Vì sao các trạm trung chuyển hàng hóa vẫn chưa hoạt động?

02/08/2021 - 11:54

PNO - Các trạm trung chuyển hàng hóa tại ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức (TPHCM) dù đã được phê duyệt đủ điều kiện nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.

Theo kế hoạch, chợ đầu mối Hóc Môn dự kiến mở trạm trung chuyển hàng hóa vào đêm 18/7. Ngày 1/8, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - cho biết lý do trạm trung chuyển hàng hóa tại chợ chưa hoạt động được ngày nào là do tình hình dịch COVID-19 phức tạp và nhân sự thiếu hụt do nhiều người đang bị cách ly, ở trong khu phong tỏa. Ngay cả thương nhân, tiểu thương cũng không tham gia giao dịch hàng hóa qua trạm trung chuyển do phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, tốn chi phí… chẳng hạn người bán, người mua, tài xế chở hàng… đều phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả âm tính. 

Thịt heo mà nhiều nhóm hàng thiết yếu gián đoạn nguồn cung sau khi 3 chợ đầu mối đóng cửa
Thịt heo mà nhiều nhóm hàng thiết yếu gián đoạn nguồn cung sau khi 3 chợ đầu mối đóng cửa

“F0 còn ở ngoài nhiều, trong khi kết quả test nhanh cũng chưa đủ tin tưởng, việc đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tại trạm trung chuyển khó đảm bảo. Theo quy định sau 18g người dân không ra ngoài, một số thương nhân tranh thủ ban ngày giao dịch, điều phối chuyển hàng hóa trực tiếp từ nguồn đến thẳng các mối bạn hàng. Chúng tôi đang theo dõi tình hình rồi mới có thể tính tiếp được”, ông Dũng chia sẻ. 
Ông Tsàn A Sìn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - cũng cho biết trạm trung chuyển hàng hóa tại chợ này chưa đi vào hoạt động được vì các khu vực dân cư xung quanh chợ đang bị phong tỏa nhiều, gây trở ngại cho việc vận chuyển hàng hóa. Hiện Ban quản lý chợ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về thời điểm mở trạm trung chuyển. Hầu hết thương nhân tại chợ đồng tình với việc giao dịch tại trạm trung chuyển nhưng họ cho biết còn phải tùy theo tình hình dịch bệnh, chỉ khi nào các khu vực xung quanh mở phong tỏa thì mới hoạt động được. Trong thời gian này, phần lớn thương nhân chọn cách chuyển hàng hóa trực tiếp đến các mối hàng.
Trạm trung chuyển hàng hóa tại chợ Thủ Đức thì đã hoạt động từ ngày 11/7, tuy nhiên đến nay cũng chỉ mới có một thương nhân tham gia giao dịch, bán trái cây khoảng 4 - 5 tấn/ngày. Ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức - cho hay thời gian đầu hoạt động trạm trung chuyển, có khoảng 4 - 5 thương nhân tham gia, nhưng khu vực xung quanh chợ bị phong tỏa nhiều, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn nên dần dần thương nhân không tham gia nữa, chỉ còn một người bán… Hơn nữa, TP.Thủ Đức có nhiều phường bị phong tỏa, thương nhân, nhân viên của họ cũng bị kẹt trong khu phong tỏa, không ra ngoài làm việc được, nhiều thương nhân khác sợ dịch bệnh nên hạn chế đến nơi tập trung buôn bán. 
Theo một số thương nhân, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh với nhau khó khăn, tốn rất nhiều thời gian, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế chở hàng khá tốn kém. Việc mối lái gom hàng hóa từ các tỉnh để chuyển về TP.HCM khó khăn vì mỗi tỉnh có quy định siết chặt lưu thông, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 mỗi khác. Vì vậy, phần lớn thương nhân chọn cách chuyển hàng trực tiếp đến siêu thị, cửa hàng, điểm bán, không qua trạm trung chuyển. 
“Chợ phụ thuộc vào thương nhân nên chúng tôi phải chờ xem họ chuẩn bị các vấn đề nhân viên vận chuyển, bốc xếp; đầu mối nhà vườn, bạn hàng… như thế nào để biết bao giờ họ có thể hoạt động tại điểm trung chuyển”, ông Nguyễn Bình Phương nói. 
Ở thời điểm bình thường (không có dịch COVID-19), có khoảng 3.000 thương nhân và hơn 18.000 người lao động làm việc tại ba chợ đầu mối trên. Tổng lượng hàng về ba chợ đầu mối khoảng 8.500 - 8.700 tấn/ngày đêm, chủ yếu là thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… cung ứng 60 - 70% nhu cầu của TPHCM. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI