Vì sao cầu tàu Ba Son trăm năm đổ sập?

24/05/2019 - 07:31

PNO - Cú sụp đổ của một cầu tàu trăm năm tuổi xuống lòng sông, ngày nay, nếu cứ mặc tình cố ý, sẽ không kịp để lại lời sám hối trước khi trả giá với chính mình.

9g15 ngày 20/5/2019, cầu tàu K, một trong ba cầu tàu (cùng với H-L) thuộc ụ tàu Ba Son đã đổ sập hoàn toàn xuống sông Sài Gòn, kéo theo 130 năm tuổi và không nhiều chỉ dấu còn sót lại của một nguyên bản về đô thị cảng sông. 

UBND TP.HCM ngay lập tức đã nhận được báo cáo sự cố. Sở Giao thông Vận tải ngay tức thời đã yêu cầu chủ đầu tư (Công ty TNHH Thương mại và đầu tư phát triển Thiên Niên Kỷ - gọi tắt là Công ty Thiên Niên Kỷ) bố trí bảng hiệu hàng hải chuyên dùng để cảnh báo cho tàu thuyền qua lại khu vực này, đồng thời thông báo cụ thể về kế hoạch khắc phục sự cố và kế hoạch gia cố, sửa chữa cầu tàu. 

Khắc phục, gia cố, sửa chữa như thế nào khi 1.500m2 đã đổ sập hoàn toàn xuống sông? Tại sao không gia cố, sửa chữa khi nó còn hiện diện trên bờ? 

Đang gia cố, tại sao không đánh giá được “thể trạng” cầu tàu để có thể “cấp cứu” từng phần mà không phải sụp đổ toàn phần một cách tức tưởi như thế? 

Đã có đề xuất (của Công ty Thiên Niên Kỷ) và nhận được sự đồng thuận của UBND thành phố, sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải về việc chuyển đổi công năng toàn bộ cầu tàu Ba Son thành bến tàu thủy, phục vụ khách nội địa và du lịch; tại sao không đảm bảo quá trình và hiệu quả bảo tồn - chuyển đổi? 

Vi sao cau tau Ba Son tram nam do sap?

Cầu tàu đổ sập hay trách nhiệm trong công tác thi công bảo tồn đã bị sập đổ? 

Cầu tàu K hiện nằm trong khuôn viên dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son của Công ty Thiên Niên Kỷ. Trước đó, Thiên Niên Kỷ đề xuất chuyển đổi công năng của cây cầu hơn một thế kỷ. Rồi thì nay, hơn-một-thế-kỷ ấy đổ sụp ngay trước mắt Thiên Niên Kỷ. Rõ là…

***

Trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ di sản cho cộng đồng, xung đột kinh tế - văn hóa diễn ra gần như tất yếu. Trách nhiệm, tầm nhìn và bản lĩnh của một chính quyền và những người đứng đầu chính quyền là mang lại sự cân bằng và hài hòa giữa tốc độ phát triển văn minh với giá trị cốt lõi văn hóa. 

Trong vụ sập đổ cầu tàu K, không có thiệt hại về người. Nhưng tôi nghĩ, đó lại là một thảm hại của con người, cho chính con người. Đổ lỗi cho thời gian, bởi đã 130 năm tuổi ư? Đổ tội cho con sông, bởi đã nuốt chửng cầu tàu ư? Rồi thì “khắc phục” bằng cách mô phỏng, xây mới một cầu tàu X, Y, Z, rồi thì trăm năm sau, con cháu cũng có cái để gọi là “di sản”… Chẳng sao hết, cái giá trị không - thời gian kia mơ hồ, hư ảo lắm, chả phải bằng trị giá có thể đếm được, thứ mệnh giá có thể mua bán được. 

Chỉ có điều, từ đầu bờ cầu tàu Ba Son (đã sụp), nhìn về bờ Tân Cảng, cái cầu cảng cũ cũng không còn. Nó bị chôn đè lên bởi những khối bê tông thản nhiên chòi đạp, lấn lướt; tha hồ bẻ cong, uốn dòng. Sông Sài Gòn cứ như bị thương tích một bên mình. 

Trong Quyết định 3457 của UBND TP.HCM về Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (ký ban hành ngày 28/6/2013), điều 41 - Khu Ba Son, phần Tổng quát có ghi: “Khu Ba Son phải được phát triển hài hòa với những công trình kiến trúc lịch sử còn được giữ lại trong khu vực nhằm truyền tải ký ức về một xưởng tàu xưa cho thế hệ tương lai”. 

Tôi tin vào nhận thức và ý chí của chính quyền thành phố, tin vào trách nhiệm vì cộng đồng của những người cùng cộng đồng trách nhiệm, thông qua cái văn bản trên. Còn thực tế, từ cú sụp đổ cầu tàu K, nghĩa là đã mất đi một phần của sự “truyền tải ký ức”, như một bài học đau xót, để cần hơn nữa những động thái mạnh mẽ, quyết liệt; hài hòa chứ không thỏa hiệp, uyển chuyển chứ không nhượng bộ để thúc đẩy phát triển mà vẫn giữ gìn di sản - thành phố. 

Cú rẽ sóng để đi vào lòng biển, tự xa xưa là lời tha thứ của hậu thế với tiền nhân bởi “nỏ thần vô ý trao tay giặc”, bởi phút lầm lỡ ngủ quên trên chiến thắng. 

Cú sụp đổ của một cầu tàu trăm năm tuổi xuống lòng sông, ngày nay, nếu cứ mặc tình cố ý, sẽ không kịp để lại lời sám hối trước khi trả giá với chính mình. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI