Vì sao cùng tiêm vắc xin COVID-19 có người khỏe, người mệt?

23/06/2021 - 17:54

PNO - Nhiều người sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bị sốt, đau nơi tiêm, nhức đầu... nhưng có người lại không gặp các phản ứng phụ này.

TPHCM đang bước vào chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên diện rộng. Từ ngày 3/6/2021, Thành phố đã tiến hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 3, đến nay đã tiêm cho hơn 50.000 người. Trong số những người được tiêm vắc xin, có nhiều người bị nóng sốt, mệt mỏi, đau đầu, ngủ nhiều... lại có không ít người chỉ sốt nhẹ, hơi đau bắp tay hoặc không có phản ứng phụ nào. Mọi người đều lo lắng vì phản ứng phụ không giống nhau. 

Về vấn đề này, các chuyên gia dịch tễ cho biết, cũng như các loại vắc xin khác, vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây ra các phản ứng phụ, hầu hết đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự biến mất trong vài ngày gồm: đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy... Các phản ứng phụ này là những dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vắc xin, cụ thể là kháng nguyên (một chất kích hoạt đáp ứng miễn dịch) và đang chuẩn bị để chống lại virus gây bệnh.

Vắc xin ngừa COVID-19 cũng như các vắc xin khác, người được tiêm sẽ có phản ứng phụ báo hiệu hệ thống miễn dịch đang của cơ thể đang phản ứng với vắc xin
Vắc xin ngừa COVID-19 cũng như các vắc xin khác, người được tiêm sẽ có phản ứng phụ báo hiệu hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vắc xin

Do đó, các tác dụng phụ phổ biến và ở mức độ nhẹ hoặc trung bình là dấu hiệu tốt cho thấy vắc xin đang hoạt động. Tuy nhiên, không gặp tác dụng phụ không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả. Nói cách khác, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vắc xin.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết: "Không có chuyện người có thể trạng yếu ớt thì bị hành sốt nhiều, người cao to bị hành ít, người lớn tuổi cơ thể bị hành sốt nhiều, người trẻ tuổi lại ít sốt hơn... càng không có chuyện người đang bị bệnh nền ổn định thì chích vô sẽ ảnh hưởng bệnh nền.

Ngược lại, người bệnh nền càng nên chích ngừa vì đối tượng này nếu mắc COVID-19 rất dễ biến chứng nặng. Nhất là người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đặt stent, viêm gan B, C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình... nếu ổn định càng phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Quan trọng, rất hiếm trường hợp thuốc làm ảnh hưởng đến vắc xin, tiêm ngừa xong vẫn có thể uống thuốc được".

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, mỗi người sẽ có phản ứng phụ khác nhau
Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, mỗi người sẽ có phản ứng phụ khác nhau

Theo bác sĩ Khanh, tùy theo cơ địa của mỗi người mà phản ứng phụ của vắc xin ngừa COVID-19 sẽ có biểu hiện khác nhau. Vì vậy, người được tiêm nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, đừng nhìn người bên cạnh rồi nghĩ ngợi vì sao phản ứng của mình lại khác rồi hoang mang, lo sợ. 

Về phản ứng phụ sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19, bác sĩ Khanh cho biết có 4 kiểu phản ứng thường gặp như sau:

- Kiểu 1: Người tiêm mạnh khỏe, cảm giác như bình thường, không thấy triệu chứng, phản ứng chủ yếu cảm giác hơi đau ở vị trí tiêm ngừa. 

- Kiểu 2: Là kiểu phản ứng thường gặp nhất, người tiêm cảm thấy người đau ê ẩm, nhức mỏi, rêm mình, sốt nhẹ, đau đầu, khó ngủ, thời gian kéo dài từ 24, 36 hoặc 48 tiếng sau tiêm. Sau thời gian này trạng thái sẽ trở về bình thường, đa số nhóm này có thể làm việc bình thường.

- Kiểu 3: Người được tiêm sốt cao, mệt mỏi quá mức, run cầm cập, đau nhức mình, nhức đầu nhiều, uống thuốc giảm đau hạ sốt mà vẫn giảm rất chậm. Thời gian có thể kéo dài 24, 36, 48 tiếng sau tiêm sẽ hết, rất hiếm người phải chịu đựng 72 tiếng.

- Kiểu 4: Người được tiêm bị đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều, tần suất ra vào nhà vệ sinh tăng lên đột ngột, ăn uống không được. Lúc này hãy cố gắng ăn, uống, nghỉ ngơi, các phản ứng sẽ ổn định sau 24, hay 48 tiếng sau tiêm, nếu cảm thấy quá mệt, hãy nhờ người thân, bạn bè đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Ngoài ra, người bị cao huyết áp hay khi đi khám sàng lọc mới biết huyết áp hơi cao thì nên đo huyết áp mỗi 4 đến 6 tiếng trong 24 tiếng đầu sau tiêm.

Sau 4 ngày tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nếu người được tiêm vẫn còn đau vị trí tiêm, hoặc đau nơi nào đó trên cơ thể mà không dứt, đau nhiều không giảm, hãy đến cơ sở y tế khám bệnh, gọi đến số điện thoại được cung cấp sau tiêm để được tư vấn.

Các chuyên gia khuyến cáo, dù đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta không nên chủ quan bởi tỉ lệ tiêm ngừa ở cộng đồng còn thấp, tác dụng bảo vệ của vắc xin không thể đạt 100%, vì vậy mọi người vẫn phải đảm bảo nguyên tắc 5K trong phòng, chống COVID-19 để bảo vệ mình và cộng đồng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI