Vì sao chuyển tiền từ 10 triệu đồng phải xác thực vân tay, khuôn mặt?

29/05/2024 - 06:47

PNO - Theo ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, việc xác thực bằng sinh trắc học tăng cường lòng tin của công chúng vào thanh toán điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trực tuyến.

Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7 tới đây, tất cả các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải triển khai áp dụng các giải pháp bảo mật nhằm giảm thiểu rủi ro.

Trong đó, với các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên mỗi lần giao dịch hoặc 20 triệu đồng/ngày thì phải được xác thực sinh trắc học (dùng vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu CCCD gắn chip hoặc thông tin sinh trắc học khách hàng đã đăng ký với tổ chức tín dụng.

Chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực bằng sinh trắc học (Ảnh minh họa)
Chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực bằng sinh trắc học (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu rất kỹ mới chọn mốc giao dịch 10 triệu đồng, vì trên 70% giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng là từ 10 triệu đồng. Một số kẻ gian có thể sẽ “lách” bằng cách cố tình thực hiện chuyển số tiền 9,9 triệu đồng/giao dịch nên Ngân hàng Nhà nước quy định thêm mức tối đa là 20 triệu đồng/giao dịch phải xác thực sinh trắc học. Nếu kẻ gian có “lách” thì cũng chỉ thực hiện được 2 giao dịch/ngày. “Quy định này còn nhằm hạn chế các tài khoản không chính chủ (có được do mua, bán, cho thuê…) chuyển tiền, ngăn ngừa việc luân chuyển dòng tiền lừa đảo để tẩu tán, chiếm đoạt” - ông Lê Anh Dũng khẳng định.

Giải thích vì sao các cơ quan báo đài truyền thông rất nhiều về các chiêu thức lừa đảo nhưng hoạt động lừa đảo vẫn diễn ra, số lượng người bị lừa nhiều hơn, số tiền bị lừa ngày cao càng, có trường hợp lên tới vài chục tỉ đồng, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) - cho rằng, giáo dục tài chính là một phần nhưng nếu không giải quyết được vấn đề trọng tâm, cốt lõi - là công nghệ thì tình trạng lừa đảo rất khó giảm. Bởi nhiều người bị lừa đảo đều là những người có kiến thức cao, thậm chí là nhân viên ngân hàng, họ bị thao túng tâm lý nên dễ dàng sập bẫy.

Để thực hiện Quyết định số 2345, trong đó đầu tư sinh trắc học thì ngân hàng bỏ ra chi phí không nhỏ nhưng các ngân hàng đều miễn phí toàn bộ chi phí này cho khách vì các ngân hàng xác định đây là đầu tư đáng “đồng tiền bát gạo”. Khi khách hàng được bảo vệ thì họ sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng hiệu quả.

Theo thông tin từ ông Tiến Phát, hiện ACB đã đầu tư công nghệ sinh trắc học ở giai đoạn cuối cùng. Dự kiến tới tháng 6/2024 sẽ thông báo khách hàng đăng ký. Việc xác thực này rất mượt mà, khách chỉ đăng ký lần đầu, các lần giao dịch sau thì khách chỉ cần đưa gương mặt trước camera điện thoại hoặc dùng vân tay thì giao dịch được thực hiện.

Thanh Hoa - Mỹ Hạnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI