Vì sao các nước phản đối Tổng thống Trump công nhận Jerusalem?

07/12/2017 - 17:13

PNO - Bất chấp sự phản đối dữ dội của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thế giới Ả Rập, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/12 vẫn chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ông Trump tuyên bố: “Đây không ngoài một sự thừa nhận thực tế, đây cũng là điều đúng đắn cần làm, và là một việc phải làm".

Quyết định này đảo ngược gần bảy thập niên chính sách đối ngoại của Mỹ liên quan đến thành phố Jerusalem, một điểm nóng hết sức nhạy cảm trên bàn cờ Trung Đông.

Vì sao Tổng thống Trump bất chấp những chuẩn mực ngoại giao truyền thống và sự phản đối quyết liệt của nhiều nước và tổ chức quốc tế để kiên trì quyết định của mình?

Vi sao cac nuoc phan doi Tong thong Trump cong nhan Jerusalem?
Tổng thống Trump coi quyết định của mình như là một sự phá vỡ “chính sách thất bại” về Jerusalem trong nhiều thập kỷ - Ảnh: NYTimes

Tổng thống Mỹ lập luận rằng, "Sẽ là dại dột nếu giả định rằng việc lặp lại chính xác cùng một công thức sẽ tạo ra kết quả khác biệt hay tốt hơn”, đồng thời nhấn mạnh việc công nhận Jerusalem là “một bước đi đã quá trễ để thúc đẩy tiến trình hòa bình”.

Tổng thống Trump coi quyết định của mình như là một sự phá vỡ “chính sách thất bại” về Jerusalem trong nhiều thập kỷ, mà Hoa Kỳ, cùng với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, đã từ chối công nhận (Jerusalem) là thủ đô của Israel kể từ khi thành lập quốc gia này vào năm 1948.

Người Ảrập và các tín đồ Hồi giáo khắp Trung Đông hôm 6/12 lên án mạnh mẽ việc Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chẳng khác gì “một động thái kích động” ở một khu vực bất ổn, còn người Palestine nói rằng Washington đã từ bỏ vai trò trung gian hòa giải hòa bình hàng đầu ở Trung Đông.

Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng báo động về quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv tới Jerusalem và những hậu quả của nó đối với bất kỳ cơ hội khôi phục hòa bình nào giữa Israel và Palestine.

Các đồng minh lớn của Mỹ cũng chống lại sự lật ngược chính sách quốc tế về Jerusalem mà Washington đã theo đuổi nhiều thập kỷ vừa qua.

Pháp bác bỏ quyết định "đơn phương" của Mỹ và kêu gọi bình tĩnh trong khu vực. Anh nói động thái này sẽ không giúp các nỗ lực hòa bình và Jerusalem cuối cùng sẽ được Israel và một nhà nước Palestine tương lai cùng chia sẻ. Đức cho biết thể chế của Jerusalem chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở giải pháp của hai quốc gia.

Phát biểu trước người dân Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố Jerusalem là "thủ đô vĩnh cửu của Nhà nước Palestine" và hành động của ông Trump "tương tự như việc Hoa Kỳ ‘thoái vị’ vai trò hòa giải hòa bình".

Trong khi đó, tất cả các phe phái Palestine kêu gọi một cuộc tổng đình công và biểu tình phản đối vào trưa ngày 7/12.

Vi sao cac nuoc phan doi Tong thong Trump cong nhan Jerusalem?
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố Jerusalem là "thủ đô vĩnh cửu của Nhà nước Palestine" - Ảnh: Reuters

Ai Cập, nước Ả Rập có thỏa thuận hòa bình đầu tiên với Israel vào năm 1979, đã bác bỏ quyết định của Tổng thống Trump và nói rằng quyết định đó không thay đổi tình trạng pháp lý tranh chấp của Jerusalem.

Jordan cho biết hành động của ông Trump bị "vô hiệu về pháp lý" vì nó củng cố sự chiếm đóng của Israel ở Đông Jerusalem.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho biết, quyết định của ông Trump rất nguy hiểm và đe dọa uy tín của Hoa Kỳ như là một người môi giới hòa bình Trung Đông. Ông nói rằng động thái này đẩy lùi tiến trình hòa bình hàng thập kỷ và đe dọa sự ổn định của khu vực cũng như sự ổn định toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, nói rằng hành động của ông Trump là "án tử hình cho tất cả những ai tìm kiếm hòa bình" và gọi đó là "một sự leo thang nguy hiểm".

Thổ Nhĩ Kỳ nói động thái của ông Trump là "vô trách nhiệm".

Iran "nghiêm khắc lên án” động thái của ông Trump vì nó vi phạm các nghị quyết của LHQ về cuộc xung đột Israel - Palestine. Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, nói rằng Hoa Kỳ đang cố gắng gây mất ổn định cho khu vực và bắt đầu một cuộc chiến để bảo vệ an ninh của Israel.

Thủ tướng Anh Theresa không đồng ý với việc ông Trump quyết định Jerusalem là thủ đô của Israel vì “điều này dường như không giúp gì để nuôi dưỡng hòa bình trong khu vực”.

Vi sao cac nuoc phan doi Tong thong Trump cong nhan Jerusalem?
Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv sẽ được chuyển đến Jerusalem - Ảnh: AFP

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng không có giải pháp thay thế cho giải pháp của hai quốc gia và vấn đề thể chế cuối cùng của Jerusalem chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp.

Đức Giáo hoàng Francis và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tham gia vào những tiếng nói phản đối khi cảnh báo rằng động thái của ông Trump có thể tạo ra một làn sóng bạo lực trong khu vực.

Tại Đông Nam Á, lãnh đạo các quốc gia đa số là người Hồi giáo Indonesia và Malaysia cũng lên tiếng phê phán hành động của Tổng thống Trump.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại quyết định của mình.

Trái lại, Israel hoan nghênh động thái của ông Trump. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong một thông điệp trên truyền hình rằng đây là "bước tiến quan trọng hướng tới hoà bình" và là "mục tiêu của chúng ta từ ngày đầu tiên thành lập nhà nước Do Thái".

Tổng thống Trump nói rằng quyết định công nhận Jerusalem không nên được hiểu như việc Mỹ có lập trường về việc thành phố Jerusalem có thể bị chia sẻ hay không hay chia sẻ như thế nào.

Vi sao cac nuoc phan doi Tong thong Trump cong nhan Jerusalem?
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong một thông điệp trên truyền hình rằng đây là "bước tiến quan trọng hướng tới hoà bình" - Ảnh: NDTV

Nhưng ông Trump không đề cập đến nguyện vọng lâu dài của người Palestine đối với Đông Jerusalem như là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Thay vào đó, ông Trump nhấn mạnh đến chiều hướng chính trị trong nước khi ra quyết định.

Ông lưu ý rằng ông đã hứa sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ khỏi Tel Aviv trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, và nói thêm: "Trong khi các vị tổng thống tiền nhiệm đều hứa điều này trong chiến dịch tranh cử, nhưng họ đã thất hứa, còn tôi, hôm nay tôi đang làm được”.

Cộng hòa Czech hôm 6/12 là quốc gia đầu tiên sau Mỹ công nhận Jerusalem trong thực tế là thủ đô của Israel theo các đường biên giới phân định từ năm 1967.

Nhưng khác với Mỹ, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech cho biết họ sẽ chỉ cân nhắc đến việc di chuyển đại sứ quán của mình đến Jerusalem dựa trên kết quả đàm phán.

Thiện Đạo (Theo NYTimes, Reuters, Jerusalem Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI