chủng học về người cha tại Nhật Bản cho biết: “Sự cam kết của họ đối với công việc là yếu tố giúp thể hiện nam tính”.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất duy trì quan điểm này. Từ năm 1980, mỗi ngày trong tuần, tính trung bình một người đàn ông Nhật chỉ dành chưa đầy 40 phút để trò chuyện với con cái, và thường là vào thời điểm của bữa ăn gia đình. Theo một nghiên cứu, một số người thậm chí không thể pha trà hoặc tìm ra quần áo của mình mà không có sự giúp đỡ của vợ.
Khi người cha trò chuyện với con cái, họ thường giữ một khoảng cách, và con cái thường rất lễ phép, cung kính, thậm chí sợ hãi cha mình. Thực tế này được phản ánh rõ nét trong câu thành ngữ của người Nhật: "jishin, kaminari, kaji, oyaji" - "động đất, sấm sét, lửa và cha".
Các quan niệm này đã để lại một số hậu quả nghiêm trọng. Chúng khiến phụ nữ khó trở lại công việc hơn sau khi sinh nở, và hệ quả là họ cảm thấy hoang mang hơn về cuộc hôn nhân. Người phụ nữ giờ đây e ngại lập gia đình, họ lấy chồng muộn hoặc không kết hôn, khiến tỷ lệ sinh giảm thấp đến mức báo động. Thập kỷ 80 của thế kỷ trước cũng chứng kiến số trẻ em tự tử ngày càng tăng, một số trường hợp là do cha mẹ quá xa cách, ít hỗ trợ, gần gũi con.
Những động thái thay đổi diễn ra rất chậm chạp. Ví dụ, vào năm 2002, chỉ có 0,33% nam giới nghỉ phép khi vợ sinh con. Một cuộc khảo sát năm 2008 cho thấy 1/3 số nam giới muốn dành nhiều thời gian cho con hơn nữa, nhưng họ lo sợ sếp sẽ không cho họ nghỉ phép.
Dự án Ikumen của chính phủ nhằm khắc phục tình trạng này, tạo ra “một phong trào xã hội, theo đó đàn ông có thể chủ động tham gia vào việc chăm sóc con”. Trong dự án, có nhiều hội nghị và hội thảo chuyên đề được tổ chức. Các ông bố cũng được cung cấp “Sổ tay cân bằng công việc và cuộc sống” để giúp họ cân đối việc nhà và việc cơ quan.
Không giống như các chiến dịch trước đây nhằm tăng sự hiện diện của cha trong gia đình, Dự án Ikumen đã “khắc họa” nên hình tượng người cha mang dáng vẻ anh hùng, nhấn mạnh vào vẻ nam tính quyến rũ của họ. Một trong các tấm áp phích có hình ảnh người đàn ông xé áo sơ mi, để lộ ra logo dự án in trên áo thun bên dưới, với khẩu hiệu “Sức mạnh Ikumen cho xã hội”. Khẩu hiệu này truyền tải thông điệp: những anh hùng như vậy không chỉ bảo vệ gia đình của họ, mà với việc nuôi dưỡng con em mình - thế hệ tương lai, họ đã giúp sức làm cho quốc gia thêm phồn thịnh.
Thông điệp này đã được đón nhận nồng nhiệt. Vassallo cho hay: “Mọi người ở Nhật đều quen thuộc với từ ikemen. Và tôi nghĩ đó là cách ikumen được sinh ra và thu hút sự chú ý. Từ mới này nghe hay hơn rất nhiều so với khái niệm về người cha chu đáo chỉ biết chăm sóc con cái đã tồn tại ở Nhật Bản trước đó”.
Giờ đây, bạn có thể tìm thấy các tạp chí ở Nhật Bản về thời trang đôi của cha và con, ví dụ như FQ (Father’s Quarterly) cùng với các cuộc phỏng vấn người nổi tiếng. Tạp chí này thậm chí còn tổ chức một cuộc thi Mr Ikumen. Các Ikumen nhạy cảm, giàu cảm xúc là nhân vật chính trong các bộ phim hài truyền hình và thậm chí còn có một bộ truyện tranh tên là “Ikumen!”, trong đó mô tả những thử thách và nỗi khổ của nhân vật Midorikawa Hiroya, 21 tuổi, một người đàn ông nội trợ, chăm sóc con gái trong khi vợ làm việc.
Trái ngược hẳn với những ông bố viên chức kiểu cũ, cảm giác mãn nguyện và sự nhận biết về giá trị bản thân của Hiroya bắt nguồn từ mối quan hệ của anh với con gái. Việc làm một ikumen giúp anh tránh khỏi sự kỳ thị điển hình đối với những người đàn ông không đi làm. Trong một số cảnh truyện, những người phụ nữ quanh Hiroya và bạn bè của anh còn đỏ mặt khi họ nhìn thấy những người cha ikumen chơi với con cái.
Về phương diện quảng bá, Dự án Ikumen là một thành công lớn, tạo ra những luồng ý kiến về quan niệm làm cha thời nay. Vassallo cho biết: “Dự án cũng vấp phải sự chỉ trích. Nhiều phụ nữ cảm thấy không hài lòng khi cánh đàn ông được đối xử như những anh hùng chỉ vì họ đảm nhiệm một phần các công việc thường nhật. Vì vậy, mặc dù họ bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những người cha tham gia nội trợ, họ cũng tự hỏi tại sao nỗ lực của chính phụ nữ không được công nhận với mức độ như vậy”.
Ban đầu, dường như mọi người đều thấy khái niệm mới hấp dẫn. Tuy nhiên sau đó, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ Nhật Bản bắt đầu tỏ ra băn khoăn. Một vài người đàn ông tự nhận mình là ikumen, dù chỉ làm một ít việc nhà. Và ngay cả cuốn sổ tay chính thức cho dự án, dù mang ý nghĩa tốt, nhưng vẫn ám chỉ người mẹ là người chịu trách nhiệm chính cho việc chăm con, còn với đàn ông, tham gia chăm sóc con cái giống như một điểm cộng.
Một số nam giới, trong khi đó, đã phàn nàn về "bệnh ikumen", khiến họ kiệt sức khi phải cố gắng đáp ứng kỳ vọng cả trong công việc lẫn ở nhà, cùng nỗi lo sợ rằng việc làm một người cha tận tụy có thể gây ảnh hưởng đến thời gian làm việc, khiến họ bị ông chủ phạt.
Một số ý kiến cho rằng Dự án Ikumen không nên làm lu mờ các vấn đề lớn hơn, gây ảnh hưởng đến bình đẳng giới. Ví dụ, Brigitte Steger từ Đại học Cambridge, chỉ ra rằng luật pháp Nhật Bản vẫn không ghi nhận vị trí bình đẳng của vợ chồng trong trường hợp xảy ra ly hôn. Bà Steger cho biết, nhiều người cha không có nghĩa vụ phải trả tiền cấp dưỡng, và ngược lại, họ không được bảo đảm là có quyền gặp con "ngay cả khi hai cha con có quan hệ tốt với nhau".
Mặc dù vậy, nhiều dấu hiệu cho thấy hiện đang có những thay đổi tích cực diễn ra. Dù tỉ lệ nam giới nghỉ phép khi vợ sinh con còn thấp, nhưng mức tăng này cũng đáng kể so với khi Dự án Ikumen được giới thiệu lần đầu tiên, cụ thể từ 1,9% năm 2012 lên 7% vào năm 2017.
Những người cha tận tụy giờ đây đã xuất hiện thường xuyên hơn trong gia đình. Tại Nhật Bản ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều người cha đi chơi cùng con cái, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần và ở khu vực thành thị. Vassallo đồng ý rằng việc thay đổi hành vi diễn ra rất chậm, nhưng bà thấy rằng những người cha mà bà từng phỏng vấn đã bắt đầu vạch ra con đường riêng của mình. Họ có thể không được như nguyên mẫu người cha anh hùng ikumen, một số thậm chí còn cảm thấy xấu hổ khi sử dụng thuật ngữ này, nhưng họ rất vui khi nuôi dạy con cái, chia sẻ bí quyết với các bậc cha mẹ khác trên Facebook và thường xuyên tham dự các cuộc họp hội phụ huynh. Điều đó cho thấy dấu hiệu hết sức khả quan.
Lan Phương (Theo BBC)