Vì sao cán bộ 'rớt' lia lịa?

11/09/2019 - 08:03

PNO - Con người tạo nên công cụ để kiểm soát chính mình. Cũng có khi họ tuân thủ với cơ chế vận hành của bộ máy công cụ. Nhưng cũng là họ, bẻ cong đường ghi, phá bức tường lửa, định chế lại bị khắc chế bởi thủ thuật.

Nối gót Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đương nhiệm tỉnh Khánh Hòa vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm “rất nghiêm trọng” là Chủ tịch UBND và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng bị Thủ tướng Chính phủ kỷ luật khiển trách, cảnh cáo.

Ban Bí thư cũng vừa có quyết định cách mọi chức vụ trong Đảng đối với Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh, cách chức Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai đối với ông Hồ Văn Năm… Chưa tính những “trái phá” dội lại từ những cựu cán bộ cấp cao đã vướng vào vòng lao lý.

Tính chất, mức độ, cách thức, hậu quả sai phạm của hàng loạt cán bộ cao cấp, cán bộ trung ương, cán bộ địa phương càng đặt ra dấu hỏi lớn về công tác cán bộ và quy trình chọn lọc, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế kiểm tra, kiểm soát cán bộ. Trong đó tiêu chí đầu vào, tiêu chuẩn quy hoạch và môi trường tương tác (trong công tác), công cụ kiểm định (chất lượng) cán bộ đang chứa đựng nhiều bất cập, là “chất xúc tác” cho thói cơ hội, hình thức, tham nhũng lên ngôi, là lực cản của tri thức, tâm huyết và trách nhiệm cống hiến.

Trong bài báo Tìm người tài đức, đăng trên báo Cứu Quốc số 411, ra ngày 20/11/1946, có đoạn: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận…”, tác giả bài báo ký tên: Chủ tịch Chính phủ Việt Nam - Hồ Chí Minh.

73 năm sau, khuyết điểm ấy, có ai chịu nhận?

Vi sao can bo 'rot' lia lia?
Những cán bộ cao cấp tha hóa, thi nhau "rớt" lia lịa

Người tài vẫn đang tiếp tục cống hiến, cơ hội dành cho người tài không thiếu, cơ chế trọng thị, đãi ngộ người tài rộ khắp. Nhưng người tài trong bộ máy lãnh đạo, trong thiết chế quản trị, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo có phát huy đúng lựa chọn và được lựa chọn? Môi trường công tác có tiếp tục thúc đẩy năng lực hay dần dà, rốt cuộc lại trở thành ma trận làm thoái hóa dần phẩm cách con người cán bộ?

Một địa phương mà cả người đứng đầu tổ chức Đảng lẫn chính quyền đều sai phạm (như Khánh Hòa), sai phạm được “kế thừa” qua hai đời chủ tịch (như UBND TP.Đà Nẵng). Một cơ quan mà từ thủ trưởng đến các cộng sự giúp việc, tham mưu, phụ trách mảng đều vi phạm kỷ luật nghiêm trọng (như Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai)…

Người từng là phó giám đốc, nay bị kết luận “sai phạm rất nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ phó giám đốc” nhưng vẫn được bổ nhiệm là giám đốc công an tỉnh (đối với ông Huỳnh Tiến Mạnh). Vậy ở đâu cái gọi là công tác đánh giá cán bộ, quy trình kiểm điểm cán bộ đảng viên hằng năm? Ở đâu vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng? Ở đâu trách nhiệm kiểm tra của Đảng, thực thi kỷ luật Đảng? Trước khi xem xét để bổ nhiệm, công tác lấy phiếu tín nhiệm trong tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị như thế nào?

Hỏi cũng chỉ là tự trả lời. Câu trả lời duy nhất mà tôi không biết, nó ở đâu khi hiện diện đẹp đẽ trong các biên bản hội họp, thùng phiếu, trong các phát biểu dĩ hòa, ấy là sự trung thực.

Thiếu tính xác thực và cơ chế kiểm tra, đánh giá tính xác thực ấy, dẫn tới nhiều hệ lụy của nạn đối phó, hình thức, giả dối. Sự yếu ớt của một tổ chức, sự lụn bại của những con người - cán bộ từ đấy mà nở nồi, lây lan.

Trong công trình Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu… Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra”.

Để hoàn tất tiêu chuẩn trong lực lượng được gọi là “cán bộ nguồn”, “cán bộ trong diện quy hoạch”, nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao, lớp học hoàn chỉnh được mở ra. Cán bộ (phải) đăng ký dự học rào rào. Giá trị và chất lượng thật sự của những khóa học ấy được kiểm chứng, nghiệm thu (trong thực tế) ra sao. Tôi không rõ.

Hẳn phải có người chuyên tâm học hành, nghiên cứu, áp dụng. Nhưng cũng đã và đang tồn tại một sự thật (mà không ai dám thừa nhận), ấy là sự đối phó để được “hoàn chỉnh” hồ sơ cán bộ. Ngay từ những bước đệm đầu tiên đã cho thấy một sự dung dưỡng khá tiêu cực.

Dĩ nhiên, không thiếu những người giỏi, người tài, người tử tế đã và đang hiện diện trong hệ thống các cấp, từ các cơ quan Đảng đến đơn vị quản lý nhà nước. Nhưng, một khi bộ lọc - để lập thành danh sách “quy hoạch cán bộ” là tấm màng thưa, người tài đức hẳn nhiên xa lạ với mọi hình thức tranh thủ, lợi dụng; trái lại đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho khối kẻ cơ hội, nhanh chân lẹ óc tìm kiếm những lá phiếu hay cái gật đầu cất nhắc.

Trong thương vụ mua bán MobiFone - AVG, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà khai nhận, sở dĩ thúc đẩy quá trình đàm phán - ký kết hợp đồng thật nhanh, giá thật cao là để làm đẹp lòng cấp trên, để “giữ ghế” cho nhiệm kỳ tiếp theo và “ẵm” luôn gói 2,5 triệu USD lại quả.

Có thực chứng cái quy trình bổ nhiệm, trong hầu hết các chức vụ, cấp độ của bộ máy quản lý mới thấy quả thực nó bài bản, chặt chẽ. Có nắm bắt những tiêu chuẩn, đánh giá, kiểm soát cán bộ ở cả vai trò tổ chức Đảng lẫn chính quyền đều công nhận nó đòi hỏi khắt khe, yêu cầu rốt ráo. Nhưng, mọi quy trình, tiêu chuẩn rồi cũng xoay vần trong bàn tay con người.

Con người tạo nên công cụ để kiểm soát chính mình. Cũng có khi họ tuân thủ với cơ chế vận hành của bộ máy công cụ. Nhưng cũng là họ, bẻ cong đường ghi, phá bức tường lửa, định chế lại bị khắc chế bởi thủ thuật. Nỗi sợ hãi bị trừng phạt (bởi công cụ pháp chế) lại bị chính con người vô hiệu.

Rốt cuộc, con người - cán bộ hay quy định, cơ chế, ai, cái nào quyết định sự sống còn và “sống còn” cho ai - nếu không phải chính họ, chính cái thể chế, bộ máy đang đứng trước vận hội khắc nghiệt nhất, thử thách nhất.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI