Vì sao California xảy ra những đợt hỏa hoạn khủng khiếp?

27/08/2020 - 18:01

PNO - Chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, hơn 700 vụ cháy rừng đã xảy ra ở Californnia (Mỹ), thiêu rụi 500.000 hecta rừng. Thống đốc bang California Gavin Newsom mới đây đã phải ôm đầu thốt lên: “Chúng tôi chưa từng chứng kiến điều tồi tệ như thế này trong nhiều, rất nhiều năm qua”.

Cơ quan Phòng cháy và bảo vệ rừng California (CalFire) cho biết, đã có hơn 700 vụ cháy rừng xảy ra từ 15 đến 26/8/2020, thiêu rụi 500.000 hecta rừng. Trong vòng chưa tới 12 ngày, đã có 2/3 vụ cháy rừng so với cả năm 2018; và đáng ngại hơn khi hiện nay vẫn chưa đến cao điểm của mùa khô vào tháng 9 và tháng 10. 

San Jose và San Francisco cũng được liệt vào danh sách thành phố có nhiều đám cháy rừng nhất ở Mỹ.

California đang phải hứng chịu những trận cháy rừng khủng khiếp nhất trong lịch sử - Ảnh: AFP
California đang phải hứng chịu những trận cháy rừng khủng khiếp nhất trong lịch sử - Ảnh: AFP

Những đám cháy trước đây chủ yếu là do con người vô tình hoặc cố ý gây ra. Năm nay, các đám cháy cũng vẫn do con người gây ra, nhưng thông qua một tác động khác mang tên “biến đổi khí hậu”.

Những người lính cứu hỏa đang đứng nhìn một cách bất lực trước đám cháy quá lớn xảy ra tháng 8/2020 - Ảnh: Marcio Jose Sanchez/AP
Những người lính cứu hỏa đang đứng nhìn một cách bất lực trước đám cháy quá lớn xảy ra tháng 8/2020 - Ảnh: Marcio Jose Sanchez/AP

Vào ngày 16/8/2020, tại một trạm giám sát ở thung lũng Chết nằm sát biên giới của California và Nevada, người ta đo được nhiệt độ bên ngoài lúc đó là 54,4°C. Đây được xem là mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay, phản ánh một xu hướng rộng hơn của hiện tượng ấm lên toàn cầu đang tấn công người dân California.

Theo báo cáo từ Ủy ban Quốc gia về khí quyển và đại dương Mỹ thì ở nhiều bang của Mỹ, với sự “góp sức” của những đám cháy lớn, đã khiến nhiệt độ tăng lên thêm 2°C tính từ 1895-2018, cao gấp 2 lần so với nhiệt độ bình quân trên toàn cầu.

Nhiệt độ và không khí càng lúc càng nóng và khô hơn khiến cho California phải chứng kiến nhiều đợt hạn hán khủng khiếp. Chẳng hạn như đợt hạn hán kéo dài nhất được ghi nhận xảy ra trong năm 2019. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí khoa học Nature Geosciences, thì hạn hán đã cướp đi sự sống của 150 triệu cây xanh.

Thảm họa này khiến bang California phải ban hành ngay một kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của những đám cháy bắt nguồn từ các thân gỗ mục chết khô vốn cực kỳ nhạy và bén với những mồi lửa. Thế nhưng, vẫn quá muộn.

Đợt hạn hán tấn công trở lại vào tháng 2/2020 khiến cho quan chức của bang này đã phải “ngồi trên đống lửa” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nghiên cứu mới đây của giáo sư Michael Goss cùng cộng sự tại Đại học Stanford (Mỹ) đăng trên tạp chí Nghiên cứu môi trường chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ cháy rừng trên quy mô lớn, dài ngày ở bang California trong suốt mùa thu.

Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân làm tăng mối nguy phát sinh các đợt sét đánh; các tia sét sẽ biến những cánh rừng thành “hỏa ngục” chỉ trong nháy mắt.

Những vụ cháy rừng mới đây ở nam California cũng bắt đầu bằng một đợt sấm sét kèm tia chớp xoẹt ngang dọc khắp khu vực vịnh San Francisco (Bay Area), “tạo ra hơn 11.000 tia sét tấn công liên tục suốt 3 ngày đêm”, CalFire cho biết.

Giáo sư David Romps - Đại học California, Berkeley (Mỹ) - công bố một nghiên cứu khoa học trên tạp chí chuyên ngành Science năm 2014, số lượng các tia sét “giáng” xuống khắp nước Mỹ sẽ tăng khoảng 12% cho mỗi °C của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

lightning storm crackles over Mitchell's Cove in Santa Cruz around 3 a.m. Sunday. Photo by Shmuel Thaler, The Santa Cruz Sentinel via AP
Một trận bão sét đánh xuống hạt Mitchell ở Santa Cruz lúc 3g sáng 18/8/2020 - Ảnh: Shmuel Thaler/The Santa Cruz Sentinel via AP

Biến đổi khí hậu không hề là một vấn đề “tự nhiên xảy đến”. Các đám cháy cũng vậy. Nó là hậu quả của những chính sách sai lầm của con người khiến những cánh rừng trở nên mong manh trước nguy cơ bị nuốt chửng bởi "thần lửa".

Viễn cảnh một biển lửa tấn công khu vực vịnh San Francisco nơi có 7 triệu người dân đang sinh sống khiến người ta không khỏi rùng mình với cái giá quá lớn mà con người đang phải trả. Đợt cháy ngày 25/8 đã cướp đi sinh mạng của 7 người. Bài học từ những đợt cháy rừng trước đây cũng vẫn còn nguyên giá trị đối với người dân California. Năm 2018, một đợt hỏa hoạn đã thiêu trụi một thị trấn và giết chết 85 người.

Tình trạng ấm lên toàn cầu là một trong những nguyên  nhân gây ra các đợt cháy rừng trên diện rộng - Ảnh: ucsusa
Tình trạng ấm lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân gây ra các đợt cháy rừng trên diện rộng - Ảnh: Union of Concerned Scientists

Nguyễn Thuận (theo The Economist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI