Chưa rõ chính sách bồi thường
Dẫu trưa, tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo, ba mẹ con bà Nguyễn Thị Cúc vẫn ngồi may vá trong căn hộ ở lầu ba. Thi thoảng, bà Cúc lại hướng mắt lên trần nhà, nơi có những vết trám xi măng loang lổ, giọng rầu rĩ: “Không biết chừng nào mới dời khỏi chung cư chờ sập này”.
Hơn 50 năm trước, gia đình bà Cúc dọn về sống tại đây. Qua nhiều thế hệ, căn hộ hiện là nơi nương thân của bà và hai người con gái.
|
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo từ năm 2016 đã được đánh giá là không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể |
Do được xây dựng từ trước năm 1975 nên chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên tường các căn hộ xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều nơi lộ ra những khung sắt cũ kỹ. Từ năm 2016 đến nay, gia đình bà Cúc đã được chính quyền địa phương mời tham dự nhiều cuộc họp liên quan đến việc di dời khỏi chung cư. Tuy nhiên, chính sách bồi thường cho việc di dời chưa rõ ràng nên bà Cúc và nhiều hộ dân khác vẫn còn nấn ná.
“Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhưng giờ dọn đi nơi khác cũng không được. Nguyện vọng của tôi là được nhà đổi nhà. Tức là, tôi dọn khỏi nơi này, chính quyền sẽ cấp cho tôi một căn hộ khác, có chủ quyền đàng hoàng chứ không phải tạm cư”, bà Cúc nêu nguyện vọng
Hàng xóm bà Cúc là bà Bùi Thị Lời, ở căn hộ số 15, lo lắng về mùa mưa sắp đến, nhà lại dột và tường ẩm mốc. Mấy hôm trước, bà Lời vừa nhờ người trám lại những mảng bê tông đề phòng mưa dột. Cùng với đó là tình trạng sụt lún nền móng khiến căn hộ của bà Lời ngày càng nghiêng thêm.
Bà Lời bộc bạch: “Tôi lớn tuổi rồi, đâu có làm gì ra tiền. Tôi muốn cơ quan chức năng đưa ra giá bồi thường rõ ràng để chúng tôi ra đi tìm nơi ở mới. Chứ bảo qua khu tạm cư, mọi thứ không rõ ràng thì chúng tôi khó mà đi được”.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo nằm ở vị trí khá đắc địa, gần giao lộ Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo. Dù năm năm trước, TPHCM đã lên kế hoạch di dời chung cư này nhưng đến giờ, nhịp sống ở đây vẫn diễn ra bình thường. Phía dưới chung cư, một số hộ dân vẫn kinh doanh quán ăn, shop thời trang. Ở tầng trên, gần 20 hộ dân vẫn bám trụ với lý do “chưa rõ chính sách bồi thường”.
Ông Hùng - người dân sống ở chung cư - nói: “Chúng tôi ở đây quen rồi, có thể buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Giờ đi qua nơi khác ở tạm trên lầu cao, chẳng biết làm gì để sống. Chi bằng Nhà nước đưa ra một cái giá bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng để chúng tôi tự đi nơi khác sống. Hộ nào có nhu cầu tạm cư mới bố trí tạm cư. Chứ mọi thứ chưa dứt điểm thế này thì bà con vẫn phải bám trụ, dù là nơi nguy hiểm”.
Phải đảm bảo an toàn cho người dân
UBND Q.5 cho biết, chung cư 440 Trần Hưng Đạo có quy mô ba tầng, sân thượng, mái bê tông cốt thép và mái tôn, diện tích xây dựng hơn 241m2. Chung cư có 21 căn hộ, trong đó có 19 căn hộ thuộc sở hữu của tư nhân và hai căn hộ do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 quản lý.
Năm 2016, theo kết quả kiểm định chất lượng, công trình có mức độ nguy hiểm cấp D nên cần được di dời, phá dỡ. Sau khi phá dỡ, chỉ còn 170m2 đất phù hợp quy hoạch nên không đủ để xây lại chung cư mới. Năm 2017, UBND Q.5 đã có kế hoạch di dời cư dân và tháo dỡ chung cư này, nhưng do vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
“UBND Q.5 đã giao Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận phối hợp với UBND P.11 tổ chức tiếp xúc, vận động, thuyết phục người dân di dời đến tạm cư tại chung cư An Phú (Q.6). Nhưng các hộ dân đề nghị Nhà nước chi tiền để họ tự thuê nơi ở khác để tạm cư và tính đơn giá bồi thường các căn hộ thuộc sở hữu tư nhân một cách thỏa đáng” - UBND Q.5 thông tin.
Mới đây, UBND Q.5 đã kiến nghị UBND TPHCM nhiều nội dung liên quan đến việc di dời, tháo dỡ chung cư 440 Trần Hưng Đạo. Trong đó, có việc xem xét ủy quyền cho đơn vị này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến ban hành quyết định di dời, tháo dỡ khẩn cấp đối với chung cư nói trên. Đồng thời, xem xét chính sách cấp kinh phí cho UBND Q.5 thực hiện công tác di dời, phá dỡ.
UBND Q.5 cũng kiến nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đồng thời giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn về xử lý khu đất sau khi tháo dỡ, thu hồi.
Theo UBND TPHCM, trên địa bàn có 14 chung cư có kết quả kiểm định công trình đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D. Nhưng hiện nay, chỉ có sáu chung cư (333 hộ dân) đã di dời hoàn toàn, năm chung cư di dời dang dở. Còn ba chung cư chưa di dời là chung cư 440 Trần Hưng Đạo (Q.5), chung cư 137 Lý Thường Kiệt và chung cư 149 -151 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình). |
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, chung cư 440 Trần Hưng Đạo có kết quả kiểm định công trình đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D - khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể; chung cư thuộc diện nguy hiểm cần phải di dời.
Theo quy định pháp luật về nhà ở hiện hành, trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng tại chung cư không chấp thuận việc di dời để phá dỡ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức cưỡng chế di dời, bố trí tạm cư, tái định cư để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và thu hồi đất để thực hiện việc xây dựng mới công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, đơn vị này vừa có văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao UBND Q.5 thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến ban hành quyết định di dời, tháo dỡ khẩn cấp đối với chung cư 440 Trần Hưng Đạo. Sau khi có quyết định chính thức của UBND TPHCM, sở sẽ theo dõi, đôn đốc Q.5 khẩn trương thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, Sở Tài chính cũng sẽ tham mưu UBND TPHCM bố trí ngân sách để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Sơn Vinh