Vì sao chi phí xét nghiệm lao tăng chóng mặt

15/09/2016 - 06:12

PNO - Nhiều phụ huynh phản ánh với báo Phụ nữ TP.HCM: Trong quá trình đi làm hồ sơ, khám sức khỏe để đi du học, chi phí xét nghiệm lao gần đây tại bệnh viện (BV) chợ Rẫy tăng hơn 10 lần.

Chênh lệch hơn 2 triệu đồng

Ông Trần Văn Tâm (ngụ tại TP.HCM) cho biết, khi đưa con tới khám sức khỏe tại BV Chợ Rẫy, ông “giật mình” khi nghe nhân viên phòng khám thông báo chi phí xét nghiệm lao lên tới hơn 2,3 triệu đồng. “Tại sao trước đó, bạn của con gái tôi đi làm xét nghiệm lao cũng tại BV này chỉ tốn chưa tới 230.000 đồng, trong khi con tôi khám thì chi phí hơn gấp 10 lần. Tôi hỏi nhân viên phòng khám thì được biết, gần đây, BV thay đổi cách xét nghiệm nên giá cao. Có phải BV “ăn chia” với bên công ty cung ứng hóa chất xét nghiệm để “móc túi” người bệnh?”, ông Trần Văn Tâm phản ánh.

Anh Lê Hồng Vinh, giám đốc một công ty chuyên về lĩnh vực du học cho biết, công ty của anh vừa đưa ba học sinh đi du học tại Hàn Quốc. Chi phí xét nghiệm lao của ba học sinh này tại BV Chợ Rẫy gần bảy triệu đồng. Tại TP.HCM mỗi năm có hàng ngàn học sinh khám sức khỏe để du học. “Cho đến cuối tháng 8/2016, khi tôi đưa học sinh tới làm xét nghiệm, BV Chợ Rẫy vẫn cho biết chưa có loại thuốc xét nghiệm chi phí thấp”.

Vi sao chi phi xet nghiem lao tang chong mat

Theo anh Vinh, Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) hiện vẫn chấp nhận kết quả cả hai loại xét nghiệm này. “Tại sao người ta lại sử dụng thuốc mới, mắc tiền, gây lãng phí và tốn kém cho người khám bệnh?”, anh Vinh nêu thắc mắc.

Khan hiếm chế phẩm xét nghiệm

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, một lãnh đạo BV Chợ Rẫy cho biết, BV Chợ Rẫy không độc quyền làm xét nghiệm này. Có hai xét nghiệm để tầm soát lao là TST (Tuberculin Skin Test - sử dụng thuốc thử Tuberculin purifi ed protein derivative, làm phản ứng trong da) và IGRA (Interferon - Gamma Release Assays) hay còn gọi là TB blood test. Xét nghiệm IGRA trên bệnh phẩm máu sử dụng một trong hai testkit là: QuantiFERON �-TB Gold In-Tube test (QFT-GIT) T-SPOT �.TB test (T-Spot), mới được triển khai ở BV Chợ Rẫy.

Cả hai xét nghiệm TST và IGRA đều được Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) chấp nhận. Tuy nhiên, kỹ thuật và chi phí của hai loại xét nghiệm rất khác nhau, do đó mới có sự chênh lệch giá như trên. Phương pháp xét nghiệm TST có ưu điểm là chi phí rẻ, thực hiện khá nhanh và ít công sức, thời gian, nhưng cũng có nhược điểm như: có thể cho kết quả dương giả nếu bệnh nhân có chích ngừa lao hoặc hít phải những vi khuẩn họ lao không gây bệnh vẫn có thể dương tính.

Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm lao mới IGRA thì độ nhạy và chính xác cao hơn nhưng… chi phí cao, kỹ thuật phức tạp và nhân viên y tế mất nhiều công sức để thực hiện. Cũng theo vị lãnh đạo này, sự khác biệt về chi phí giữa hai xét nghiệm trên là do giá thành của chế phẩm sử dụng trong hai xét nghiệm khác nhau. Hiện nay, chế phẩm xét nghiệm TST đã hết và chưa tìm được nguồn cung cấp. Do đó, BV buộc phải triển khai xét nghiệm IGRA cho người có nhu cầu xét nghiệm tầm soát lao.

BV đã chủ động liên hệ với nhiều nhà cung cấp, tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới không còn sử dụng xét nghiệm cũ và chuyển sang chế phẩm mới nên số lượng nhà cung cấp giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng đột biến nên dòng chế phẩm cũ không đáp ứng đủ. “Khi bệnh nhân đến khám và có nhu cầu thực hiện xét nghiệm này, BV đều tư vấn cho bệnh nhân, nếu đồng ý mới tiến hành. Không có chuyện BV “bắt tay” với nhà cung cấp chế phẩm xét nghiệm để trục lợi”, lãnh đạo BV Chợ Rẫy khẳng định.

Tiến Đạt - Vinh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI