Vì sao cần xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ 350 km/h?

01/10/2024 - 21:17

PNO - Bộ GTVT kiến nghị xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam với tốc độ 350 km/h, thay vì 250 km/h, dự kiến khởi công vào năm 2027.

Bộ Giao thông vận tải thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Bộ Giao thông vận tải thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam - ảnh: M.H

Tốc độ 350km/g là phù hợp

Chiều 1/10, tại buổi trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy khẳng định, đây là dự án đặc biệt, quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ.

Quá trình nghiên cứu dự án trải qua 18 năm, bắt đầu được triển khai từ năm 2006. Dự án có sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn trong và ngoài nước. Trong đó, việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam với tốc độ 350km/g được đánh giá phù hợp.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, tốc độ 250km/g đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến trong giai đoạn khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình. Tốc độ 350km/g và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của Việt Nam.

Trong khi đó, chi phí đầu tư tốc độ 350km/g chỉ cao hơn tốc độ 250km/g khoảng 8-9% nhưng đảm bảo tầm nhìn dài hạn. “Nếu đầu tư với tốc độ 250km/g, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/g là khó khả thi và không hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam bố trí 23 ga hành khách, đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng. Từ đó, dự án tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao công cộng; đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện. Đến nay, vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.

Do đó, Thứ trường Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/g cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

"Cú hích kinh tế, du lịch, thương mại"

Về nguồn lực đầu tư dự án, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỉ USD. Dự án dự kiến khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Trong đó, dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỉ USD.

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ áp dụng hình thức đầu tư công. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc... Trong bước tiếp theo sẽ xác định cụ thể nguồn vốn, đồng thời trong quá trình xây dựng và vận hành, Bộ GTVT cho hay sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam nhằm mục tiêu vận chuyển hành khách, phục vụ quốc phòng và an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Với những đóng góp như trên, Thứ trưởng Bộ GTVT kỳ vọng: “Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam là động lực, cú hích phát triển nền kinh tế các ngành nghề công nghiệp, vật liệu xây dựng, du lịch, thương mại, giảm phát thải, đảm bảo quốc phòng, an ninh".

Liên quan tới công nghệ, theo Bộ GTVT, trên thế giới có 3 loại hình công nghệ đường sắt là công nghệ chạy trên ray, công nghệ chạy trên đệm từ trường, công nghệ chạy trong ống.

Trong số này, công nghệ chạy trên ray là phổ biến vì tin cậy và hiệu quả nên được kiến nghị lựa chọn. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, nước ta sẽ tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa các thiết bị phụ tùng thay thế, từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.

Việt Nam cũng định hướng phát triển công nghiệp đường sắt, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao mà cả đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị và tiến tới từng bước sản xuất, lắp ráp nội địa hóa hoàn toàn.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI