Vì sao các trường TPHCM chọn đưa học sinh học tập trải nghiệm bên ngoài thành phố?

02/11/2022 - 19:49

PNO - Trường học TPHCM chọn đưa học sinh đến các tỉnh thành khác tham quan, học tập trải nghiệm nhằm đáp ứng nguyện vọng của học sinh, đổi mới không gian học tập.

Hoạt động ngoại khóa, tham quan nằm trong việc đổi mới không gian học tập, trải nghiệm

Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên Trường THPT Phước Long (TP.Thủ Đức) tổ chức cho học sinh khối 10 đi tham quan trải nghiệm ở Vũng Tàu. Các năm trước trường chỉ tổ chức cho khối 11, 12 đi tham quan, học tập, trải nghiệm ở các tỉnh thành khác bên ngoài TPHCM. 

"Học sinh khối 10 năm nay gặp nhiều khó khăn do là năm đầu tiên các em học Chương trình GDPT 2018 với nhiều thay đổi về phương pháp học tập. Trong khi đó, các em lại chuyển từ bậc THCS lên bậc THPT, tâm lý, môi trường học tập cũng có sự thay đổi. Do vậy, việc đổi mới không gian học tập, trải nghiệm là điều hết sức cần thiết để các em có năng lượng học tập, dễ dàng thích nghi hơn với những thay đổi của chương trình, phương pháp học.

Hoạt động ngoại khóa, tham quan nằm trong việc đổi mới không gian học tập, trải nghiệm được học sinh và phụ huynh rất hưởng ứng..."- cô Nguyễn Thị Hà - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Long chia sẻ.

Việc tổ chức đưa học sinh ra ngoài thành phố đáp ứng các mục tiêu học tập
Việc tổ chức đưa học sinh ra ngoài thành phố đáp ứng nguyện vọng học sinh và đổi mới không gian học tập

Phó hiệu trưởng này cho biết thêm, nhà trường kết hợp vừa đưa học sinh đến các địa chỉ đỏ, bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa tại TPHCM, vừa đưa các em đến các tỉnh thành khác để các em có những cơ hội để hiểu, biết thêm về những kiến thức văn hóa, xã hội không chỉ của TPHCM mà còn là các tỉnh thành bạn. "Các kiến thức này sẽ phần nào bổ trợ việc học tập ở trên lớp cho các em, đưa các kiến thức sách vở đến gần hơn với thực tế cuộc sống".

Hàng năm, Trường THPT Tân Phong (quận 7) đều tổ chức đưa học sinh các khối lớp đi tham quan, trải nghiệm tại một số tỉnh thành như Đà Lạt, Cần Thơ... Các chuyến đi trên tinh thần tự nguyện, trong hành trình trải nghiệm học sinh được ghé vào các địa điểm như di tích lịch sử, các điểm văn hóa, ẩm thực đặc trưng...

Thầy Trần Công Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, bất kỳ chuyến tham quan ngoại khóa nào cũng được nhà trường lồng ghép các mục đích giáo dục, kỹ năng chứ không đơn thuần chỉ là đi tham quan. Sau mỗi chuyến đi, học sinh đều phải thực hiện các bài thu hoạch, chia sẻ về những điều mới mẻ các em đã học từ chuyến đi, kiến thức các bài học từ sách giáo khoa xuất hiện ở đâu trong chuyến đi...

"Việc đưa học sinh đi học tập, trải nghiệm ngoài thành phố không phải ngẫu hứng mà là kế hoạch, được nhà trường tìm hiểu kỹ, lựa chọn tỉnh thành nào phải phục vụ mục tiêu giáo dục học sinh ở các khối lớp cũng như chi phí vừa phải.

Đồng thời, nhà trường cũng đa dạng các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, như đến các bảo tàng, địa chỉ đỏ, khu du lịch, khu học tập trải nghiệm tại TPHCM để mọi học sinh đều có thể trải nghiệm.

Sau mỗi chuyến đi, học sinh đều trưởng thành hơn, các em gắn bó đoàn kết với nhau hơn, tình cảm thầy trò cũng thêm gần gũi"- hiệu trưởng này phân tích. 

Nhà trường cần phân biệt hoạt động ngoạt khoa và hoạt động học tập trải nghiệm
Nhà trường cần phân biệt hoạt động ngoại khóa và hoạt động học tập trải nghiệm

Cần phân biệt giữa hoạt động ngoại khóa và hoạt động học tập trải nghiệm 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc chỉ rõ, hoạt động ngoại khóa là nhằm củng cố kiến thức, rèn kỹ năng cho học sinh, tổ chức cho nhiều đối tượng khối lớp tham gia, không xác định được lượng kiến thức trong các môn học, có thu phí trên tinh thần tự nguyện, nhà trường xây dựng trong chương trình nhà trường. Hoạt động này không kiểm tra đánh giá.

Hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường được tổ chức ở các bộ môn trong và ngoài nhà trường, có bài kiểm tra đánh giá và phân công tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung kiến thức thực hiện, phương thức thực hiện, phương thức kiểm tra đánh giá. Phải đảm bảo yêu cầu: nội dung học tập trải nghiệm phải phù hợp với môn học, nhóm môn học theo khối lớp, phù hợp chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình giáo dục hiện hành/ chương trình 2018.

Việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường trên tinh thần tự nguyện. Các trường cần phải xây dựng phương án học tập tương đương cho học sinh không tham gia được học tập tại trường và tại nhà.

Không nên đưa học sinh lớp Một, Hai học tập trải nghiệm, ngoại khóa ngoài thành phố

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, ở bậc tiểu học có môn hoạt động trải nghiệm đối với khối lớp 1, 2, 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018; đối với khối 4, 5 theo Chương trình giáo dục hiện hành là hoạt động ngoài giờ lên lớp. 

Trong nội dung hướng dẫn chương trình môn học có các hoạt động tham quan. Thế nhưng, tùy theo từng lớp học và mục tiêu đề ra trong kế hoạch giáo dục nhà trường mà hiệu trưởng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Nhà trường xây dựng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu môn học và mục tiêu giáo dục, đảm bảo an toàn cho học sinh, trình phê duyệt.

"Hiện nay, khuyến khích học sinh các khối lớp 1, 2, 3 thực hiện theo khung Chương trình của tài liệu giáo dục địa phương TPHCM. Với học sinh khối 1, 2 thì các trường tiểu học không nên đưa các em đi tham quan trải nghiệm ở các tỉnh thành khác ngoài TPHCM vì học sinh còn quá nhỏ...", bà Lâm Hồng Lãm Thúy nói.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI