|
Cầu Bưng mới ngưng thi công, giờ cao điểm, khu vực này được người dân cho biết, kẹt xe trầm trọng hơn lúc chưa khởi công dự án |
Dự án nằm im chỉ vì lý do lãng nhách
Dự án xây mới cầu Bưng nhằm thay thế một chiếc cầu nhỏ, vốn như nút thắt cổ chai ở đường Lê Trọng Tấn, đoạn tiếp giáp giữa Q.Tân Phú và Q.Bình Tân, dài 560m, tổng vốn đầu tư hơn 514 tỷ đồng. Ngoài giải quyết nạn kẹt xe kinh hoàng, cầu Bưng mới còn đồng bộ với dự án tiêu thoát nước, giải quyết ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang thực hiện.
Ngồi buồn thiu chờ khách, ông Tuấn - chạy xe ôm, đậu xe ngay ngã tư Lê Trọng Tấn - CN1 (kế bên dự án cầu Bưng mới) - tếu táo: “Lẽ ra bây giờ, người dân đã có một cây cầu khang trang. Vậy mà, nhìn coi!”.
Nơi công trường xây cầu, khối bê tông, sắt thép của cây cầu xây dang dở lửng lơ bên trên. Bên dưới, hàng rào chắn kín, lấn ra lòng đường khiến xe cộ ùn ứ. Nước từ kênh Tham Lương dưới lòng cầu bị tắc nghẽn, đầy rác và cỏ lút đầu, mùi hôi thối xộc lên không chịu được.
Anh Ân - một người sống gần cầu - cho biết, xưởng nhôm kính gần 800m2 của anh lỗ mấy tỷ đồng theo dự án xây cầu này. Công trường xây cầu nằm chắn ngang mặt tiền khiến không chỉ xưởng anh Ân mà hơn chục hộ dân khác không thể kinh doanh trong ba năm qua.
Nhiều lần giám sát tiến độ thực hiện dự án xây cầu Bưng mới, đại biểu HĐND TPHCM tỏ ra phấn khởi trước sự ủng hộ của người dân. Tính luôn việc mở rộng đường Lê Trọng Tấn trước đó cho đến xây cầu, hàng trăm hộ dân phải di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Giờ thì dự án cầu Bưng mới “trùm mền”, khối bê tông nham nhở sừng sững trên đầu người như trêu ngươi, thách thức sự chịu đựng.
Năm 2018, HĐND TPHCM cũng giám sát, xem vì sao ngưng xây. Mới đây, đoàn tiếp tục về kiểm tra, nhưng tiến độ vẫn ì ạch. Nguyên nhân khiến dự án nằm im là: chưa nhận được mặt bằng từ Công ty TNHH Hwata Việt Nam (doanh nghiệp của Đài Loan) và Công ty cổ phần Bánh Givral (doanh nghiệp của Việt Nam), với 888m2 nằm trong ranh khu công nghiệp Tân Bình.
Phần mặt bằng phải bàn giao của hai doanh nghiệp trên đều không “dính” đến nhà xưởng hoặc có công trình trên đất mà chỉ “dính” hàng rào cùng một khoảng sân trống. Họ sẵn sàng nhận bồi thường, trao lại mặt bằng để dự án tiếp tục được thi công với điều kiện phải đưa ra mức tiền đền bù. HĐND TPHCM đánh giá cao thiện chí này bởi thực tế, hàng chục dự án khác đang tắc nghẽn do người dân không chấp nhận đền bù, nói không với di dời. Đằng này, chỉ cần đưa ra một cái giá, nhưng nhiều năm qua, các cơ quan liên quan không làm được.
|
Dự án chắn ngang mặt tiền khiến việc kinh doanh của các hộ dân "đứng hình" theo dự án |
Lại kiểu “đá qua đá lại”
Theo các đơn vị liên quan, không đưa ra được mức đền bù cho hai công ty nói trên là do không biết tính sao cho hài hòa, trọn vẹn. Năm 1997, hai công ty này thuê đất trong khu công nghiệp Tân Bình với hình thức thuê đất của Nhà nước trong 50 năm, với giá thuê rất thấp. Nay giá đất tăng mạnh nên không biết áp mức giá nào.
Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM gửi công văn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn ban hành giá đất bồi thường tại khu công nghiệp Tân Bình để làm căn cứ tính. Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sở xin ý kiến của Bộ Tài chính.
Sau nhiều lần trao đổi, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vẫn tiếp tục chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chỉ cần Bộ Tài chính có hướng dẫn, sở sẽ lập tức báo với UBND TPHCM để chỉ đạo bồi thường.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị, HĐND TPHCM - cho biết, ông đã xem các văn bản do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM soạn thảo, gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như gửi cho Bộ Tài chính, thì thấy rằng, văn bản chung chung, không rõ ràng. “Đọc văn bản thì thấy không có khả năng nào để Bộ Tài chính trả lời cả. Cách mà văn bản thể hiện đã cho thấy trước kết quả rồi” - ông Kiên nói.
Tương tự, bà Phạm Quỳnh Anh - Phó trưởng ban Pháp chế, HĐND TPHCM - chỉ rõ: “Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM không nêu rõ dự án đang vướng chỗ nào, cần đề xuất và giải quyết gì để Bộ Tài chính có căn cứ trả lời. Thú thực, đọc văn bản của sở, không hiểu ý sở muốn nói gì hết, nên có chờ thì bộ cũng chẳng trả lời được”.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - phải thốt lên: “Một dự án dân sinh mà các sở, ngành không ngồi lại với nhau, sau đó tham mưu cho UBND TPHCM về phương án giải quyết, để ra một văn bản cho đúng”. Bà Lệ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM dừng quản lý hồ sơ trên giấy tờ để đi thực địa để thấy rõ dự án cầu Bưng mới đã ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân ra sao.
Bà Lệ cũng chỉ ra thêm các dự án giao thông trọng điểm khác đang bị chậm tiến độ, như một dự án tại H.Nhà Bè 20 năm chưa hoàn thành khiến người dân kêu trời. “Cũng vì các sở, ngành không bàn bạc để phân chia trách nhiệm. Vướng mắc như quả bóng, cứ đá qua đá lại, không có một tổng tư lệnh để chỉ huy, điều phối” - bà Lệ phân tích.
Trước lo lắng của vị Chủ tịch HĐND TPHCM về tiến độ ì ạch của dự án, đặc biệt là không có tín hiệu sẽ tiếp tục triển khai, ông Phạm Minh Mẫn - Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú - đề xuất, đối với Công ty TNHH Hwata Việt Nam, nên chăng giải quyết bằng phương án ngoại giao, tức có tác động từ Lãnh sự quán Đài Loan?
Bà Lệ bật cười, chỉ rõ, một dự án trong nước, như bao dự án khác, việc giải quyết phải vận dụng bằng cơ chế, chính sách, pháp luật trong nước, nhất là khi dự án đó chưa cho thấy sự chung tay giải quyết của các đơn vị liên quan.
|
Kênh Tham Lương dưới lòng cầu Bưng bị tắc ứ. Nước kênh đen ngòm xộc mùi hôi thối khiến người dân ngán ngẩm |
Nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ
Ngày 13/5, tại cuộc họp về tình hình thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM do Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức, sở này đã chỉ ra nhiều dự án chậm tiến độ.
Đơn cử, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Đây là dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án này hiện vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dự án sửa chữa “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng “rùa bò”. Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - yêu cầu các đơn vị liên quan dự án rà soát, điều chỉnh kế hoạch tiến độ thi công chi tiết trên từng phân đoạn, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian dự kiến. Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo việc tiêu thoát nước trong mùa mưa tới đây.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chín lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) tại bến phà An Phú Đông được bố trí đủ vốn, không vướng về mặt bằng nhưng tiến độ thi công vẫn chậm so với kế hoạch. Ông Lâm yêu cầu chấn chỉnh công tác điều hành thi công, rà soát năng lực đơn vị thi công.
Dự kiến trong tuần này, HĐND TPHCM tiếp tục giám sát các công trình giao thông trọng điểm của thành phố tại một số quận, huyện khác.
|
Tuyết Dân