Vì sao các chợ truyền thống ở TPHCM chưa mở cửa?

16/07/2021 - 06:48

PNO - Sở Công Thương TPHCM đã có chỉ đạo thí điểm cho các chợ truyền thống đang phải tạm dừng hoạt động được tái mở cửa với điều kiện chỉ có từ 2 đến 10 tiểu thương bán hàng thiết yếu, nhưng đến nay, chưa có chợ nào mở cửa.

Hàng trăm sạp nên khó bố trí 2-10 người bán 

Theo gợi ý từ Sở Công thương TPHCM, khi tái mở cửa, người mua cũng được phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, khống chế lượng khách ra vào chợ. Mô hình này được đánh giá là khả thi trong bối cảnh người dân khó mua được thực phẩm thiết yếu. Hiện hơn 170 chợ truyền thống và ba chợ đầu mối vẫn tạm ngưng hoạt động, chỉ còn 63 chợ đang hoạt động. 

Theo ông Thái Bình Sơn - Trưởng ban quản lý (BQL) chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) - khu vực xung quanh chợ đang bị phong tỏa do có gần 100 ca nhiễm COVID-19 nên phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND quận. Chợ này có 200 sạp thịt, cá, rau củ quả, trong đó có hơn 80 sạp rau củ. Nếu bố trí cho 2-10 tiểu thương bán luân phiên thì ít quá, hơn 200 tiểu thương phải chờ rất lâu mới tới lượt bán và 2-10 người bán sẽ đuối sức. Nếu cho mở cửa, phải cho ít nhất 50% số sạp bán luân phiên. 

“Ngược lại, với số lượng sạp nhiều, BQL chợ cũng lo khó đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 khi lượng khách chuyển từ siêu thị, cửa hàng sang chợ. Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 ở quanh chợ quá đông. Do vậy, chúng tôi phải chờ UBND quận đánh giá tình hình và cho ý kiến”, ông Thái Bình Sơn nói.

Người dân mua rau củ, thực phẩm ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10)
Người dân mua rau củ, thực phẩm ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10)

Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng BQL chợ Xã Tây (Q.5) - cho biết, BQL chợ đang xây dựng kế hoạch cụ thể về cách bố trí sạp, đối tượng khách hàng trình UBND quận duyệt mới triển khai được. Chợ nằm giáp ranh hai phường nên để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, BQL chợ dự tính chỉ bán cho người dân ở hai phường này chứ không thể phục vụ cho toàn bộ người dân Q.5.

“Theo kế hoạch, khách vào chợ mua hàng phải có giấy tờ chứng minh mình sống ở hai phường giáp ranh chợ. Chợ không phục vụ khách Q.8, Q.10 vì khó kiểm soát dịch và sai quy định của Chỉ thị 16 là nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường... Chúng tôi cũng phải sắp xếp để tiểu thương bảo đảm khoảng cách, test nhanh cho tiểu thương và bảo vệ trước khi vào chợ. Chúng tôi kiến nghị quận hỗ trợ chi phí này. Chúng tôi đang tính đến phương án lương thực, thực phẩm vào bọc sẵn, bán đồng giá để người dân vào mua nhanh về nhanh, không nói chuyện, tiếp xúc lâu”, ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, BQL sẽ không tổ chức bán trong nhà lồng chợ, chỉ tận dụng diện tích xung quanh chợ để bố trí sạp, đảm bảo hai sạp cách nhau 4m và có thể sắp xếp được 30 sạp bán luân phiên chứ 10 sạp thì quá ít và nên cho bán cả thịt, thủy hải sản, gia vị, thực phẩm khô chứ không nên chỉ cho bán rau củ. BQL chợ cũng sẽ làm việc với Hội Phụ nữ của hai phường để mua hàng giúp người dân, hạn chế lượng khách đến chợ đông. 

Đánh giá lại để mở cửa an toàn

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết, sở đã gửi phương án, hướng dẫn, đề nghị các quận, huyện đánh giá lại các chợ và cho mở cửa những chợ đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, giới hạn 2-10 tiểu thương. Nếu 22 quận, huyện đồng loạt triển khai ngay, nguồn cung cấp thực phẩm sẽ ổn định. Quận, huyện nào gặp khó khăn, chưa triển khai thì thông tin ngay về sở để cùng tìm hướng giải quyết.

Về việc các chợ muốn tăng số lượng tiểu thương và được bán nhiều loại thực phẩm thiết yếu, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng “bán càng nhiều càng tốt, miễn đảm bảo giãn cách, phát phiếu, khống chế lượng khách, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K”. Về việc BQL các chợ lo ngại tiểu thương so bì (về việc ai được bán trước), ông gợi ý nên cho tiểu thương bốc thăm. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương- trong quá trình quản lý, sở nhận thấy chợ là nơi mua sắm phù hợp đối với người dân có thu nhập trung bình. Nếu tổ chức tốt thì chợ truyền thống vẫn an toàn hơn các siêu thị vì đây là môi trường mở. Tuy nhiên, chợ truyền thống có nhiều cổng ra vào, người mua bán đông nên phải tổ chức lại cho phù hợp. Hiện 1/3 chợ truyền thống ở TPHCM đang hoạt động, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 về mật độ, khoảng cách, lối đi, bán hàng qua dây, qua phiếu. Sở đề nghị các quận, huyện nhanh chóng đánh giá lại các chợ và tổ chức hoạt động lại an toàn để phục vụ người có thu nhập trung bình. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI